Tuy nhiên, trong trường hợp nhóm nguy cơ như người cao tuổi hoặc có bệnh nền đã được chủng ngừa, có thể tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em.
Ưu tiên người nguy cơ
TS.BS Trần Nam Trung - chuyên gia dịch tễ học tại Maryland (Mỹ) chia sẻ, người ở tuổi nào cũng có thể mắc Covid-19. Tuy nhiên, nhóm nguy cơ bệnh nặng là người cao tuổi và có bệnh nền. Càng ít tuổi, nguy cơ bệnh nặng và tử vong càng thấp.
“Do vậy, trẻ em, thanh niên dưới 18 tuổi (không có bệnh nền) là nhóm có ưu tiên thấp nhất, nhường vắc-xin cho các lứa tuổi khác trước”, chuyên gia nhận định.
Tuy nhiên, theo TS Trung, một số trẻ em có bệnh nền nhiễm Covid-19 có thể trở nặng, phải nhập viện. Trong khi đó, vắc-xin giúp giảm nguy cơ này. Đặc biệt, khi đến trường, trẻ chưa có ý thức vệ sinh cũng như giãn cách cao.
“Tiêm cho trẻ em chủ yếu là để giúp giảm lây từ trẻ sang nhóm khác. Giảm lây sẽ giảm khả năng tạo biến chủng mới. Với chủng Delta, vắc-xin có hiệu lực thấp hơn trước, tiêm rồi vẫn có thể nhiễm và lây (dù ít bị nặng), nhưng vẫn tốt hơn không tiêm”, chuyên gia chia sẻ.
Do đó, TS Trung cho rằng, với những nước nhiều vắc-xin, khi các nhóm tuổi khác đã được tiêm đủ, có thể cân nhắc tiêm cho trẻ em. Với những nước thiếu vắc-xin như Việt Nam, trẻ em không thể là nhóm ưu tiên.
Thay vào đó, trẻ em phải nhường vắc-xin cho nhóm dễ tổn thương hơn là người cao tuổi và có bệnh nền. Song, chuyên gia này nhận định, Việt Nam có thể điều chỉnh cho phép tiêm cho thanh thiếu niên có bệnh nền.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Chuyên gia dịch tễ, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, phần lớn trẻ mắc Covid-19 đều không nguy hiểm. Đặc biệt, tỷ lệ đe dọa tính mạng trẻ do Covid-19 thấp hơn so với bệnh lý nhiễm trùng khác.
Do đó, bác sĩ Khanh nhận định, trẻ được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 sẽ nhẹ hơn nếu mắc bệnh. Tuy nhiên, trẻ vẫn có thể lây cho người lớn. Vì vậy, nếu tất cả người lớn, đặc biệt là nhóm nguy cơ trong gia đình đã chủng ngừa, có thể tiêm phòng cho trẻ.
Trong khi đó, TS Nguyễn Hồng Vũ - Viện City of Hope (Mỹ) nhận định, trẻ em thuộc nhóm khá an toàn khi mắc bệnh Covid-19. Hầu hết, trẻ bị bệnh nhẹ, nhanh khỏi, phần lớn không triệu chứng.
“Vì vậy, nếu ở Việt Nam vẫn chưa đủ vắc-xin cho người lớn, đặc biệt là những nhóm người có nguy cơ cao khi mắc bệnh như người lớn tuổi, có bệnh nền… vẫn nên ưu tiên chích vắc-xin cho họ trước”, TS Vũ nhấn mạnh.
Lựa chọn vắc-xin
Ngày 28/8, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế xem xét tiêm chủng Covid-19 cho trẻ nhỏ trước thềm năm học mới.
Theo TS Nguyễn Hồng Vũ, “trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ”. Do đó, cần cẩn trọng khi áp dụng những gì mà người lớn đang sử dụng lên trẻ, nếu chưa hiểu rõ. Để sử dụng vắc-xin Covid-19 lên trẻ em một cách an toàn và hiệu quả, cần chọn các vắc-xin đã có những nghiên cứu rõ ràng, cụ thể và sử dụng đúng liều lượng phù hợp cho từng lứa tuổi.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo, vắc-xin cũng như tất cả tiến bộ y khoa khác, có công nghệ ngày càng mới. Do đó, cần cẩn trọng khi áp dụng lên trẻ. Mặt khác, có thể chọn những vắc-xin công nghệ tốt và kinh điển cho trẻ em.
Chuyên gia này gợi ý, công nghệ vắc-xin liên hợp có thể an toàn với trẻ.
“Gọi là liên hợp là kết hợp thêm một protein nào đó để bộ nhớ của hệ thống miễn dịch ghi nhớ và tạo miễn dịch bền vững”, bác sĩ Khanh giải thích.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, trẻ cũng có thể tiêm vắc-xin phòng Covid-19 có công nghệ tái tổ hợp, tái tổ hợp tiểu đơn vị. Trong đó, có thể kể đến các vắc-xin phòng Covid-19 tái tổ hợp như Novavax, Nanocovax, Abdala. Vắc-xin sử dụng công nghệ liên hợp có thể nhắc tới Soberana 2.
Do đó, bác sĩ Khanh nhận định, có thể chọn tiêm vắc-xin phòng Covid-19 Abdala (Cuba) cho trẻ từ 7 - 17 tuổi. Trong khi đó, trẻ nhỏ hơn có thể tiêm vắc-xin Soberana.