Minh họa văn chương: Chỉ đi sau hay đồng sáng tạo?

GD&TĐ - Liệu rằng, việc minh họa cho tác phẩm văn chương bấy lâu nay chỉ là đi sau để mô phỏng câu chuyện hay là sự đồng sáng tạo? Minh họa có đủ sức làm mới tác phẩm văn học kinh điển để đáp ứng nhu cầu xuất bản hiện nay hay không? Những câu hỏi ấy đã được đặt ra khi chuyện minh họa văn chương được bàn đến.

Độc giả được “nghỉ mắt” khi trang văn khéo léo kết hợp với hội họa (trong ảnh: Cuốn “Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp” của Đông A). Ảnh: IT.
Độc giả được “nghỉ mắt” khi trang văn khéo léo kết hợp với hội họa (trong ảnh: Cuốn “Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp” của Đông A). Ảnh: IT.

Sáng tạo rồi… “bắt vít”?

Mới đây Trạm Radio và Công ty sách Đông A phối hợp tổ chức tọa đàm trực tuyến “Vẽ minh họa làm mới tác phẩm văn học kinh điển Việt Nam” nhân gần đây có nhiều đơn vị xuất bản giới thiệu đến độc giả một số tác phẩm văn học kinh điển đầu tư không nhỏ vào việc minh họa.

Với sự tham gia của nhà phê bình Mai Anh Tuấn (Đại học Văn hóa Hà Nội) và họa sĩ Kim Duẩn (NXB Kim Đồng), buổi tọa đàm đã xới lên nhiều yếu tố mới trong những vấn đề cũ của việc minh họa tác phẩm văn chương.

Tuy tiếp nhận tác phẩm văn chương về mặt văn bản là chính và ít để ý đến tranh minh họa trên bìa hay trong nội dung tác phẩm nhưng nhà phê bình Mai Anh Tuấn vẫn cho rằng, minh họa phải luôn làm sáng rõ, rõ nghĩa hơn cho tác phẩm.

Đấy là kết quả của việc họa sĩ đọc và nhìn thấy tác phẩm được minh họa có ý nghĩa như thế nào thì hiện thực hóa các ý tưởng, cảm nhận, suy nghĩ của mình qua hình khối.

“Minh họa văn chương không phải là sự vẽ và mô tả đúng nội dung của tác phẩm mà họa sĩ phải đọc được lớp nghĩa của tác phẩm. Đấy là sự song hành, đồng sáng tạo thực sự chứ không phải đi sau văn chương”,  nhà phê bình Mai Anh Tuấn bày tỏ quan điểm.

Cùng với đó, ông Tuấn đưa ra nhận định, minh họa tác phẩm văn chương ở Việt Nam gắn liền với xuất bản, báo chí và in ấn hiện đại, từ khoảng cuối thế kỷ 19. Trong đó, minh họa văn chương trên báo chí rất sôi nổi đóng góp không nhỏ cho mỗi tác phẩm và luôn có nhiều biến đổi với nhiều thành tựu.

Từ trước năm 1945, trên báo Phong hóa có nhiều họa sĩ tên tuổi tham gia minh họa tác phẩm văn chương như: Nguyễn Gia Trí, Đông Sơn (Nhất Linh), Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Cát Tường, Đông Sơn… Các họa sĩ đã vẽ thoát ly hội họa phương Đông, hướng đến hội họa phương Tây vì quan tâm đến cảm xúc nhân vật, không gian xa - gần…

Xoáy vào mục đích minh họa là làm cho văn bản tác phẩm văn chương hấp dẫn hơn, theo họa sĩ Kim Duẩn, thường thì, người họa sĩ sẽ đọc văn bản, chọn đoạn dễ vẽ nhất để vẽ mô phỏng tả lại hoặc vẽ ý. Việc minh họa tác phẩm văn chương cho thiếu nhi và người lớn cũng rất khác nhau.

Nếu như minh họa cho người lớn là vẽ đơn giản, ít màu, cần toát ra ý chính thì vẽ cho thiếu nhi gần như bắt buộc phải  quan tâm đến sự hấp dẫn theo con mắt trẻ thơ với những dễ chịu, cảm thấy thích mắt. Nói chung, bằng kinh nghiệm, vẽ cho đối tượng nào thì họa sĩ sẽ biết cách đến gần với độc giả của mình.

Tuy nhiên, nhiều người đã không khỏi băn khoăn khi cho rằng tranh minh họa “đóng đinh” vào đầu độc giả, giảm kích thích trí tưởng tượng thậm chí có rủi ro bóp méo nội dung tác phẩm, hiểu theo tranh. Có thể nói đây là một thực tế, không chỉ trong hội họa mà cả trong điện ảnh, khiến mọi người bị “bắt vít” vào tạo hình đó.

Nhưng, theo ông Tuấn, đừng quá lo lắng, hội họa luôn có đóng góp quan trọng trong việc kích thích trí tưởng tượng, khơi gợi, hình dung về bối cảnh sinh hoạt xã hội ở một giai đoạn lịch sử nhất định

Với văn chương, sự “đóng đinh” đầu tiên là chất văn chương rồi hội họa kích thích thêm bằng những tác phẩm có giá trị độc lập và được thực hiện bằng tài năng, công phu của họa sĩ.

Cũng chỉ ra mỗi bức tranh minh họa thường hướng độc giả vào một khung rõ ràng, cố định và mở ra cách nhìn, tuy nhiên, họa sĩ Kim Duẩn còn chia sẻ kinh nghiệm vẽ của mình. Đấy là đối với vẽ minh họa truyện trên báo thường được anh vẽ những nét mờ, xa cái mình nghĩ, không vẽ rõ chân dung để người đọc tưởng tượng, tránh “đóng đinh”. Còn vẽ sách thì phải luôn tạo độ hấp dẫn, giúp độc giả cảm thấy dễ chịu khi đọc.

Tìm mới trong... cũ

Một minh họa trong cuốn “Số đỏ” của họa sĩ Thành Phong vừa được Đông A giới thiệu đến độc giả. Ảnh: IT
Một minh họa trong cuốn “Số đỏ” của họa sĩ Thành Phong vừa được Đông A giới thiệu đến độc giả. Ảnh: IT

Có một xu hướng làm mới tác phẩm văn chương nổi lên trong thời gian gần đây và đang được độc giả thích thú đón nhận. Đó là, nhiều đơn vị xuất bản đã tìm mới trong… cũ khi họ “mặc áo mới” cho tác phẩm kinh điển, tức là họ chú ý hơn đến mỹ thuật của tác phẩm không chỉ ở bìa mà ở cả trong nội dung.

Lý giải về xu hướng này, nhà phê bình Mai Anh Tuấn cho rằng, trong lịch sử văn học thế giới và văn học Việt Nam, các tác phẩm kinh điển đều được nhiều thế hệ họa sĩ lớn tiếp cận vẽ minh họa.

Ở Việt Nam điển hình như kiệt tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du luôn có sức hút rất lớn đối với giới hội họa.

Ngay từ năm 1942, cuốn “Nguyễn Du văn họa tập” gồm 11 tranh, phần lớn là tranh khắc gỗ đã lần đầu tập hợp được đông đảo họa sĩ phần lớn học ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tham gia. Ở đây, có nhiều bức tranh tả thực mà rất đẹp, giàu biểu cảm, không hề thô tục.

Điển hình như bức họa cho câu: “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên” của Lê Văn Đệ đã được Nhã Nam sử dụng làm bìa cho cuốn “Truyện Thúy Kiều” - ấn bản do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo. Việc họa Kiều, vẽ Kiều đã bắt đầu từ thế kỷ XX như thế và kéo dài cho đến tận hôm nay.

Cùng với “Truyện Kiều”, gần đây có một số tác phẩm văn học trung đại Việt Nam được minh họa bởi họa sĩ trẻ như Tạ Huy Long minh họa cuốn “Lĩnh Nam chích quái”, Nguyễn Công Hoan minh họa “Lục Vân Tiên”… Hay mới nhất là Công ty Đông A vừa giới thiệu đến độc giả ấn bản mới của hai tác phẩm văn học kinh điển là “Số đỏ” và “Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp”.

Trong đó, “Số đỏ” ngoài giá trị về mặt văn bản khi được in theo bản của chủ nhà in Lê Cường – 1938 thì còn được Thành Phong vẽ minh họa xuyên suốt, thể hiện góc nhìn vừa tái hiện được cái sự giễu nhại, trào phúng, châm biếm của những năm 30 thế kỷ trước mà vừa hiện đại, gần gũi với hôm nay.

Còn với “Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp” được in lại theo bản năm 2007 cũng trở nên đặc biệt khi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã mời nhiều họa sĩ đương đại vẽ minh họa cho tập sách như Đỗ Phấn, Đặng Xuân Hòa, Thành Chương, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Phan Cẩm Thượng, Hoàng Phượng Vĩ,…

“Đây là một hướng đi mới không chỉ dành cho các đơn vị xuất bản mà còn dành cho họa sĩ trẻ - một hướng đi đầy thách thức vì khoảng cách văn hóa, lịch sử, thời đại. Nhưng đây cũng là một cơ hội để họ có điều kiện làm mới, đa dạng hóa tác phẩm một cách sinh động qua những đường nét của hội họa. Hy vọng ngày càng có nhiều họa sĩ để tâm đến cách làm hay này”, nhà phê bình Mai Anh Tuấn kỳ vọng.

Cũng là một trong những họa sĩ tham gia vẽ bìa truyện Nguyễn Huy Thiệp, họa sĩ Kim Duẩn dí dỏm tiết lộ mẹo bán sách qua minh họa là tên tác giả nổi tiếng luôn phải được trình bày to hơn tên sách. Còn khi vẽ tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp thì đọc truyện nào của ông cũng có thể vẽ được một bức tranh nên nhiều khi khiến họa sĩ phân vân không biết nên vẽ chi tiết nào.

Cùng với đó, cũng theo họa sĩ Kim Duẩn, việc họa sĩ thời nay tham gia vẽ minh họa cho cả một cuốn tiểu thuyết hay tập truyện có độ lùi về thời gian sẽ gặp cái khó là phải vẽ liên tục, trải dài từ đầu đến cuối. Đây là công việc không dễ, phải theo sát tác phẩm nên mỗi họa sĩ cần có sự tính toán và phải kỳ công, tâm huyết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.