Vì vậy, Internet of Things - một thị trường mới nổi và chưa có nhiều đối thủ lớn tham gia vào, được IBM đặt cược vào đó, không chỉ tiền và nhân sự, mà còn là hy vọng về một chiến lược mới trong tương lai.
Internet of Things (IoT) – với yêu cầu cơ bản là kết nối thế giới xung quanh chúng ta – một ý tưởng dường như xa vời thực tế trong một vài năm trước.
Nhưng giờ mọi thứ đã thay đổi, IoT nhanh chóng được thừa nhận như một thị trường mới, tăng trưởng nhanh chóng. Trên thực tế, một số chuyên gia dự đoán thị trường này có thể đạt tới 1,7 nghìn tỷ USD chỉ trong vòng năm năm. Các dự đoán khác tuy không cao bằng con số này nhưng hầu hết đều đồng ý rằng cơ hội là rất lớn trên thị trường này.
Với một thị trường đang trong giai đoạn mới phát triển như IoT, cơ hội đến từ hàng tỷ thiết bị kỳ vọng sẽ được tiêu thụ trong những năm tới. Đó chắc chắn là một cơ hội khổng lồ cho các nhà cung cấp, bao gồm Alphabet, với bộ phận Nest – bộ phận kinh doanh thiết bị cảm biến nhiệt và dò khói thuốc lá có kết nối mạng.
Con số ước tính thận trọng của hãng nghiên cứu Gartner cho rằng khoảng 6,5 tỷ thiết bị IoT sẽ được đưa vào sử dụng trên toàn thế giới trong năm tới, một bước tăng nhẩy vọt 30% so với 2015.
Đây đúng là tin vui cho các bộ phận liên quan đến lĩnh vực IoT của tập đoàn Alphabet trên toàn thế giới. Gartner cũng kỳ vọng các dịch vụ liên quan đến IoT sẽ mang lại khoảng 235 tỷ USD doanh thu trong năm 2016, và sẽ “trở thành động lực thực sự cho giá trị của IoT”. Tuy nhiên mảng dịch vụ trong IoT đang là nơi IBM hiện diện và trên đường trở thành người thống trị lĩnh vực kinh doanh này.
Thiết bị và dữ liệu
Thị trường cho các thiết bị này được kỳ vọng sẽ chiếm gần 32% doanh thu của toàn thị trường trong vòng năm năm tới, với phần còn lại bao gồm các giải pháp liên quan đến lưu trữ dữ liệu, bảo mật và dịch vụ phần mềm (software as a service SaaS).
Gần đây hãng Alphabet tự hào tuyên bố đã thu được 2 tỷ USD từ mảng “doanh thu khác” nhờ vào thị trường IoT, tăng 11% so với cuối năm ngoái. Với việc là một khoản doanh thu nhẩy vọt so với mảng kinh doanh ngoài quảng cáo của mình, Alphabet tỏ ra rất ấn tượng với sự đón nhận của người tiêu dùng cho thiết bị Nest của mình. Trên thực tế, con số 2 tỷ USD mới chỉ là một mẩu nhỏ so với miếng bánh thiết bị IoT dự kiến trong tương lai.
Nest - thiết bị cảm biến có kết nối mạng của Alphabet
Nhưng khi thị trường đi vào giai đoạn hoàn thiện trong những năm tiếp theo đây, các giải pháp về lưu trữ dữ liệu, dịch vụ phần mềm, phân tích và bảo mật sẽ thống trị doanh thu thực sự trên thị trường IoT, và đây là mảnh đất mà IBM đang đặt cược vào.
Xúc xắc đã được tung
Khi thị trường phát triển hoàn thiện, các giải pháp cho doanh nghiệp – hơn là cho tiêu dùng – bao gồm các gói dịch vụ của IBM cho IoT, sẽ là mảng doanh thu lớn nhất được tạo ra. Dường như IBM cũng đã dự đoán điều này khi thông báo về một khoản đầu tư 3 tỷ USD trong vòng bốn năm tới để thành lập và phát triển một đơn vị kinh doanh IoT riêng biệt.
Đây dường như không phải là số tiền quá lớn, đặc biệt là khi IBM đã phải bỏ ra nhiều tỷ USD khác để mở rộng mảng điện toán đám mây, dữ liệu lớn và các dịch vụ phân tích. Nhưng khả năng vươn xa của IBM trên các lĩnh vực quan trọng này sẽ là tiền đề vững chắc để hãng có thể đặt chân vào thị trường đang tăng trưởng nhanh IoT. Tại sao lại như vậy ? Bởi vì một lợi ích đi kèm với các thiết bị IoT là khối lượng lớn chưa từng có các dữ liệu thu thập được.
siêu máy tính Watson - cỗ máy được IBM đặt nhiều kỳ vọng trong cuộc chiến điện toán đám mây và IoT
Lấy thiết bị của bộ phận Nest của Alphabet là ví dụ: Alphabet không chỉ muốn hưởng lợi duy nhất từ việc kinh doanh các sản phẩm thiết bị IoT, mà dữ liệu người dùng từ các thiết bị đó cũng là thứ mà ông vua tìm kiếm này quan tâm.
Hãy tưởng tượng thế giới xung quanh chúng ta – nhà, xe hay thậm chí cả các thành phố - tất cả đều được kết nối với nhau. Khối lượng thông tin lúc đó sẽ có quy mô cực lớn. IBM đang đánh cược rằng các doanh nghiệp sẽ có nhu cầu về việc lưu trữ, bảo mật, xử lý chọn lọc khối dữ liệu đó để đưa ra các kết quả tương ứng. Dựa các giả định đó đã trở thành cơ sở cho nỗ lực của IBM đối với IoT.
Ngoài việc thông báo đầu tư vào IoT, IBM còn cho biết về một chuỗi các thương vụ sáp nhập và đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho siêu máy tính điện toán của hãng, Watson, để chuẩn bị cho việc xử lý khối dữ liệu có quy mô chưa từng có kia. Điện toán đám mây và xử lý dữ liệu lớn là các lĩnh vực quan trọng như CEO Ginnie Rometty đã nhấn mạnh “các nhiệm vụ chiến lược” và cả hai đều đóng vai trò không thể thiếu trong lưu trữ bảo mật và phân tích dữ liệu liên quan đến IoT.
Với công ty như Alphabet, vốn đang thu được lợi ích từ việc kinh doanh của bộ phận Nest và các thiết bị tương tự, việc tham gia vào thị trường IoT không hoàn toàn là một nhiệm vụ sống còn đối với ông vua quảng cáo. Nhưng IBM thì đang ở vị trí khác. Với việc đầu tư lớn cả về tiền bạc và nhân sự, rõ ràng công ty cần IoT và các mảng kinh doanh chiến lược có liên quan phải thành công.
Vào cuối quý trước, doanh thu từ các mảng kinh doanh chiến lược mà bà Rometty đề cập chiếm 27% tổng doanh thu của công ty, và kế hoạch mà bà đề ra là tăng con số này lên 40% trong vài năm tới. Để điều đó xảy ra, bộ phận IoT của IBM phải cho thấy một kết quả tương ứng với thời gian và hàng tỷ USD đã đầu tư.
Liệu bà Rometty và nhóm của bà có thể làm được hay không? Nhìn vào giá cổ phiếu đang giảm đi với việc chia lãi cổ tức 4%, nỗ lực dẫn đầu cuộc chiến IoT của IBM đúng là đáng để đánh cược.