“Thảm họa tiềm năng”
Trong đoạn video, ông Trump gọi Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một “thảm họa tiềm năng” đối với nước Mỹ.
Thay vào đó, ông nói chính quyền mới sẽ tạo ra các thỏa thuận thương mại song phương công bằng, giúp mang lại việc làm cho nước Mỹ.
Ông Trump cũng cho biết sẽ chỉ thị Bộ Lao động điều tra các vụ lạm dụng chương trình thị thực, huỷ một số lệnh cấm về sản xuất năng lượng gồm dầu đá phiến, khí đốt và than.
Trong đoạn video, ông Trump khẳng định quá trình chuyển giao quyền lực đang được thực hiện suôn sẻ, đồng thời đề cập đến nhiều chính sách khác gồm nhập cư, thương mại quốc tế và an ninh quốc phòng.
Thực tế tuyên bố sẽ ngay lập tức rút Mỹ khỏi TPP khi nhậm chức của ông Trump không hề bất ngờ. Trước đó, ông là một trong những nhà tài phiệt Mỹ phản đối quyết liệt nhất Hiệp định này.
Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống, ông Trump luôn đưa ra lời hứa rút khỏi thỏa thuận thương mại với 12 quốc gia và gọi TPP sẽ là một “thảm họa” làm người Mỹ bị mất việc làm.
Hiệp định TPP được 12 nước châu Á - Thái Bình Dương ký kết hồi tháng 2/2016 sẽ chính thức có hiệu lực vào tháng 2/2018 nếu Quốc hội của ít nhất 6 nước thành viên (chiếm ít nhất 85% sản lượng kinh tế của khối) phê chuẩn. Điều này đồng nghĩa Hiệp định cần sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ và của Nhật Bản.
TPP còn gì khi Mỹ rút đi?
TPP sẽ không còn ý nghĩa nếu Mỹ không tham gia, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra quan điểm trong cuộc họp báo cùng Tổng thống Argentina Mauricio Macri, tại Buenos Aires (Argentina), ngay sau khi có tuyên bố của ông Donald Trump. Nên biết Mỹ và Nhật Bản là hai nền kinh tế chiếm tới 85% thị phần kinh tế của khối các nước tham gia đàm phán TPP.
Cuối tuần qua, ông Abe đã tham gia Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Peru với sự góp mặt của nhiều lãnh đạo các nước tham gia TPP, trước khi thăm chính thức Argentina theo lời mời của Tổng thống Argentina Mauricio Macri.
Nói với các phóng viên tại thủ đô Buenos Aires (Argentina), ông thừa nhận tại cuộc hội nghị APEC các thành viên TPP vẫn chưa có bất cứ thảo luận nào bàn về việc đưa TPP vào thực thi trong trường hợp không có Mỹ tham gia.
Dẫu vậy, sáng 22/11, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản cho biết, nước này có kế hoạch giữ vai trò dẫn đầu trong TPP và giúp Hiệp định này có hiệu lực trong thời gian tới. Ông Yoshihide Suga, nói trong cuộc họp báo tại Tokyo, chính phủ Nhật sẽ vận động các nước thành viên thông qua TPP.
Hồi đầu tháng này, Hiệp định Thương mại TPP đã được Hạ viện Nhật Bản thông qua, và đang được xem xét tại Thượng viện. Theo thỏa thuận đã được 12 nước đàm phán thông qua, TPP chỉ có hiệu lực nếu có sự chấp thuận ít nhất 6 quốc gia thành viên trong thời hạn trước tháng 2/2018.
Tại Hội nghị APEC cuối tuần qua, ông Abe cũng đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin để bàn về hợp tác kinh tế và giải quyết tranh chấp lãnh thổ vốn kéo dài nhiều thập niên.
Nhấn mạnh trong cuộc họp báo tại Buenos Aires, ông cho biết sẽ quyết tâm giải quyết dứt điểm mọi tranh chấp biển đảo giữa Nga và Nhật trong nhiệm kỳ của mình.
Nhật Bản và Nga hiện đang có những tranh chấp tại một chuỗi đảo thuộc Tây Thái Bình Dương, khi chúng bị Liên Xô chiếm giữ vào những năm cuối của Chiến tranh Thế giới II.
Trở ngại này làm cho quan hệ hai nước nhiều lần rơi vào căng thẳng, và cho đến nay một hiệp ước hòa bình chính thức giữa Nga và Nhật vẫn chưa được ký kết.