Vắc xin cho nhóm nguy cơ cao: Cân nhắc phương án điều phối

GD&TĐ - Nếu ca F0 tiếp tục tăng cao, để hệ thống y tế không quá tải, cần cho phép F0 nhẹ điều trị tại nhà.

Ngày 19/12, Việt Nam ghi nhận hơn 16 nghìn ca mắc Covid-19.
Ngày 19/12, Việt Nam ghi nhận hơn 16 nghìn ca mắc Covid-19.

Đồng thời, trong trường hợp nhóm nguy cơ chưa được tiêm phòng vì thiếu vắc xin, cần cân nhắc “nhường” vắc xin của nhóm trẻ em (dưới 18 tuổi) cho họ.

Ca mắc tăng trong “bình thường mới”

Theo bản tin của Bộ Y tế trong ngày 19/12, số ca nhiễm Covid-19 mới ghi nhận tại 60 tỉnh, thành phố chạm mốc 16.093. Đây là ngày có tổng ca nhiễm cao thứ 2 (sau ngày 11/12 với 16.104 ca) kể từ thời điểm Việt Nam chuyển sang “bình thường mới”.

Số ca nhiễm trung bình trong một tuần qua tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng cao tương đương nhau. Trung bình, ca nhiễm trong 7 ngày qua ở Hà Nội là 924, Thành phố Hồ Chí Minh là 1.061.

Ngày 19/12, Cà Mau và Bến Tre là 2 tỉnh miền Tây ghi nhận trên 800 ca nhiễm trong 24 giờ. Tiếp sau đó là Thành phố Cần Thơ (793), Đồng Tháp (780), Vĩnh Long (593), Bạc Liêu (537). Các tỉnh miền Tây còn lại cũng ghi nhận rải rác từ vài chục đến vài trăm ca nhiễm.

TS Nguyễn Hồng Vũ - Viện City of Hope (Mỹ) nhận định, sau làn sóng Covid-19 xảy ra vào tháng 8 - 9, Việt Nam đẩy mạnh tiêm vắc xin kết hợp giãn cách xã hội. Tuy nhiên, sau khi nới lỏng giãn cách và chuẩn bị trở lại cuộc sống bình thường, tình hình đang trở nên đáng lo ngại khi số ca mắc và tử vong do Covid-19 tăng.

Theo TS Vũ, để ngăn chặn tình trạng này, một trong những biện pháp quan trọng là cần sử dụng thuốc điều trị Covid-19 cho đúng người.

Chuyên gia này nhận định, nên tập trung phát thuốc điều trị cho những người có “nguy cơ cao”. Bởi, những người trẻ, khỏe, không có bệnh nền, đã tiêm đủ vắc-xin sẽ có triệu chứng nhẹ nếu mắc Covid-19. Khi đó, họ chỉ cần nghỉ ngơi, bổ sung nước. Trong trường hợp sốt cao (trên 38,5 độ C), có thể sử dụng các thuốc giảm sốt thông thường.

“Tập trung phát thuốc đầy đủ cho nhóm người có nguy cơ cao như lớn tuổi (trên 65 tuổi), có bệnh nền (bệnh đường hô hấp, tiểu đường, bệnh tim, bệnh thận…) thì sẽ giảm thiểu được rủi ro trở nặng, tử vong của nhóm người này rất nhiều”, TS Vũ nhận định.

Cân nhắc “nhường” vắc xin

Ngày 19/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19, kiểm soát biến thể mới Omicron. Công điện cho biết, nước ta chưa phát hiện ca nhiễm biến chủng Omicron. Tuy nhiên, số lượng F0, bệnh nhân nặng, tử vong có xu hướng tăng. Hệ thống y tế ở một số địa phương đã quá tải, phải chi viện từ Trung ương và các địa phương khác.

Trước tình hình đó và khả năng biến chủng Omicron xuất hiện ở nước ta cao, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế bám sát diễn biến dịch bệnh trên thế giới, không để bị động, bất ngờ, không để quá tải hệ thống y tế trên diện rộng. Đặc biệt, trong thời gian Bộ Y tế chưa có hướng dẫn mới về đánh giá cấp độ dịch, từng địa phương có thể thống nhất với Bộ Y tế để nâng cấp độ dịch. Từ đó, chủ động ứng phó dịch bệnh.

Đồng thời, theo TS Vũ, nên khuyến khích tối đa những ca bệnh nhẹ tự điều trị ở nhà. Bởi, nhóm nguy cơ thấp mắc bệnh Covid-19 thường có tỷ lệ tự khỏi bệnh cao. Do đó, những người này nên được tự cách ly, điều trị ở nhà. Trong khi đó, nhân viên y tế có thể theo dõi tình hình những F0 này qua điện thoại.

Biện pháp này sẽ giúp giảm tải cho nhân viên y tế và thiết bị y tế. Từ đó, giúp tập trung vào những ca bệnh nặng hơn.

“Như chúng ta biết, việc quá tải hệ thống y tế là một yếu tố gây tăng vọt các ca tử vong. Làm sao để tránh được việc này là điều rất quan trọng”, TS Vũ cho biết.

Bên cạnh đó, chuyên gia này khuyến cáo, nên tăng cường, ưu tiên tiêm vắc xin cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao. “Những người nằm trong nhóm nguy cơ cao như người lớn tuổi, có bệnh nền luôn được cần được ưu tiên chích vắc xin.

Nếu nhóm người này chưa được chích ngừa đầy đủ vì thiếu vắc xin, thì việc “nhường” vắc-xin của nhóm trẻ em (dưới 18 tuổi) cho nhóm người này nên được làm. Các số liệu khoa học đến nay cho thấy, nhóm người trẻ bị tác động của bệnh Covid-19 hầu hết là nhẹ và rất hiếm ca tử vong”, TS Vũ nhận định.

Cũng theo TS Vũ, việc xuất hiện các biến chủng mới có thể làm tăng khả năng lây lan của virus. Đồng thời, làm giảm hiệu quả bảo vệ lây nhiễm của vắc-xin hiện tại. Tuy nhiên, vắc-xin hiện nay vẫn là một phương án tốt nhất để giảm nguy cơ trở nặng và tử vong.

“Thuốc điều trị virus cũng đang đóng vai trò giúp giảm tử vong của nhóm người nguy cơ cao và thật sự không cần thiết trong đa số trường hợp của nhóm người không có nguy cơ (người trẻ, khỏe, không có bệnh nền)”, TS Nguyễn Hồng Vũ nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.