Vận dụng mô hình lớp học đảo ngược phát triển năng lực cho trò

GD&TĐ - "Mô hình lớp học đảo ngược" đem đến một cách nhìn về đổi mới phương pháp giảng dạy đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018.

Ông Bùi Văn Kiệm - Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng tặng hoa 2 giáo viên báo cáo chuyên đề.
Ông Bùi Văn Kiệm - Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng tặng hoa 2 giáo viên báo cáo chuyên đề.

Trường THPT Ngô Quyền (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) tổ chức Hội thảo chuyên đề cấp thành phố với chủ đề “Vận dụng mô hình lớp học đảo ngược trong dạy học phát triển năng lực học sinh và tiếp cận các hình thức kiểm tra đánh giá trong Chương trình GDPT 2018”.

Từ năm học 2022-2023, Chương trình GDPT 2018 được triển khai ở cấp THPT. Trong quá trình giảng dạy việc tìm tòi phương pháp, kĩ thuật dạy học mới để đạt mục tiêu bài dạy nói riêng, mục tiêu của chương trình nói chung luôn là một việc làm tất yếu, thường xuyên và liên tục của mỗi giáo viên cũng như của tổ nhóm chuyên môn trong các nhà trường.

24-11-3-1929-3638-3324-3068.jpg
Chuyên đề được diễn ra vào chiều ngày 24/10.

Đặc biệt, đáp ứng yêu cầu dạy học phát triển phẩm chất năng lực học sinh theo chương trình mới, xu hướng tuyển sinh của các trường đại học bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, đổi mới trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025...Trường THPT Ngô Quyền đã chỉ đạo tổ chuyên môn tiến hành nghiên cứu học tập để đổi mới phương pháp dạy học.

Tổ nhóm chuyên môn của nhà trường đã tiếp cận với nhiều công trình nghiên cứu về phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học mới có hiệu quả, theo hướng phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất cho người học. Trong đó có một số phương pháp mới đã được áp dụng rất hiệu quả là mô hình dạy học đảo ngược.

Lớp học đảo ngược là mô hình học tập ngược lại với lớp học truyền thống. Trong mô hình học tập mới mẻ này, học sinh sẽ học bài trước khi lên lớp thông qua các tài liệu, video quay sẵn, các cuộc hội thảo trực tuyến, chủ đề thảo luận hay các câu hỏi chuẩn bị… Khi đến lớp, học sinh đặt các câu hỏi thắc mắc để giáo viên giải đáp. Người học cùng thảo luận nhóm, làm bài tập… để đạt được mục tiêu hiểu sâu, mở rộng kiến thức hơn.

24-11-1-2978-6966.jpg
Một hoạt động dạy học minh hoạ môn Toán theo mô hình lớp học đảo ngược.

Mô hình này đã được Trường THPT Ngô Quyền áp dụng 2 năm qua ở bộ môn Sinh và cũng gặt hái được những thành quả ban đầu đáng khích lệ. Ở bộ môn Toán, mô hình này đã được thực hiện một phần.

Theo thầy Tạ Xuân Hoà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền từ năm học này, nhà trường thực hiện một cách bài bản, chuẩn hóa ở một số lớp của các giáo viên trẻ và cũng cho kết quả khả quan. Trường cải tiến quy trình thiết thế kế hoạch bài dạy và quy trình tổ chức dạy học theo mô hình lớp học đảo ngược phù hợp với bộ môn và đặc biệt là phù hợp với học sinh của trường.
Nhà trường đã xây dựng được kế hoạch bài dạy theo mô hình lớp học đảo ngược, video bài giảng, bộ câu hỏi đánh giá năng lực với đủ 3 định dạng và 4 mức độ nhận thức của chương 1 hàm số lượng giác và phương trình lượng giác Toán 11 và Cấu trúc tế bào Sinh 10, Tiến hóa Sinh học 12, Trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở thực vật Sinh học 11 của môn Sinh.

Trong chuyên đề, giáo viên 2 bộ môn báo cáo cơ sở lí luận của mô hình lớp học đảo ngược, các bước tiến hành, kết quả ban đầu và thực hiện 2 hoạt động dạy minh họa của 2 bộ môn Toán, Sinh.

24-11-4-2097-6671-9709-570.jpg
Tiết dạy minh họa môn Sinh học theo mô hình mới được báo cáo trong chuyên đề.

Qua hoạt động dạy học minh hoạ, học sinh được giao nhiệm vụ, khuyến khích khám phá kiến thức, vận dụng giải quyết bài tập được giao, đồng thời phát triển tư duy, có chính kiến và tự chủ hơn trong việc học.

Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ giáo dục đòi hỏi giáo viên cần đổi mới các hình thức kiểm tra, đánh giá, đáp ứng yêu cầu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT và các kỳ thi đánh giá tư duy, năng lực của các trường đại học.

Phát biểu tại chuyên đề, ông Phạm Quốc Hiệu- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh, để thực hiện thành công, hiệu quả mô hình dạy học mới còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: trình độ, năng lực của giáo viên; tính chủ động của học sinh... nhưng đó là xu hướng tất yếu cần hướng tới để thực hiện thành công mục tiêu đổi mới giáo dục. Vì vậy, chuyên đề là cơ hội học tập, chia sẻ, trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm giảng dạy cho cán bộ, giáo viên các nhà trường. Mỗi thầy cô sẽ rút ra kinh nghiệm cho mình để lựa chọn nội dung, xây dựng kế hoạch bài dạy, cách thiết kế và tổ chức hoạt động dạy học...để nâng cao chất lượng chuyên môn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ