Vai trò của gia đình trong giáo dục trẻ: Bí quyết dạy con của nữ nhà giáo Thủ đô

GD&TĐ - Không chỉ giỏi về chuyên môn, các cô giáo Hà Nội còn khéo léo vun vén, giữ lửa trong gia đình. Cùng người bạn đời, họ xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc, nuôi dạy con học giỏi, chăm ngoan.

Cô Nguyễn Thị Kim Hoa - giáo viên Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: TG.
Cô Nguyễn Thị Kim Hoa - giáo viên Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: TG.

Mẹ là cô giáo

Tại Trường THPT Chu Văn An, cô Nguyễn Thị Kim Hoa được nhiều thế hệ học sinh kính trọng, yêu mến bởi lòng tận tâm với nghề. Cô từng bồi dưỡng nhiều học sinh giỏi cấp thành phố, quốc gia. Đặc biệt hơn, cô Hoa là mẹ của Nguyễn Mạnh Quân - chàng trai vàng của đội tuyển Olympic Vật lý.

Nguyễn Mạnh Quân hiện là sinh viên Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) từng đạt nhiều thành tích tại các cuộc thi: Huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế; Huy chương Vàng, Thủ khoa Olympic Vật lý châu Á; Huy chương Vàng, Thủ khoa kỳ thi khoa học trẻ quốc tế, Huy chương Vàng và Thủ khoa Olympic Thiên văn và Vật lý Thiên Văn quốc tế.

Không chỉ đam mê Vật lý, Mạnh Quân còn học giỏi Hóa học, Sinh học và Tiếng Anh, Ngữ văn. Có được những thành tích học tập xuất sắc này, theo Quân là nhờ sự giúp đỡ, định hướng của gia đình từ nhỏ. Đặc biệt là mẹ em, cô giáo Nguyễn Thị Kim Hoa, người truyền cho em niềm cảm hứng và niềm tin trong cuộc sống.

Quân chia sẻ: “Điều may mắn nhất với em chính là trên con đường theo đuổi đam mê có sự đồng hành sát sao của mẹ. Nhờ có mẹ mà em được tiếp xúc với những kiến thức khoa học và nhiều điều lý thú trong Vật lý. Cũng nhờ có mẹ, em được học các thầy cô giỏi, tham gia vào cuộc thi bổ ích.

Em cảm ơn mẹ rất nhiều. Nhờ có mẹ, em mới có thành quả như ngày hôm nay. Cứ mỗi lần tham gia cuộc thi là mẹ lo lắng, sợ em học quá sức hay bị áp lực. Nhưng nhờ sự động viên, tin tưởng của mẹ mà em đạt được nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi”.

Cô Nguyễn Thị Kim Hoa cho biết: Đặc thù của nghề giáo giúp chị có điều kiện được gần con nhiều hơn, định hướng cho con học từ nhỏ. Quân thông minh, có tinh thần tự học tốt và chịu khó tìm tòi, học hỏi nên tiến bộ rất nhanh. Cùng với đó, trong gia đình, bố mẹ luôn xác định là tấm gương để con học theo, giáo dục con từ những điều nhỏ nhất.

Để nuôi dạy con tốt, trước tiên gia đình phải thực sự hạnh phúc. Nghề giáo vốn chịu nhiều áp lực, dành nhiều thời gian cho trường, lớp, học sinh. Do đó, mỗi nhà giáo cần phải cân bằng công việc để giữ lửa gia đình, dành thời gian để nuôi dạy, chăm sóc con cái. Cùng với đó, cha mẹ phải nắm được tâm tư, nguyện vọng để định hướng con đi trên những con đường phù hợp.

“Tôi luôn quan niệm, phụ nữ là người giữ lửa, xây tổ ấm gia đình. Một người phụ nữ được xem là thành đạt khi họ không chỉ thành công trong công việc, mà còn có gia đình hòa thuận, ấm no hạnh phúc. Tổ ấm hạnh phúc cũng là nền tảng để phụ nữ có thể phấn đấu tốt hơn trong sự nghiệp”, cô Hoa bày tỏ.

Cô Phùng Thị Phượng - giáo viên Trường THCS Lê Hồng Phong (quận Hà Đông, Hà Nội).

Cô Phùng Thị Phượng - giáo viên Trường THCS Lê Hồng Phong (quận Hà Đông, Hà Nội).

Tự hào về một gia đình sư phạm

Nhắc đến cô Phùng Thị Phượng - giáo viên Trường THCS Lê Hồng Phong (quận Hà Đông), nhiều đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh đều bày tỏ niềm yêu mến, trân trọng, ngưỡng mộ. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, sức khỏe yếu, song 25 năm trên bục giảng, cô Phượng không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ, mà còn là tấm gương mẫu mực.

Chồng ở xa, biến chứng của bệnh tiểu đường khiến cô Phượng gặp nhiều khó khăn trong công việc và sinh hoạt. Trường học và bệnh viện là nơi cô Phượng thường xuyên đi lại, nhưng những khó khăn ấy không thể cản trở mà ngược lại còn khiến cô thêm quyết tâm trong công tác.

Gần đây, khi vừa trải qua phẫu thuật ghép thận được 3 ngày, bản thân vẫn nằm trên giường bệnh, cô Phượng đã gửi - nhận bài tập, theo dõi, nhắc nhở từng học sinh trong lớp. Cô không dám tiết lộ mình đang nằm viện, vì sợ học trò lo lắng. Điều quan trọng hơn, đây là thời gian cuối năm học, cô muốn đồng hành, hỗ trợ để các em yên tâm, tập trung học tập.

Nhiều năm nay, khi biết học sinh nào trong trường có hoàn cảnh khó khăn, hoặc cần sự động viên, giúp đỡ, cô Phượng đều ân cần hỏi han và có hình thức giúp đỡ phù hợp. Với những lớp cuối cấp, ngoài việc tăng cường thời gian ôn tập tại lớp, cô sẵn lòng dành thời gian cuối buổi học hoặc vào ngày nghỉ để dạy bổ trợ miễn phí cho những em còn đuối kiến thức, kỹ năng…

Nhờ sự nỗ lực của cả cô và trò, lớp cô Phượng chủ nhiệm luôn đạt thành tích tốt trong các đợt thi đua của trường. Tỷ lệ học sinh lớp cô chủ nhiệm trúng tuyển vào lớp 10 của các trường chuyên và trường công lập luôn cao... Cũng ít ai biết rằng, đến nay, cô Phượng vẫn phải đi thuê nhà ở.

Thấu hiểu nỗi vất vả của mẹ khi bố ở xa, mẹ sức khỏe yếu, lại bộn bề công việc, hai con trai của cô Phượng đều học giỏi và ngoan ngoãn, tiếp thêm động lực cho cô. Trong đó, con lớn của cô đang học Trường Đại học Y Dược Thái Bình, còn con thứ hai đang học Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông, Hà Nội).

Cô Phượng tâm sự: Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng gia đình luôn chú trọng việc học tập của con. Vì chỉ có kiến thức, các con mới có thể đi tới tương lai. Cô luôn nhắn nhủ với các con phải cố gắng học tập, đồng thời có nghị lực vượt khó để vươn lên. Điều cô rèn luyện cho hai con là tinh thần tự học, tự chiếm lĩnh kiến thức và niềm tự hào về một gia đình sư phạm.

“Gia đình là trường học đầu tiên, nơi con cái được học từ cha mẹ cách ăn, nói, đi đứng; học văn hóa, hành xử, định hình thói quen, nếp nghĩ... Do đó, bố mẹ phải gương mẫu, chuẩn mực cho con cái noi theo. Dù cuộc sống trước mắt còn khó khăn nhưng niềm tự hào về gia đình là động lực cho các con phấn đấu vươn lên trong học tập”, cô Phượng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.