Vắc xin tiêm chủng: Bao giờ hết cảnh ăn đong

GD&TĐ - Bên cạnh vắc xin miễn phí được tiêm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, vắc xin dịch vụ cũng đã góp phần làm nên thành công của chương trình, khống chế nhiều dịch bệnh. 

Vắc xin tiêm chủng: Bao giờ hết cảnh ăn đong

Tuy nhiên, việc khan hiếm vắc xin dịch vụ trong những năm vừa qua đã khiến người dân lao đao. Có người chấp nhận cho con em mình tiêm vắc xin miễn phí nhưng cũng có người quyết tâm chờ vắc xin dịch vụ. Cảnh ăn đong trên đã kéo dài hết năm này qua năm khác nhưng chưa có giải pháp triệt để từ các cơ quan chức năng.

Hàng triệu trẻ được cứu sống

Từ một nước dịch bệnh xảy ra liên miên, tỷ lệ tử vong cao do mắc bệnh truyền nhiễm ở người lớn và trẻ em, Việt Nam dần tiến tới việc kiểm soát và khống chế được nhiều dịch bệnh. Có những căn bệnh một thời làm mưa làm gió nay dần rơi vào quên lãng. Có được thành quả trên nhờ công tác tiêm phòng vắc xin cho người dân, đặc biệt là trẻ em triển khai nhiều năm qua.

Sau 30 năm triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng, có khoảng 6,7 triệu trẻ em tránh được việc mắc 5 bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng bằng vắc xin (uốn ván sơ sinh, sởi, bạch hầu, ho gà, bại liệt) và phòng 42.900 ca tử vong do các bệnh này. Thông qua việc triển khai thành công Chương trình tiêm chủng mở rộng và các chương trình y tế khác, Việt Nam đã giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, từ 58 phần nghìn trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn 23,3 phần nghìn năm 2012 và góp phần tiến tới đạt mục tiêu thứ 4 của thiên niên kỷ.

Vắc xin bao phủ đến từng xã phường đã giúp chúng ta thanh toán được bệnh bại liệt polio năm 2000. Loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh năm 2005. Đang khống chế và tiến tới loại trừ bệnh sởi với tỷ lệ mắc sởi của Việt Nam liên tục giảm từ 90 lần vào năm 2014 so với năm 1984. Với bệnh viêm gan B, việc tiêm vắc xin ngừa trong 24 giờ đầu sau sinh cho trẻ đã ngăn chặn nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con, giảm nguy cơ mắc bệnh cho trẻ sau này. Qua đó hạn chế tình trạng mắc các bệnh về gan, đặc biệt là xơ gan, ung thư gan.

Ăn đong đến bao giờ

Vai trò của vắc xin trong việc phòng ngừa bệnh truyền nhiễm đã rõ ràng. Những năm qua, ngoài việc tiêm vắc xin miễn phí, người dân còn được tiếp cận với vắc xin dịch vụ do nước ngoài cung cấp và nhập khẩu về Việt Nam.

Phản ứng phụ sau tiêm vắc xin là nỗi kinh hoàng với bất kỳ phụ huynh nào. Do vậy, việc tìm đến vắc xin ít có phản ứng, quy trình tiêm thỏa mãn được những băn khoăn, lo lắng của cha mẹ là việc tất nhiên. Tuy nhiên, thời gian qua, nhu cầu bức thiết ấy nhiều khi không được đáp ứng. Tình trạng khan hiếm vắc xin rồi thiếu vắc xin diễn ra triền miên khiến phụ huynh đứng ngồi không yên. Không có vắc xin dịch vụ, có người chấp nhận cho con tiêm vắc xin miễn phí nhưng cũng có người quyết tâm chờ.

Việc không được tiêm hoặc tiêm không đúng lịch khiến các chuyên gia lo ngại xảy ra vùng trắng vắc xin ngay tại thành phố lớn. Trẻ mắc bệnh, bùng phát dịch vì thế rất dễ xảy ra. Dịch sởi bùng phát năm trước khiến hàng trăm trẻ tử vong là bài học cho việc tiêm vắc xin không đủ và đúng.

Thông tin mới đây cho thấy sẽ có khoảng 40 triệu liều vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1 về Việt Nam nhưng so với nhu cầu, con số trên chỉ như muối bỏ bể. Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu, tình trạng khan hiếm vắc xin tiếp tục xảy ra trong năm 2016. Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các đơn vị tăng cường nhập khẩu, cử cán bộ ra nước ngoài tìm hiểu, đàm phán nhưng nguồn cung lại phụ thuộc vào nhà sản xuất. Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc nghĩ đến phương án tự sản xuất vắc xin chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Bộ đã giao cho các đơn vị nghiên cứu sản xuất vắc xin 6 trong 1 có thành phần ho gà vô bào. Dự kiến năm 2017 sẽ đưa vào thử nghiệm và năm 2020 tung ra thị trường. Hy vọng, việc tự sản xuất sẽ giải được cơn khát vắc xin của người dân trong những năm tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.