(GD&TĐ) - Vấn đề tài chính trong giáo dục đại học thời gian qua đã dành được sự quan tâm lớn của dư luận xã hội và đặc biệt là các nhà quản lý. Với các trường công lập là việc trần học phí không đảm bảo cho hoạt động đào tạo chất lượng. Còn với các trường ngoài công lập là việc mức thu học phí sao cho người dân chấp nhận được, và lợi nhuận hay không vì lợi nhuận. Những vấn đề này rất cần được đưa vào Luật để thực hiện.
(ảnh MH: Internet) |
Sau khi dự thảo 2 của Luật Giáo dục đại học đưa ra lấy ý kiến thì có nhều quan điểm đưa ra để các trường có thể giảm qui mô để nâng cao chất lượng đào tạo. Ông Nguyễn Văn Nam - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã đề nghị bỏ trần học phí để các trường công lập tự điều chỉnh mức thu học phí cho phù hợp với chi phí đào tạo. Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng - Lê Vinh Danh, thì đưa ra đề nghị: Nên qui định sử dụng ngân sách nhà nước chỉ để bao cấp một số sinh viên của các trường đại học tinh hoa. Các trường công lập còn lại tự thu học phí để trang trải chi phí đào tạo. Còn GS. Phạm Phụ lại đưa ra giải pháp đề nghị Nhà nước vay vốn nước ngoài rồi cho sinh viên vay lại để tăng học phí mà người học vẫn chi trả được.
Đây đều là những ý kiến xác đáng phản ánh tâm tư chung của các nhà trường, xuất phát từ thực tế. Và ghi nhận những ý kiến đóng góp này, Dự thảo Luật GDĐH đã hoàn thiện và làm rõ các nội dung trên. Đó là, về học phí: Điều 64 của dự thảo Luật qui định Chính phủ quy định nội dung, phương pháp xây dựng khung học phí đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập. Cơ sở giáo dục đại học công lập được chủ động xây dựng và quyết định mức thu học phí nằm trong khung học phí do Chính phủ quy định. Cơ sở giáo dục đại học thực hiện chương trình đào tạo chất lượng cao được thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo.
Cũng như vậy, quan điểm cho rằng Dự thảo Luật đã chưa phân biệt rạch ròi trường đại học vì lợi nhuận và trường đại học không vì lợi nhuận ngay từ đầu để có chính sách hỗ trợ phù hợp. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học Chu Văn An - Đặng Văn Định đã đồng tình với việc qui định phần tài chính mà các trường đại học tư thục dùng để tái đầu tư phát triển nhà trường được miễn thuế là chủ trương rất tốt. Đây là vấn đề được xã hội quan tâm nhiều vì thực tế, giáo dục đại học hiện nay ở nước ta nhiều trường ngoài công lập tuyên bố là hoạt động phi lợi nhuận nhưng xã hội còn hồ nghi điều đó. Làm rõ khái niệm này là cần thiết. Thế nên, việc qui định các trường tư thục không chia lợi nhuận hay chia lợi nhuận bằng lãi suất ngân hàng có thể được xem là trường không vì lợi nhuận. Hay như cụm từ “phi lợi nhuận” sẽ dành cho các trường đại học tư thục hoàn toàn không phân chia lợi nhuận trong tương lai là điều hoàn toàn hợp lý.
Cụ thể, Điều 4 của Dự thảo nêu rõ “Cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận nếu phần lợi nhuận tích lũy hằng năm là tài sản chung không chia, để tái đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học; các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hằng năm không vượt quá lãi suất huy động tiền gửi bình quân do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.” Hoặc như để đảm bảo cho các trường ngoài công lập phát triển bền vững, Điều 65 của dự thảo 3 của Luật qui định phần tài chính chênh lệch giữa thu và chi từ hoạt động của cơ sở giáo dục đại học tư thục được dành ít nhất 25% để đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học, cho các hoạt động giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, viên chức, cán bộ quản lý giáo dục, phục vụ cho hoạt động học tập và sinh hoạt của người học hoặc cho các mục đích từ thiện, thực hiện trách nhiệm xã hội. Phần này được miễn thuế. Phần còn lại, phân phối cho các nhà đầu tư và người lao động của cơ sở giáo dục đại học thì phải nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Dự thảo luật cũng qui định giá trị tài sản tích lũy được trong quá trình hoạt động của cơ sở giáo dục đại học tư thục và giá trị của các tài sản được tài trợ, ủng hộ, hiến tặng cho cơ sở giáo dục đại học tư thục là tài sản chung không chia, được quản lý theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển. Thêm nữa, Dự thảo cũng quy định tài sản và đất đai Nhà nước giao cho cơ sở giáo dục đại học tư thục quản lý và tài sản cơ sở giáo dục đại học tư thục được tài trợ, ủng hộ, hiến tặng phải được sử dụng đúng mục đích, không chuyển đổi mục đích sử dụng và không được chuyển thành sở hữu tư nhân dưới bất cứ hình thức nào. Và đối với các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập, cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài, mức thu học phí do các trường chủ động xây dựng nhưng phải được công bố công khai cùng thời điểm thông báo tuyển sinh.
Có thể nói, Dự thảo 3 của Luật Giáo dục Đại học luật được đưa ra trình Quốc hội đã tiếp thu những ý kiến phân tích của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý một cách đầy đủ. Dự thảo đã làm rõ các vấn đề liên quan đến tài chính cho GDĐH cũng như qui định cơ sở giáo dục đại học vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận. Thực tế hiện nay, ở nước ta khó có trường tư thục nào tìm được các khoản hiến tặng đủ lớn như các trường đại học nước ngoài để có thể trang trải cho mọi hoạt động mà phải dựa vào các nhà đầu tư. Vì vậy những tiêu chí mà Dự thảo Luật đưa ra lần này là phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta nhằm một mặt, đảm bảo đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đại học và mặt khác, ngăn chặn những hành vi trục lợi trong hoạt động giáo dục đào tạo.
TS. Hoàng Ngọc Trí
(Chủ tịch Hiệp hội các trường CĐ, TC Kinh tế kỹ thuật)