Chỗ dựa vững chắc
Theo ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam: Trong bối cảnh đổi mới giáo dục, vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở các cấp phải được hiểu một cách cụ thể, đó là hỗ trợ, chia sẻ những khó khăn trong lao động nghề nghiệp đối với giáo viên. Ngoài việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, công đoàn phải là chỗ dựa, nơi gửi gắm, chia sẻ của giáo viên khi họ gặp khó khăn trong giảng dạy. Nhà giáo, người lao động rất cần công đoàn tham gia hỗ trợ, tháo gỡ, giải quyết những khó khăn trong lao động nghề nghiệp.
Để hoạt động của công đoàn trở nên hấp dẫn, quy tụ được giáo viên, công đoàn viên, công đoàn cơ sở giáo dục các cấp cần đổi mới hình thức, nội dung tổ chức các hoạt động; trong đó mở rộng hình thức trực tuyến, tạo điều kiện để giáo viên được chia sẻ kinh nghiệm, giãi bày tâm tư chứ không chỉ đơn thuần là trao đổi, thông tin một chiều.
Đổi mới là quá trình lâu dài, cam go; ở đó sẽ có khó khăn, vất vả. Vì thế công đoàn cơ sở giáo dục các cấp cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến đoàn viên của mình; đồng hành cùng thầy, cô giáo tháo gỡ những khó khăn, bất cập. Trong đó, một mặt tuyên truyền, cập nhật để giáo viên có đầy đủ thông tin về các chính sách liên quan đến quá trình đổi mới, tránh việc vì thiếu thông tin mà giáo viên tâm tư. Mặt khác, công đoàn cơ sở giáo dục cần kiên quyết bảo vệ mọi quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho đội ngũ nhà giáo.
Ngôi nhà chung
Bà Nguyễn Thị Uyên – Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Tuyên Quang cho rằng: Công đoàn cơ sở giáo dục là ngôi nhà chung, mà ở đó mỗi thành viên trong gia đình ấy chính là cán bộ, giáo viên, người lao động. Ở đó, mọi người sẽ gắn kết, yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ nhau trong cuộc sống cũng như chuyên môn, nghiệp vụ.
Không chỉ là các phong trào, hoạt động “bề nổi”, công đoàn cơ sở còn là nơi để đội ngũ thầy, cô giáo gửi gắm tâm tư nguyện vọng và đổi mới, sáng tạo trong dạy – học. Muốn vậy, công đoàn cơ sở cần xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp, hướng các hoạt động chăm lo đời sống nhà giáo và xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định. Từ đó nâng cao chất lượng giáo dục.
Cùng với đó, công đoàn cơ sở giáo dục cần động viên, khuyến khích xây dựng phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý. Trên tinh thần ấy, công đoàn cơ sở cần bám sát chủ đề từng năm học, phối hợp với chuyên môn, tổ chức hội thảo về đổi mới phương pháp dạy học và tổ chức các hoạt động nâng cao chất lượng dạy – học.
Hiện nay, các phong trào thi đua như: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Hai tốt”, “Hai giỏi”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Kỷ cương nghiêm, chất lượng thực” và các cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”... đã và đang được thực hiện sôi nổi trong các cơ sở giáo dục, tạo hiệu ứng tích cực và lan toả sâu rộng trong xã hội. Theo đó, cán bộ, nhà giáo, người lao động đã có chuyển động tích cực trong đổi mới phương pháp dạy học.
Thúc đẩy hiệu quả công tác dạy - học
Theo thầy Nguyễn Thế Lượng - Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Hạ Hòa (Phú Thọ): Hoạt động của công đoàn cơ sở giáo dục không chỉ đơn thuần là tổ chức phong trào mà nội hàm rất đa dạng, gắn với lợi ích thiết thân của đoàn viên. Ngoài các phong trào thi đua, công đoàn cơ sở giáo dục còn phối hợp với chính quyền đồng cấp trong việc sắp xếp, quản lý, đào tạo bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Công đoàn cơ sở giáo dục giữ vai trò quan trọng trong chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, tổ chức và tham gia đánh giá các phong trào thi đua trong đơn vị. Các hoạt động của công đoàn góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy hiệu quả công tác dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục… Do đó, công đoàn cơ sở cần phát huy vai trò hơn nữa trong thực tiễn tổ chức các hoạt động.
Ngoài ra, công đoàn cơ sở còn thực hiện tuyên truyền, vận động đoàn viên thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghĩa vụ công dân, các chủ trương, nghị quyết của công đoàn. Đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động theo quy định của pháp luật. Phối hợp với chính quyền đồng cấp triển khai thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao trình độ cho đoàn viên và tổ chức các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả.
Để phát huy vai trò, công đoàn cơ sở cần xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức các hoạt động gắn với điều kiện thực tế của đơn vị, gắn với nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, nhà giáo, người lao động. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền đồng cấp, tổ chức các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp.
Công đoàn cơ sở giáo dục phải không ngừng đổi mới phương thức tổ chức các chương trình, phong trào, hoạt động; đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ được giao của đoàn viên và nhân rộng điển hình tiên tiến trong đơn vị.