Vấn đề đặt ra cho việc sử dụng sách giáo khoa trong giáo dục phổ thông

GD&TĐ - Việc sử dụng sách giáo khoa của mỗi quốc gia được căn cứ trên quan điểm, chính sách về vai trò và chức năng của sách và năng lực của giáo viên.

Vai trò của giáo viên trong giáo dục phổ thông hết sức quan trọng trong sử dụng sách giáo khoa.
Vai trò của giáo viên trong giáo dục phổ thông hết sức quan trọng trong sử dụng sách giáo khoa.

Nền tảng của việc dạy học

Việc sử dụng sách giáo khoa của mỗi quốc gia được căn cứ trên quan điểm, chính sách về vai trò và chức năng của sách giáo khoa cũng như phụ thuộc nhiều vào năng lực của đội ngũ giáo viên trong việc khai thác nguồn học liệu này. Thông thường, sách giáo khoa được xem là tài liệu triển khai chương trình giáo dục trên lớp học dành cho giáo viên và học sinh. Về việc này, GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Khoa học Giáo dục Việt Nam và nhóm nghiên cứu chỉ ra:

Sách giáo khoa là nền tảng của việc giảng dạy, cụ thể hoá nội dung chương trình với lối trình bày rõ ràng, đơn giản, được sắp xếp theo trình tự và cấu trúc nhất định. Tuy nhiên, mức độ và hiệu quả sử dụng sách giáo khoa rất đa dạng, từ đặc điểm của các môn học, cấp học, bối cảnh lớp học và trường học có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến việc sử dụng sách giáo khoa. Thêm vào đó, vai trò của sách giáo khoa cũng thay đổi một cách tự nhiên theo thời gian, thể hiện qua các khía cạnh nội dung và thiết kế.

Trong bối cảnh lớp học, sách giáo khoa được sử dụng cho nhiều mục đích và trong các ngữ cảnh khác nhau. Sách giáo khoa là công cụ hỗ trợ giáo viên và học sinh lập kế hoạch dạy học, giới thiệu nội dung, cung cấp hệ thống hoạt động, bài tập, hỗ trợ, hướng dẫn giáo viên đạt được mục tiêu môn học. Trong đó 6 chức năng của sách giáo khoa bao gồm: Cấu trúc, trình bày, hướng dẫn giảng dạy, tạo động lực, sự khác biệt, thực hành và đánh giá. Nghiên cứu khác cũng chỉ ra chức năng tích hợp của sách giáo khoa, “làm nền cho việc hiểu và tích hợp kiến thức mà học sinh nhận được từ các nguồn tài liệu khác".

Sử dụng sách giáo khoa cần phải như một nguồn học liệu tiêu chuẩn để tiếp cận một môn học.

Sử dụng sách giáo khoa cần phải như một nguồn học liệu tiêu chuẩn để tiếp cận một môn học.

Thống nhất chung cho thấy việc sử dụng sách giáo khoa như một nguồn học liệu tiêu chuẩn để tiếp cận một môn học và làm cơ sở cho việc dạy và học. Ngoài ra, sách giáo khoa còn có chức năng hỗ trợ các giáo viên mới nhờ cung cấp cho họ một tài liệu giảng dạy chuẩn mực. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng không có một quyển sách giáo khoa nào có thể phù hợp với tất cả các đối tượng. Nên chắc chắn sẽ không có cuốn sách giáo khoa nào được coi là mẫu mực, lý tưởng cho mọi giáo viên, học sinh và bối cảnh dạy học. Chính vì thế, khi sử dụng sách giáo khoa cần chú ý đến các yếu tố linh hoạt và thích ứng.

Áp dụng vào thực tế

Nhóm nghiên cứu và GS Lê Anh Vinh cho biết: Thực tế cho thấy, cách tiếp cận của các giáo viên đối với việc sử dụng sách giáo khoa rất đa dạng. Nhiều giáo viên bị ràng buộc hoặc bị lệ thuộc vào sách giáo khoa, họ tuân thủ các hướng dẫn trong sách giáo khoa, không thực hiện hoặc chỉ thực hiện những thay đổi và bổ sung nhỏ cần thiết để tiết kiệm thời gian, đơn giản hóa việc dạy. Mặt khác, một số giáo viên linh hoạt hơn, chủ động thay đổi lựa chọn nguồn học liệu hoặc hướng dẫn phù hợp. Việc điều chỉnh sách giáo khoa để phù hợp với nhu cầu người học, cần cân nhắc những ưu nhược điểm trong việc sử dụng sách giáo khoa để từ đó định hướng cách sử dụng phù hợp nhất.

Việc sử dụng linh hoạt sách giáo khoa cho phù hợp với bối cảnh giáo dục vô cùng quan trọng.

Việc sử dụng linh hoạt sách giáo khoa cho phù hợp với bối cảnh giáo dục vô cùng quan trọng.

Trong quá trình dạy học, việc thích ứng, sử dụng linh hoạt sách giáo khoa cho phù hợp với bối cảnh giáo dục vô cùng quan trọng. Không nên quá phụ thuộc vào sách mà cần thích ứng cho phù hợp với bối cảnh, nhu cầu hứng thú và đối tượng học sinh. Nghiên cứu chỉ ra ở nhiều quốc gia đang phát triển, giáo viên phụ thuộc nhiều vào sách giáo khoa và do đó có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến phương pháp sư phạm trong khi các quốc gia phát triển như Phần Lan, Hồng Kông, Trung Quốc và Singapore đã thúc đẩy sự chủ động và vai trò của giáo viên trong việc sử dụng sách giáo khoa.

Thực tế phần lớn các trường học ở Ả Rập đã theo phương pháp lấy sách làm trung tâm. Giáo viên hoàn toàn phụ thuộc vào sách giáo khoa mặc dù chương trình giảng dạy có thể hoặc nên liên quan đến nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau. Việc giảng dạy thực tế cho thấy giáo viên phần lớn dựa vào các hướng dẫn trong sách giáo khoa. Điều này có một số lý do như áp lực về việc đảm bảo chương trình giảng dạy của Bộ Giáo dục, giáo viên thiếu các kỹ năng cần thiết để sử dụng các phương pháp giảng dạy khác nhau.

Liên quan đến kinh nghiệm sử dụng sách giáo khoa, nhóm nghiên cứu và GS Lê Anh Vinh dẫn chứng và cho rằng, các giáo viên điều chỉnh và bổ sung các hoạt động phù hợp để tạo môi trường học tập thú vị giúp học sinh tương tác tích cực hơn. Ngoài ra, giáo viên có thể thêm các bài tập để thực hành cho các mạch nội dung quan trọng hoặc điều chỉnh thời gian học cho các đối tượng học sinh. Giáo viên có thể bỏ qua các phần khó hiểu hoặc không liên quan của một bài hoặc trình bày lại các phần của bài để phù hợp với đối tượng học sinh.

Theo GS.TS Lê Anh Vinh, quy trình xuất bản một cuốn sách giáo khoa rất quan trọng, nhưng quan trọng không kém là thái độ của giáo viên và cách giáo viên sử dụng sách giáo khoa trong lớp học. Hiện nay, giáo viên được yêu cầu tạo điều kiện và tự chủ hơn cũng như sử dụng nhiều chiến lược giảng dạy và đánh giá dựa trên kinh nghiệm và nhu cầu của học sinh. Đây cũng là xu hướng sử dụng sách giáo khoa được các quốc gia phát huy, như ở Nhật giáo viên có một mức độ tự chủ đáng kể trong việc sử dụng sách giáo khoa một cách sáng tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ