Vân Đồn - Quảng Ninh: Chợ nông thôn mới bỏ hoang

GD&TĐ - Chợ dân sinh tại xã Bản Sen, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh được xây dựng từ nhiều năm nay theo chương trình nông thôn mới.

Chợ Bản Sen hoang hóa, dân đảo đi chợ online.
Chợ Bản Sen hoang hóa, dân đảo đi chợ online.

Nhưng điều lạ kỳ rằng, chợ xây xong chỉ để cỏ mọc, hoang hóa còn người dân lại “họp chợ online”.

Xây chợ để hoàn thiện tiêu chí

Xã Bản Sen huyện Vân Đồn đã về đích nông thôn mới (NTM) sau 8 năm (từ năm 2011 - 2018) phấn đấu xây dựng. Tổng số tiền huy động xây dựng NTM trong toàn xã là hơn 250 tỷ đồng.

Trong các tiêu chí xây dựng NTM, chợ được đánh giá là một tiêu chí quan trọng. Bởi, chợ là nơi lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân, có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Theo quy hoạch chung, mỗi chợ nông thôn mới phải có các khu kinh doanh theo ngành hàng gồm nhà chợ chính, diện tích kinh doanh ngoài trời, đường đi, bãi đỗ xe, cây xanh, nơi thu gom rác...

Chợ xã đảo Bản Sen nằm ngay trung tâm xã, vị trí giao thông thuận tiện. Chợ có diện tích xây dựng khoảng hơn 1.000m2, gồm: Nhà để xe có mái che, 2 dãy nhà lợp mái tôn, khu họp chợ ngoài trời, nhà vệ sinh… Tất cả đã sẵn sàng đợi đón dân về họp chợ.

Tuy nhiên, từ ngày xây xong, chợ không một bóng người, nền chợ mọc rêu, bong tróc.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện tại chợ bỏ hoang, không có bảo vệ hay ban quản lý trông coi. Tại khu vực mái che của chợ, không có một gian hàng nào hoạt động dù đã được trang bị hệ thống điện, nước đầy đủ.

Đi “chợ online” cho nhanh

Vân Đồn - Quảng Ninh: Chợ nông thôn mới bỏ hoang ảnh 1

Bản Sen là một xã đảo còn nhiều khó khăn, đời sống dân cư nghèo nàn. Dù đã về đích nông thôn mới nhưng đời sống người dân không được cải thiện là bao. Dân chủ yếu làm nghề đi biển, nay đây, mai đó. Bản Sen cũng là xã đảo không có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, đất đai cằn cỗi nên khách du lịch đến với xã đảo này rất thưa thớt.

Bản Sen có diện tích 141,52 km2 với hơn 1.000 nhân khẩu, trung bình khoảng 7 người/1 km2. Theo phản ánh của nhiều phụ huynh trong xã, trong xã không có hộ dân sản xuất, bày bán hàng hóa; các loại thực phẩm thiết yếu hàng ngày đều phải mua từ trong Cái Rồng ra.

Nhiều năm nay, thành thói quen, có những “đại lý di động” sẽ đi bán hàng quanh đảo bằng xe máy, xe đạp. Thậm chí, khi công nghệ phát triển, để giảm tiện thời gian đi lại và đáp ứng nhu cầu của người dân, họ lập Facebook bán hàng trên mạng, ai có nhu cầu đặt hàng thì sẽ mang đến bán. Vì thế, khi được hỏi chợ xã đảo Bản Sen ở đâu, người dân thường nói vui “ở trên mạng”.

Khi được hỏi về chợ Bản Sen, phụ huynh Lương Thị Hiền tỏ ra bất ngờ và hỏi lại: Chợ nằm ở đâu trong xã? Chợ có xây lên cũng vất đó chứ có ai họp chợ đâu mà gọi là chợ.

Còn chị Điệp Thị Vân, phụ huynh tại xã Bản Sen cho biết: Chợ xã xây xong chắc được hơn 1 năm rồi nhưng chị chưa mua bán ở đó lần nào. Bản thân chị cũng không có nhu cầu họp chợ.

Theo phản ánh của người dân thì từ ngày chợ xây dựng xong chưa có hộ kinh doanh nào mang hàng hóa đến mua bán, trao đổi.

Ông Đinh Trung Kiên, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Bản Sen giải thích: Không phải chợ không hiệu quả mà do đặc thù địa phương là dân ít. Cũng có mấy chục hộ đăng kí rồi nhưng chưa có phương án và chưa có điều kiện nên họ chưa vào, xã đã có phương án và giao cho phó chủ tịch phụ trách về việc này.

Trái ngược với sự đìu hiu, ảm đạm của chợ xã, các chợ mua bán online trong các hội nhóm của xã Bản Sen luôn hoạt động từ sáng đến chiều. Theo chia sẻ của người dân nơi đây, sáng sớm ai có nhu cầu mua gì sẽ đăng trên các nhóm, người có hàng sẽ bán ship hàng đến tận nơi. Hoặc hàng tươi, hàng cập bến sẽ được lái buôn đăng lên nhóm và ai có nhu cầu sẽ đặt hàng trên mạng, “vừa nhanh, vừa tiện”.

Bản Sen có 2 trường học là Trường Mầm non Bản Sen và Trường Tiểu học, THCS Bản Sen. Giáo viên trong trường đa phần là các thầy cô công tác trong đất liền đi nghĩa vụ ra đảo. Các thầy cô ra công tác tại đảo thường đi về trong tuần.

Vì đảo không có chợ nên mỗi đầu tuần ngoài tư trang cá nhân thầy cô mang theo còn mang theo các nhu yếu phẩm cần thiết như: Rau, trái, cá thịt. Trường hợp nếu thiếu các cô sẽ mua online tại các hội nhóm, thậm chí các xe hàng rong của bà con xã đảo. Vì thế chợ đảo Bản Sen bị lãng quên.

Chị Điệp Thị Vân, phụ huynh tại xã Bản Sen chia sẻ thêm, do công việc đặc thù là đi tàu bè nên chị thường mua luôn đồ đạc, hàng hóa ở chợ chính trong Vân Đồn.

Như vậy, nhiều năm qua, chợ nông thôn mới tại xã Bản Sen chỉ xây dựng lên cho hoàn thiện tiêu chí để về đích đúng kế hoạch. Vì thế, chợ xây xong bỏ hoang, gây lãng phí ngân sách Nhà nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ