Vẫn cần kĩ năng…

GD&TĐ - Sau khi sắp xếp các tổ dân phố - tổ nhân dân, số người hưởng phụ cấp tại khu phố - ấp sẽ giảm từ hơn 64 nghìn xuống còn hơn 26 nghìn người.

Trong cuộc họp cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội chiều 1/12, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Nguyễn Duy Tân tiếp tục đề cập tới việc sắp xếp lại mô hình tổ dân phố - tổ nhân dân nhằm thực hiện các quy định của Trung ương.

Một trong những nguyên nhân được nêu ra là mô hình tổ chức thêm tổ dân phố - tổ nhân dân bên dưới khu phố - ấp tại TPHCM không còn phù hợp với quy định của Bộ Nội vụ. Theo phương án được chọn, TPHCM sẽ sắp xếp lại các tổ dân phố - tổ nhân dân. Phía dưới thị trấn, phường, xã chỉ còn mô hình khu phố - ấp.

Với mô hình này, thành phố chỉ còn lại 5.242 khu phố - ấp là mô hình duy nhất phía dưới thị trấn - phường - xã. Số chức danh hưởng phụ cấp tại từng khu phố - ấp được giảm từ 13 người xuống còn 3 là Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố - ấp và Trưởng ban Công tác mặt trận.

Sau khi sắp xếp, số người hưởng phụ cấp tại khu phố - ấp sẽ giảm từ hơn 64 nghìn xuống còn hơn 26 nghìn người. Đồng thời, tổng kinh phí sẽ là hơn 482 tỷ đồng/năm, giảm 44 tỷ đồng so với việc duy trì tổ dân phố - tổ nhân dân.

Thực tế, mô hình tổ chức dưới phường, xã, thị trấn 2 cấp đã tồn tại từ năm 1985 tới nay ở TPHCM và thể hiện vai trò quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, trong tình hình mới, việc tinh gọn các đơn vị hành chính, lược giản các cấp trung gian trở thành yêu cầu bức thiết nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 18 (Hội nghị Trung ương 6, Khóa XII) về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Theo đó, nhiệm vụ của chính quyền địa phương là từng bước sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; khuyến khích sáp nhập, tăng quy mô các đơn vị hành chính các cấp ở những nơi có đủ điều kiện để nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tăng cường các nguồn lực của địa phương. Khẩn trương, cương quyết sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước.

“Nếu như TPHCM thực hiện được kế hoạch này thì đây thực sự là một kỷ lục, có thể gọi là một bước cách mạng về quản lý hành chính”, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá.

Để hoàn tất kế hoạch này vào năm 2025 như mục tiêu đề ra, chắc chắn, những người đảm trách và thực thi nhiệm vụ ở khu phố - ấp sẽ gặp rất nhiều khó khăn, áp lực.

Trước mắt, theo ông Nguyễn Duy Tân, thành phố đã giao các bên liên quan đề xuất bổ sung thêm 2 chức danh (Chi hội trưởng Phụ nữ và Bí thư Chi đoàn Thanh niên) để duy trì, bảo đảm các hoạt động được hiệu quả.

Tinh thần cơ bản - vẫn theo ông Tân - là “kinh phí hỗ trợ các cô chú hoạt động ở khu phố - ấp sẽ tăng lên. Về việc tuyên dương, khen thưởng, khích lệ, chắc chắn cả hệ thống chính trị sẽ tính toán để động viên, tri ân các cô chú đã làm nhiệm vụ suốt thời gian qua”.

Ngoài việc được tăng kinh phí hỗ trợ, bổ sung nhân lực, để hoàn thành tốt nhiệm vụ theo mô hình mới, đòi hỏi những người đảm đương công việc không chỉ sự tâm huyết, ý thức trách nhiệm mà còn cần cả những kĩ năng điều hành, quản lý. Bởi ai cũng hiểu, khi khối lượng công việc tăng, nhân lực giảm mà không có trình độ, kĩ năng thì tiền bạc, sự nhiệt tình là chưa đủ để đem lại hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.