Không thể phủ nhận rằng, chưa bao giờ trên thị trường sách cho trẻ em lại phong phú như hiện nay. Từ sách dịch, sách của các tác giả trong nước, sách in đường chính thống, sách in lậu, với đủ loại mẫu mã, trang trí rất bắt mắt.
Thế nhưng có điều là sách của tác giả Việt viết cho thiếu nhi dường như không tương xứng với nhu cầu ngày càng cao của đối tượng độc giả này. Hầu như các nhà phê bình, nhà văn cũng mới chỉ chú ý tới những “hiện tượng” văn học cho người lớn chứ chưa quan tâm tới những sáng tác cho trẻ em.
Những tác phẩm văn học viết cho các em rất ít được giới thiệu trên báo chí. Hay nói theo ngôn ngữ hiện đại thì văn học thiếu nhi ít được “tiếp thị” trên thị trường. Phần lớn mới chỉ dừng lại ở các truyện tranh, cổ tích đơn giản và cũ.
Trong khi đó số lượng lớn các tựa sách mới, được trình bày đẹp mắt… của nước ngoài đang chiếm lĩnh thị trường với nhiều cuốn sách không phù hợp với văn hoá Việt, nhiều cuốn có nội dung khác biệt với trẻ em Việt nên tính giáo dục không cao.
Chính vì thế, trẻ em “bơi” trong biển sách, không biết đâu mà lựa chọn. Đáng nói nữa là dù sách viết cho các em tuy được xuất bản nhiều, nhưng hầu như lượng phát hành chủ yếu chỉ ở các thành phố lớn, các thị xã, thị trấn. Sách đưa về nông thôn rất ít. Có thể nói, sách với trẻ em ở nông thôn và vùng sâu, vùng xa vẫn đang còn là thứ hàng “xa xỉ”.
Ngay cả hệ thống thư viện ở các địa phương cũng như trong nhà trường vùng sâu, vùng xa hầu như không được duy trì, nếu có, cũng rất nghèo nàn về tác phẩm văn học. Nguồn sách chủ yếu là do sự tài trợ của Trung ương, của các nhà xuất bản hoặc sự quyên góp của các cá nhân.
Một vấn đề nữa là trẻ em hầu như không được hướng dẫn đọc sách. Theo kết quả điều tra của Trung tâm văn học trẻ em, có tới 72% giáo viên tiểu học và THCS thừa nhận họ hầu như không gợi ý cho học sinh của mình nên đọc sách gì ngoài những tác phẩm được giảng dạy trong nhà trường, cách lựa chọn một cuốn sách hay hoặc cách đọc sách... 79% phụ huynh không cùng đọc sách với con, 86% phụ huynh không hề đọc một tác phẩm văn học thiếu nhi nào kể từ khi con họ biết đọc…
Bên cạnh đó cũng phải nói thêm là trẻ em hiện nay có quá ít thời gian để đọc sách. Hầu như các em nhỏ ở nông thôn sau những buổi học ở trường đều phải tham gia lao động cùng với gia đình.
Còn với các em ở thành phố, thị xã thì cũng bị “quản thúc” ở trường hoặc các lớp học thêm. Có nhiều gia đình, vì mong muốn con cái được “đổi đời” nên họ đã dồn lên chúng áp lực học hành quá lớn, vì thế hầu như các em không còn thời gian để vui chơi giải trí và đọc sách.
Việc định hướng lại văn hóa đọc cho các em là điều vô cùng cần thiết. Chăm lo nuôi dưỡng văn hóa đọc ở trẻ em, nuôi dưỡng tâm hồn mỗi con người ngay từ thuở ấu thơ là nhiệm vụ chung của gia đình, nhà trường và toàn xã hội, nhiệm vụ của mỗi người.