Người Chăm có nhiều nét văn hóa đặc trưng không chỉ thể hiện ở phạm vi làng xã như dệt Mỹ Nghiệp hay gốm Bàu Trúc mà còn thể hiện ở phạm vi cộng đồng qua không gian văn hóa đền tháp thông qua các lễ hội, lễ tục được truyền từ đời này qua đời khác do giới chức sắc đảm nhiệm. Do đó, với người Chăm, tháp là nơi linh thiêng, là nơi quan trọng trong đời sống tâm linh.
Ông Camnai làm nghi thức té nước thần Shiva trước cửa tháp, các tín đồ sẽ hứng những giọt nước thiêng thoa lên cơ thể để cầu bình anh, may mắn.
Về mặt kiến trúc, tháp Chăm đa phần được xây dựng trên những ngọn đồi cao, mỗi cụm từ 3 đến 6 ngôi tháp. Mỗi cụm luôn có một tháp Chính để thờ thần Shiva - người có quyền uy tối thượng trong tôn giáo Chăm. Tháp chính người Chăm gọi là Bimong có cửa luôn hướng về hướng đông - hướng mặt trời mọc, nơi trú ngụ của thần linh theo quan niệm Chăm.
Bên trong lòng tháp chính rất hẹp, vừa đủ để bộ Linga - Yoni và để chức sắc Chăm thực hiện nghi thức hành lễ.
Ông Po Adhia cầm miếng trầu têm hướng về phía tháp gửi những lời cầu mong, ước nguyện của các tín đồ đến thần linh.
Theo quan niệm của đồng bào Chăm, chỉ những lúc làm lễ cửa tháp Chính mới được mở, thời gian còn lại cửa tháp luôn phải đóng kín. Để mở được cửa tháp phải hội tụ đủ bốn vị chức sắc quan trọng trong tôn giáo, tín ngưỡng Chăm đó là Po Adhia (Cả sư), Ong Kadhar (ông hát thánh ca), Ong Camnai (ông Từ) và Muk Pajuw (bà Bóng). Po Adhia thực hiện nghi thức tại khoảng sân nhỏ trước tháp sau đó Ong Camnai làm nghi lễ té nước thần Shiva, Ong Kadhar hát thánh ca trước cửa tháp cuối cùng Muk Pajuw thực hiện nghi thức tắm rửa và mặc xiêm y cho thần - vua trong ngôi tháp được cúng lễ.
Đồng bào Chăm hành hương lên tháp Po Klaong Garai vào dịp Kate.
Theo đó hệ thống lễ hội thực hiện ở đền tháp gồm bốn lễ: Yuer Yang (lễ cầu an - tháng 4 Chăm lịch), Kate (lễ cúng nam thần - tháng 7 Chăm lịch), Cambur (lễ cúng nữ thần - tháng 9 Chăm lịch), Peh Pabah Mbang Yang (lễ mở cửa tháp - tháng 11 Chăm lịch). Các lễ hội được thực hiện tuần tự nhất định theo lịch pháp Chăm.
Vật tế lễ dùng trong các nghi thức hành lễ trên tháp.
Hành hương lên tháp Po Rome vào lễ cúng Yuer Yang tháng 4 Chăm lịch.
Tất cả bốn lễ hội trên xét về nghi thức hành lễ, lễ vật cúng tế đều có điểm chung như nhau, chỉ khác nhau về tên gọi, qui mô. Và ý nghĩa chung lớn nhất của các lễ hội là đều cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Cầu cho quốc thái dân an, gạo lúa đầy nhà và sức khỏe, bình an cho xóm làng.