Vắc-xin tăng cường mũi 4 bảo vệ bạn thế nào trước biến chủng BA.5?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Vắc-xin mũi 1 đến 3 giảm hiệu lực với BA.5, khả năng bảo vệ nhiễm thấp. Tuy nhiên, vắc-xin tăng cường mũi 4 vẫn giúp giảm nguy cơ bệnh nặng, tử vong.

Việc tăng cường tiêm mũi 4 cho nhóm nguy cơ được coi là cấp thiết.
Việc tăng cường tiêm mũi 4 cho nhóm nguy cơ được coi là cấp thiết.

Hoàn thành sớm tiêm mũi 3 và 4

Vừa qua, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã yêu cầu Bộ Y tế thực hiện đánh giá miễn dịch cộng đồng với Covid-19, bảo đảm chính xác, khoa học, hiệu quả. Từ đó, có giải pháp phòng, chống dịch phù hợp. Tiếp tục triển khai hiệu quả phòng, chống các dịch bệnh khác.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin. Hoàn thành sớm nhất việc tiêm vắc-xin mũi 3, mũi 4, bảo đảm tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và đáp ứng yêu cầu về chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ban Chỉ đạo yêu cầu tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm, linh hoạt, hiệu quả 3 trụ cột phòng chống dịch (xét nghiệm, cách ly, điều trị). Công thức 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) + vắc-xin + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác. Bộ Y tế nghiên cứu, ban hành hướng dẫn cụ thể về thực hiện 2K và các thành tố khác.

Đồng thời, Bộ Y tế cần rà soát kế hoạch tiêm vắc-xin 6 tháng cuối năm, xây dựng kế hoạch tiêm vắc-xin Covid-19 năm 2023 và kế hoạch tiêm cho trẻ em từ 6 tháng tuổi đến dưới 5 tuổi.

Về tiêm liều nhắc lại lần 1 (mũi 3, không tính liều bổ sung), Bộ Y tế hướng dẫn, do miễn dịch có được sau tiêm vắc-xin hoặc sau mắc Covid-19 giảm dần. Do đó, người dân cần tiêm nhắc lại để củng cố miễn dịch. Trong đó, với người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (đủ 1 hoặc 2 hoặc 3 tùy theo loại vắc-xin và mũi bổ sung nếu có), cần tiêm 1 mũi nhắc lại ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản.

Về tiêm mũi 4, với người đã mắc Covid-19, tiêm ngay sau khi hồi phục và hoàn thành việc cách ly y tế theo quy định. Khoảng cách tiêm ít nhất là 4 tháng sau mũi 3 (mũi nhắc lần 1). Người đã mắc Covid-19 sau tiêm mũi 3, tiêm mũi 4 vắc-xin sau khi nhiễm là 3 tháng. Đồng thời, đảm bảo khoảng cách ít nhất 4 tháng sau mũi 3.

Giảm nguy cơ bệnh nặng, tử vong

TS.BS Trần Nam Trung - chuyên gia dịch tễ tại Maryland (Mỹ) - cho biết, hiện, ở Mỹ và nhiều nước, Omicron nhóm dưới chủng BA.4 và BA.5 đang hoành hành. Ở Mỹ, BA.5 chiếm 2/3 số ca, với trên 100 nghìn trường hợp được báo cáo mỗi ngày.

Song, con số này thấp hơn thực tế do đa số người nhiễm không báo cáo, hoặc có triệu chứng nhưng không xét nghiệm. Con số thật ước tính có thể cao gấp 10 lần, xấp xỉ 1 triệu ca/ngày. Hiện nay, số nhập viện do Covid ở Mỹ đã tăng gấp đôi so với tháng 5.

“Các nghiên cứu trước đây cho thấy, cả hiệu lực bảo vệ nhiễm và bảo vệ ca nặng của vắc-xin đều giảm dần qua thời gian, bắt đầu từ 3 - 4 tháng sau tiêm và giảm rõ sau 6 tháng. Tuy nhiên, mức giảm bảo vệ nhiễm lớn hơn nhiều so với bảo vệ ca nặng.

Thực tế này càng đúng với BA.5, không chỉ với miễn dịch do vắc-xin, mà còn với miễn dịch do Covid. BA.5 có khả năng lẩn tránh miễn dịch tự nhiên của các nhóm dưới chủng khác của Omicron, như BA.1 và BA.2, nên từng nhiễm thì vẫn có thể bị nhiễm lại BA.5. Đây là lý do số ca nhiễm đang tăng vọt ở các nước bất kể đã tiêm đủ mũi và từng nhiễm Covid”, chuyên gia giải thích.

Theo TS Trung, người đã tiêm mũi 3 hoặc vừa nhiễm Covid-19 từ đầu năm nay, khả năng là miễn dịch bảo vệ đã bắt đầu hoặc sắp suy giảm. Vắc-xin mũi 1 - 3 giảm hiệu lực với BA.5, khả năng bảo vệ nhiễm thấp. Tuy nhiên, vắc-xin tăng cường mũi 4 vẫn giúp giảm nguy cơ bệnh nặng, tử vong.

“Do vậy, về mặt cá nhân mà nói, người trên 50 tuổi, hoặc có bệnh nền nên tiêm mũi 4 khi đủ điều kiện. Theo CDC Mỹ, người trên 50 tuổi nếu chỉ tiêm 3 mũi có nguy cơ tử vong do Covid cao gấp 4 lần người trên 50 đã tiêm 4 mũi. Các bằng chứng đều cho thấy tiêm mũi 4 có lợi hơn là không tiêm, kể cả ở người đã nhiễm Covid”, TS Trung dẫn chứng.

Chuyên gia này nhận định, Covid có thể sẽ tồn tại lâu dài với nhiều biến chủng, mức độ độc tính khác nhau. Khi số ca nhiễm tăng cao, dù tỷ lệ bệnh nặng thấp, nhưng trường hợp nặng phải vào viện/tử vong vẫn cao. Nhóm dễ tổn thương nhất là người trên 50 tuổi và có bệnh nền. Do vậy, các biện pháp bảo vệ vẫn phải tập trung cho nhóm này.

“Hiện tại, Việt Nam chưa thấy làn sóng BA.5 là vì chúng ta nới lỏng công tác theo dõi, xét nghiệm nên nhiều ca nhưng không biết. Hoặc, do đợt tiêm mũi 3 của Việt Nam và đợt dịch Omicron hồi đầu năm muộn hơn các nước. Nếu là vậy, sắp tới đây, giảm miễn dịch diện rộng trên cả nước là khó tránh khỏi. Tăng cường mũi 4 cho nhóm nguy cơ bắt đầu trở nên cấp thiết”, TS Trung chia sẻ.

Với nhóm dưới 50 tuổi, dù có thể không bị bệnh nặng, nhưng tốt nhất vẫn là không nhiễm Covid, hoặc không nhiễm lại. Do đó, chuyên gia khuyến cáo, người dân vẫn nên đeo khẩu trang, giữ vệ sinh, tránh tụ tập không cần thiết khi dịch đang bùng phát.

“Các hãng dược đang phát triển loại vắc-xin đặc hiệu cho Omicron BA.4 và BA.5, sẽ ra mắt trong mùa thu này. Nhưng trì hoãn tiêm mũi 4 bây giờ để đợi vắc-xin đời mới là hơi khó khả thi. Nếu ai đã đủ tiêu chuẩn tiêm mũi 4 thì nên tiêm luôn, không nên đợi vắc-xin mới”, TS Trung nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ