Điều đó tùy thuộc vào sở thích của mỗi con người. Tìm hiểu vai trò của tóc, da, lông và móng cũng là điều khá thú vị...
Tóc - bảo vệ hộp sọ
Trung bình trên đầu mỗi người trưởng thành có đến 100 nghìn nang tóc và sẽ lần lượt mọc thành số sợi tóc tương ứng. Và mỗi tháng tóc trên đầu lại dài thêm 2,5 cm. Mái tóc con người vừa là bộ phận bảo vệ da đầu, hộp sọ và các thành phần bên trong, vừa là để làm... duyên, nhất là ở phụ nữ.
Mái tóc cũng nói lên tính cách và công việc của mỗi người, như mái tóc rối tổ chim đích thực là của anh chàng hay cô nàng lười biếng chải chuốt, mái tóc bồng bềnh là của giới văn nhân nghệ sĩ, không có tóc đích thực là của các... thầy chùa.
Tóc bị dính gãy là của người mắc bệnh nấm tóc. Người mắc bệnh nấm tóc cần phải đi khám chuyên khoa da liễu. Việc điều trị kịp thời và hiệu quả sẽ làm cho mái tóc trở lại bình thường.
Da - nhà máy hóa chất
Nếu có bộ phận nào trong cơ thể con người rộng nhất đó chính là da. Diện tích bề mặt lớp da khoảng 2m2. Trong lượng trung bình bộ da của một người trưởng thành nặng đến 5kg.
Nếu không có lớp da thì con người sẽ... chết! Vì da là lớp bảo vệ chống thoát nước, đồng thời là lớp đệm cho các cơ quan bên trong cơ thể con người tồn tại một cách an toàn. Ngoài ra, da còn là một nhà máy hóa chất tổng hợp ra vitamine D.
Trông bên ngoài lớp da con người có vẻ đơn giản, nhưng thật ra đấy là một cấu trúc cực kỳ tinh vi và phức tạp. Độ dày của da cũng thay đổi một cách linh hoạt theo từng vị trí của cơ thể. Mi mắt là nơi có cấu trúc da mỏng nhất, bề dày không quả 1/2 mm.
Trái lại ở lòng bàn tay, chân độ dày của da là 2 mm. Các nhà khoa học tính toán chỉ 2,5 cm2 da có đến 1500 thụ cảm dây thần kinh (gọi là các receptor), 600 tuyến mồ hôi, 100 tuyến bã nhờn và 65 nang lông. Chu kỳ tái tạo tế bào da khoảng 40 đến 56 ngày. Cấu trúc da phân thành 3 lớp: Thượng bì, trung bì và hạ bì.
Thượng bì: Là lớp ngoài cùng của da. Lớp này rất mỏng và bán trong suốt. Thượng bì là lớp năng động nhất của da và thường xuyên đổi mới, nhờ sự phân chia liên tục của tế bào.
Thượng bì là nơi chế tạo các sắc tố để hình thành màu sắc của da. Bề mặt thượng bì có một lớp chất nhờn do tuyến bã và tuyến mồ hôi tiết ra. Nó có độ pH từ 5,4 đến 5,7 nên có tính acid nhẹ, có khả năng ức chế sự phát triển và xâm nhập của vi khuẩn.
Trung bì: Nằm ngay bên dưới lớp thượng bì và dày hơn thượng bì. Lớp này đảm nhận vai trò co giãn, đàn hồi cho da và giữ cho cơ thể thành một khối toàn vẹn.
Trung bì là nơi thu nhận thông tin để phản hồi lên não. Lớp này có một hệ thống mạch máu chằng chịt giữ vai trò điều hòa thân nhiệt. Khi trời lạnh mạch máu co lại để giữ nhiệt, lúc trời nóng chúng dãn ra để thoát nhiệt.
Hạ bì: Lớp này có nhiều mỡ. Đây không những là nguồn nhiên liệu dự trữ cho cơ thể mà còn là lớp giảm xóc cho các bộ phận bên trong trước mọi sự va chạm từ bên ngoài tác động vào.
Lông - bộ phận đặc biệt
Lông trên cơ thể con người là một bộ phận đặc biệt. Nó vừa có chức năng báo hiệu giai đoạn trưởng thành như mọc lông nách, lông mu, hay mọc râu, vừa đóng vai trò bảo vệ cơ thể.
Ví như lông mũi giúp ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn và bụi bẩn từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào bên trong cơ thể qua đường hô hấp. Lông mi giúp mắt ngăn cản các vật lạ rơi vào. Lông mày là bờ đê chặn dòng mồ hôi mang theo vi khuẩn và bụi bẩn từ trên trán chảy xuống và rơi vào mắt.
Lông (và cả tóc nữa) phát triển mang tính chu kỳ, nghĩa là chúng phát triển trong một thời gian nhất định rồi rụng đi, để lại nang lông như là hạt mầm gieo trong đất đợi ngày... đâm xuyên lớp da mà vươn dậy.
Móng - cảnh báo bệnh
Móng tay và móng chân thực chất là lớp tế bào bị sừng hóa của da nhô ra ngoài. Mỗi tháng móng có thể mọc dài 3 - 5 mm. Móng tay thường mọc nhanh hơn móng chân gấp 2 - 3 lần.
Càng lớn tuổi thì móng mọc càng chậm hơn vì sức sống và độ phì nhiêu của cơ thể đã giảm bớt. Con người đã biết tận dụng móng tay chân để làm đẹp và để... gãi mỗi khi cảm thấy ngứa. Đối với phái đẹp đây còn là loại vũ khí tự vệ luôn mang theo trong người!
Về mặt y học, móng tay và móng chân còn giữ vai trò báo hiệu một bệnh nào đó. Có thể nhìn móng tay, móng chân mà... đoán bệnh. Trong bệnh cường giáp móng mọc nhanh hơn bình thường, các trường hợp bệnh nặng và suy dinh dưỡng móng mọc chậm.
Khi nhìn thấy vệt trắng trên móng có thể nghĩ đến các bệnh về gan, thận và thiếu nguyên tố vi lượng là chất kẽm (Zn). Các móng giòn, dễ gãy báo hiệu cơ thể thiếu chất sắt (Fe).
Móng tay màu vàng là dấu hiệu của người hút nhiều thuốc lá hoặc mắc bệnh viêm phế quản mạn tính, móng có màu trắng đục ở người bệnh xơ gan, móng có màu xanh ở người bệnh nhiễm đồng (Cu), móng phình to ra là biểu hiện của thiếu oxy lâu ngày ở các bệnh nhân mắc bệnh tim phổi mạn tính.
Để có móng tay sạch đẹp, cần vệ sinh thường xuyên, không tạo thói quen cắn móng tay, vì như vậy sẽ làm cho móng bị tổn thương và tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
Khi tiếp xúc với hóa chất hay tiếp xúc lâu với các chất tẩy rửa, xà phòng, dầu nhờn cần mang găng tay bảo vệ, vì các chất này có thể làm thay đổi hình dạng, màu sắc và cấu trúc của móng.