![]() |
Bàn ghế trong lớp học này hầu như hư hỏng hoàn toàn khi cơn bão đi qua |
Ông Hà Thanh Quốc, Phó Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Quảng Nam cho biết, từ đầu tuần trước, hầu hết các trường trên địa bàn đã bắt đầu cho học sinh đến trường học tập bằng cách tận dụng tất cả những phòng nào trong trường còn có thể sử dụng được cho các em học. Ngay sau khi bão qua, bằng bằng kinh phí của nhà trường, bằng đóng góp của phụ huynh... các trường đã tiến hành tu sửa phòng học, lợp mái... để các em học sinh có thể đến trường trong thời gian sớm nhất. Ông Quốc cũng cho biết, hiện còn trường THCS Trần Cao Vân (Tam Hiệp) bị thiệt hại quá nặng nên vẫn chưa khắc phục được hậu quả sau cơn bão số 9. Các trường học thuộc các huyện Núi Thành, Đại Lộc, Hội An, Điện Bàn, Nam Trà My hiện đang chờ nguồn kinh phí tử ngân sách nhà nước hỗ trợ để xây dựng lại các phòng học, phòng chức năng bị hư hại.
![]() |
Hầu hết các trường đều tự chủ động khắc phục hậu quả sau bão |
Theo Sở GD-ĐT Quảng Ngãi, thiệt hại do cơn bão số 9 đối với ngành giáo dục tỉnh khoảng 80 tỷ đồng. Riêng huyện Bình Sơn thiệt hại khoảng 40 tỷ đồng. Sở GD-ĐT đã đưa ra 5 phương án trước mắt để khắc phục hậu quả của cơn bão, ổn định hoạt động của ngành giáo dục, đó là: Tập trung giáo viên tổng dọn vệ sinh; phối hợp với Phòng Y tế tiến hành phun thuốc khử trùng, diệt khuẩn tại các trường; phòng học nào còn sơ sài không đảm bảo an toàn thì không sử dụng; linh động thời gian học tập, vận động 3 ca học/ngày; về mặt hỗ trợ GV và HS, những GV, HS có điều kiện tốt hơn thì hỗ trợ những người bị thiệt hại nặng nề hơn.
Ông Nguyễn Hữu Long, Phó Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Quảng ngãi cho biết, chậm nhất đến ngày 8/10 vừa qua, 14 trường cuối cùng trong tỉnh đã ổn định việc dạy học. Một số trưòng trong tỉnh bị trôi hết sạch bàn ghế, điều kiện vô cùng khó khăn, nhưng nhà trường vẫn cố gắng tự khắc phục để học sinh có thể đến trưòng. Tuy nhiên, theo ông Long, điều đáng ngại nhất không phải là khắc phục những thiệt hại về cơ sở vật chất mà là mối lo các em nghỉ học và dịch bệnh. Ông Long cho biết, sáng nay (14/10), Sở GD&ĐT vừa nhận được tin có mấy chục học sinh trường DTNT Sơn Hà bị sốt. Sở GD&ĐT đã cử người xuống trường kiểm tra tình hình ngay sau khi nhận được tin báo.
Tại Kon Tum, chỉ còn duy nhất trường tiểu học Đắc Na, do bị sập hoàn toàn nên chưa thể bắt đầu dạy học. Đó là thông tin từ ông Lê Đắc Tường, Phó chánh văn phòng Sở GD&ĐT Kon Tum. Tuy nhiên, Sở đã cử cán bộ phối hợp cùng bộ đội làm nhà tạm để khoảng tuần sau, học sinh trong trường có thể bắt đầu vào học. Ngày 13/10, toàn bộ học sinh ở huyện Đăk Glei đã trở lại trường học. Nhiều điểm trường học bị hư hại chưa khắc phục được nên tại các xã Mường Hoong, Ngọc Linh, các thầy cô giáo đã sử dụng nhà rông văn hóa của thôn làng để làm lớp học cho học sinh.
Ông Tường cho biết, Sở GD&ĐT Kon Tum đã liên tiếp có hai văn bản chỉ đạo khắc phục tình hình sau lũ, tập trung váo các nội dung: Chỉ đạo các đơn vị thống kê thiệt hại; các trường chủ động phối hợp với các đoàn thể, địa phương sửa chữa, thu dọn vệ sinh, bàn ghế... sớm ổn định việc dạy học; cho học sinh những trường học bị ngập nặng nghỉ học và có kế hoạch học bù; tổ chức dọn vệ sinh các khu vực trường; quyên góp quần áo, sách vở để giúp đỡ những nơi bị thiệt hại nặng...
Hiếu Nguyễn