(GD-TĐ) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy:
"Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam"
Bởi theo Người, “Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta. Dân ta là con Rồng, cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yêu dân trị nước tiếng để muôn đời”.
Tư tưởng đó là kết quả của một quá trình tự nhận thức, đúc rút kinh nghiệm qua lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc ta, từ năm 2079 TCN – thời kỳ vua Hùng dựng nước đến khi thành lập Mặt trận Việt Minh, toàn bộ quá trình này đã được Người tổng kết trong tác phẩm “lịch sử nước ta”.
Đã có biết bao thế hệ ngã xuống, bao nhiêu máu và nước mắt đã đổ, mỗi tấc đất quê hương đều là sự hòa trộn của tinh khí tổ tiên, của những nỗi đau đời, của khát vọng,…tất cả tạo thành truyền thống. Và qua quá trình bôn ba tìm đường cứu nước Người nhận rõ hơn giá trị của tự do và càng tự hào về truyền thống lịch sử của dân tộc mình. Trên mỗi chặng đường cứu nước, Người luôn chú trọng việc giáo dục lịch sử dân tộc, khơi gợi lòng yêu nước của đồng bào.
Người nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”. Tuy nhiên, Người cũng chỉ rõ rằng “…tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm…”. Chính vì vậy “bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước…”
Nói như vậy để thấy rằng Bác rất quan tâm đến việc giáo dục truyền thống lịch sử cho mọi người, đặc biệt là truyền thống lịch sử địa phương. Công việc giáo dục ấy bao gồm nhiều kênh, từ “giải thích”, đến “tuyên truyền” rồi “tổ chức” và “lãnh đạo”. Mục đích cuối cùng là “làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước”.
Một giờ học ngoại khoá của học sinh trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc tại khu di tích lịch sử văn hoá Căng - Đồn Nghĩa Lộ (Yên Bái) |
Kế thừa tư tưởng này của Người, trong suốt thời gian qua vấn đề giáo dục truyền thống lịch sử địa phương đã được quan tâm và đẩy mạnh trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Bởi lẽ, thế hệ trẻ chính là những chủ nhân tương lai của đất nước. Sự sinh tồn, phát triển của một dân tộc nói chung và của địa phương nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào thái độ và cách ứng xử của những thế hệ tương lai đối với quá khứ của dân tộc mình, của địa phương mình.
Trong xu thế hội nhập, sự hòa trộn giữa những nền văn hóa tất yếu đưa đến nhiều hệ quả khác nhau và cả những hậu quả khó tránh. Có một thực tế đáng buồn là có một bộ phận không nhỏ giới trẻ đã quay lưng với quá khứ, với lịch sử, thậm chí sẵn sàng phủ nhận quá khứ, phủ nhận truyền thống bằng một lối sống hời hợt, a dua, lệch lạc, sự hiểu biết của học sinh về lịch sử địa phương còn rất hạn chế.
Theo kết quả điều tra về lịch sử địa phương do giáo viên dạy Sử ở trường TH&THCS Trần Phú, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái cho thấy: Với những câu hỏi đơn giản như: “Tỉnh Yên Bái có bao nhiêu huyện, thị xã, thành phố?” chỉ có 15% số học sinh được hỏi trả lời đúng, hoặc “Lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Yên Bái là ai?” chỉ có 20% số học sinh được hỏi trả lời đúng, số học sinh còn lại lơ mơ hoặc không biết. Đây cũng là tình trạng chung ở các trường. Vấn đề này đã được các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên mổ xẻ. Đó không chỉ là vấn đề nan giải của ngành giáo dục mà còn của toàn xã hội.
Trước thực tế ấy, việc giáo dục truyền thống lịch sử và lịch sử địa phương cho thế hệ trẻ càng trở nên cấp thiết. Một trong những môi trường giáo dục tiên quyết chính là trường học. Bởi đây là môi trường có nhiều điều kiện để tích hợp mọi phương pháp, đặc biệt là những phương pháp mang tính trực quan, sinh động, chẳng hạn: minh họa qua tranh ảnh, sách báo; qua máy chiếu; tổ chức ngoại khóa, các cuộc thi tìm hiểu; qua các trò chơi dân gian…
Nhờ các phương pháp, hình thức trên mà việc giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương trở nên sinh động, bớt khô cứng, máy móc, đọng lại trong tư duy học sinh ấn tượng tốt đẹp về mảnh đất quê hương với rất nhiều điều thú vị về những câu chuyện lịch sử, về phong tục tập quán của các dân tộc anh em được gìn giữ từ lâu đời, về các danh lam thắng cảnh của địa phương…Những kiến thức lịch sử đang hiện hữu xung quanh chúng ta chính là một nguồn tư liệu quý giá, cái chính là phải làm sao để những điều thường nhật ấy trở nên lấp lánh sắc mầu lịch sử. Vai trò đầu tiên thuộc về nhà trường mà cụ thể là những giáo viên trực tiếp giảng dạy.
Trước tiên, giáo viên phải nghiên cứu kỹ nội dung giảng dạy trước khi lên lớp, sau đó hướng dẫn học sinh học bài về nhà để học sinh có định hướng tìm tòi, sưu tầm các tài liệu phục vụ cho bài học. Để đạt được mục tiêu bài học, giáo viên cần chuẩn bị tốt các giáo cụ trực quan (tranh ảnh, biểu đồ, bản đồ, sa bàn…), làm chủ các phương tiện dạy học hiện đại, phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh.
Bên cạnh đó, giáo viên cần phải tự nâng cao kỹ năng tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp như: tổ chức các trò chơi dân gian, các hoạt động ngoại khóa, phối hợp với các đơn vị quản lý di tích, danh thắng trên địa bàn tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu, lao động ngoại khóa tại các di tích lịch sử, văn hóa. Qua đó, tạo môi trường giáo dục thân thiện, tích cực, kéo học sinh về gần hơn với các giá trị truyền thống lịch sử. Việc phối hợp giáo dục giữa nhà trường với các đơn vị trên đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Lấy mô hình ở thị xã Nghĩa Lộ là một ví dụ, nhiều năm nay Phòng giáo dục thị xã đã chủ động phối hợp với Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên tổ chức cho học sinh các trường đến tham quan, lao động ngoại khóa kết hợp với nghe thuyết minh, kể chuyện về lịch sử địa phương, về danh nhân. Hiệu quả trông thấy là học sinh tỏ ra rất hứng thú khi tham gia các hoạt động này bởi các kiến thức lịch sử đã trở nên sinh động, hấp dẫn, dễ tiếp thu. Từ đó học sinh sẽ có ý thức tôn trọng, bảo vệ các di tích, danh thắng, đồng thời lòng tự tôn, tự hào được nâng lên, việc quảng bá truyền thống lịch sử địa phương ra bên ngoài là tất yếu.
Ngày nay, việc giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc trong đó có lịch sử địa phương càng trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Trong xu thế hội nhập, nếu không biết giữ bản sắc văn hóa dân tộc thì sẽ bị hòa tan, bị nhấn chìm. Bởi vì đối với một dân tộc, lịch sử là điểm tựa, là kim chỉ nam để tồn tại và phát triển. Quá khứ, hiện tại và tương lai là một dòng chảy liên tục, cái mới sẽ ra đời trên mảnh đất truyền thống. Tôn trọng lịch sử là một tiêu chí của sự đổi mới. Như Bác Hồ đã từng căn dặn: “Ngày xưa, các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”./.
Thu Phong – Phạm Duyên
(Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái)