Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS Lê Anh Vinh cho biết: Toàn cầu hóa đã mang lại những thay đổi nhanh chóng trong cuộc sống của chúng ta, đặt ra những thách thức to lớn trong các khía cạnh xã hội, chính trị, văn hóa, kinh tế và môi trường.
PGS Lê Anh Vinh phát biểu khai mạc tại Hội thảo |
Những thách thức như vậy đòi hỏi những suy nghĩ, nhận thức và hành động ở quy mô toàn cầu. Giáo dục có một vai trò quan trọng trong vấn đề này và cũng là trọng tâm trong những nỗ lực của Liên hợp quốc nhằm đáp ứng những thách thức toàn cầu của thời đại chúng ta.
Trong 17 mục tiêu phát triển bền vững, mục tiêu 4 về giáo dục nắm vai trò quan trọng để hiện thực hóa chương trình nghị sự này vì giáo dục chính là chìa khóa để có thể kết nối, liên kết các mục tiêu với nhau. Giáo dục không đơn thuần chỉ là dạy kiến thức, rèn luyện kĩ năng, mà phải nhằm phát triển các phẩm chất, năng lực của người học. Giáo dục phải tạo cơ hội để người học có cơ hội học hỏi và trau dồi các kỹ năng sống, nuôi dưỡng các giá trị và thái độ để hướng đến một tương lai tốt hơn cho tất cả mọi người.
Các tiếp cận này không chỉ liên quan đến các cá nhân, mà cả cộng động, xã hội và toàn cầu. Vì lý do này, giáo dục công dân toàn cầu sẽ đóng vai trò quan trọng trong các chương trình giáo dục cũng như là một cách tiếp cận cơ bản để giải quyết các thách thức qui mô toàn cầu đang gia tăng.
PGS Lê Anh Vinh (bên phải), Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và ông Machael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng Unesco tại Việt Nam chủ trì hội thảo |
PGS Lê Anh Vinh cho rằng: Một trong những thách thức mà nhiều quốc gia đều nhận thấy và đặt ra đó là vấn đề chuyển từ một nền giáo dục trang bị kiến thức, kỹ năng cho người học sang một nền giáo dục giúp phát triển năng lực, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo cho người học, đáp ứng những yêu cầu đặt ra cho công dân trong thời đại của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Việt Nam đang trong lộ trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Cuối tháng 12 năm 2018, chúng ta đã ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới với muc tiêu chuyển từ một nền giáo dục trang bị kiến thức, kỹ năng cho người học sang một nền giáo dục giúp phát triển năng lực, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo cho người học, đáp ứng những yêu cầu đặt ra cho công dân trong tương lai. Đây cũng là những mục tiêu mà giáo dục công dân toàn cầu hướng tới.
Tuy nhiên, với tất cả những phát triển tích cực này, một thực tế không thể phủ nhận là giáo dục công dân toàn cầu vẫn còn là một khái niệm khá mơ hồ. Nhiều nỗ lực phối hợp hơn cần được thực hiện ở tất cả các cấp, để chính thống hóa khái niệm này. Và đặc biệt hơn, một khung giám sát toàn cầu cần phải được thiết kế cẩn thận để đáp ứng các tiềm năng biến đổi của giáo dục công dân toàn cầu.
Bà Ethel Agnes P Valenzuala, đại diện SEAMEO trình bày tại Hội thảo |
Tại Hội thảo, các tham luận tập trung vào các vấn đề nhận thức luận liên quan đến công dân toàn cầu, giáo dục công dân toàn cầu trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững; Trao đổi về sự thể hiện giáo dục công dân toàn cầu trong chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam;
Thực trạng triển khai và tích hợp nội dung giáo dục công dân toàn cầu tại các trường phổ thông trong đó chú ý sự phối kết hợp chặt chẽ giữa chương trình, phương pháp dạy học và đánh giá với vai trò của giáo viên và cộng đồng; Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về giáo dục công dân toàn cầu.