Thượng tướng Đặng Văn Hiếu - Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an và Thiếu tướng GS.TS Trương Giang Long - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, kiêm Giám đốc Học viện Chính trị CAND -chủ trì Hội thảo.
Cùng dự Hội thảo có Trung tướng Bùi Văn Nam - Thứ trưởng Bộ Công an; GS,TS Tạ Ngọc Tấn - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đại diện các cơ quan chức năng của Trung ương, Bộ Công an; đông đảo các nhà khoa học, cán bộ quản lý trong và ngoài Bộ Công an.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu nhấn mạnh vai trò, vị trí và ý nghĩa đặc biệt quan trọng của công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với lực lượng CAND trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời đề nghị Hội thảo tập trung làm rõ các vấn đề về lý luận, thực tiễn liên quan đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng.
Đề xuất các giải pháp để công tác chính trị tư tưởng thật sự chuyển hóa thành động lực tinh thần, niềm tin, tình cảm cách mạng, bản lĩnh, đạo đức, lối sống để cán bộ, chiến sĩ CAND vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, xây dựng CAND vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức… phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân giao phó.
Phát biểu đề dẫn hội thảo do Thiếu tướng GS.TS Trương Giang Long trình bày tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của giáo dục chính trị tư tưởng trong lực lượng CAND là vô cùng cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực và trong nước có những diễn biến phức tạp; những khó khăn, thách thức của quá trình toàn cầu hóa và xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, cùng với sự gia tăng hoạt động chống phá Việt Nam quyết liệt của các thế lực thù địch.
40 tham luận tại Hội thảo nằm trong các nhóm vấn đề: Quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, ngành Công an về công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong lực lượng Công an nhân dân; Thực trạng công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong lực lượng Công an nhân dân hiện nay và những vấn đề đặt ra; Một số giải pháp và kiến nghị, đề xuất từ kinh nghiệm thực tiễn góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong lực lượng CAND.
Đặc biệt, nhiều ý kiến đã chỉ rõ một số hạn chế, thiếu sót trong lãnh đạo, chỉ đạo, tiến hành công tác chính trị tư tưởng như: Thiếu biện pháp giáo dục cụ thể; việc cung cấp thông tin thời sự, phổ biến chỉ thị, nghị quyết, tổ chức học tập chính trị; công tác giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ; việc nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ; sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống; đội ngũ cán bộ làm công tác chính trị tư tưởng còn hạn chế về số lượng, chất lượng… đều cần sớm khắc phục.
Thực tế trên cho thấy, để thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởngtrong thời kỳ mới, các nhà trường trong toàn lực lượng cần phải đổi mới nội dung, hình thức tiến hành gắn với việc thực hiện tốt phong trào: “Công an nhân dân học tập, thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy” và cuộc vận động “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.