Thành phố Hồ Chí Minh: Tạo nguồn lực bảo vệ nhóm nguy cơ cao

GD&TĐ - Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức khảo sát và lập danh sách hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ, bao gồm: Người trên 65 tuổi, có bệnh nền.

Người thuộc nhóm nguy cơ không thể di chuyển tới điểm tiêm sẽ được chủng ngừa tại nhà. Ảnh: HCDC
Người thuộc nhóm nguy cơ không thể di chuyển tới điểm tiêm sẽ được chủng ngừa tại nhà. Ảnh: HCDC

Người thuộc nhóm nguy cơ sẽ được tiêm vắc-xin, xét nghiệm và phát thuốc kháng virus nếu là F0.

Không “bỏ sót” người thuộc nhóm nguy cơ

Giới chức TPHCM gần đây tăng cường nhiều biện pháp để phòng dịch, chuẩn bị các kịch bản xử lý tình huống khi tình hình có “dấu hiệu phức tạp trở lại”. Ngày 7/12, UBND TPHCM ban hành kế hoạch tập trung nguồn lực bảo vệ nhóm nguy cơ, lập danh sách người trên 65 tuổi, có bệnh nền để xét nghiệm, tiêm vắc-xin.

Đồng thời, kịp thời chăm sóc và điều trị, hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc cũng như tử vong. Thành phố cũng triển khai tiêm vắc-xin mũi 3, nhằm tăng cường miễn dịch phòng Covid-19, dự kiến từ ngày 10/12.

Theo Sở Y tế TPHCM, kết quả phân tích các trường hợp tử vong do Covid-19 trên thành phố trong thời gian qua cho thấy, phần lớn tập trung ở nhóm người trên 50 tuổi, có bệnh nền. Những người này cũng chưa được tiêm chủng hay sử dụng thuốc kháng virus trước đó.

Theo đề xuất của Sở Y tế TPHCM, các địa phương sẽ tổ chức khảo sát và lập danh sách hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ, bao gồm: Người trên 65 tuổi, có bệnh nền. Sau khi nắm được số lượng, lãnh đạo các quận, huyện và TP Thủ Đức căn cứ vào danh sách để dự trù kit test nhanh kháng nguyên, sẵn sàng cho chiến dịch.

Đồng thời, đẩy mạnh tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Qua đó, bảo đảm không bỏ sót những người thuộc nhóm nguy cơ. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đến từng người thuộc nhóm nguy cơ.

Trường hợp người thuộc nhóm nguy cơ không thể di chuyển tới điểm tiêm, họ sẽ được chủng ngừa tại nhà. Người thuộc nhóm nguy cơ đã tiêm đủ liều sẽ được tiêm liều nhắc lại nếu đã tiêm mũi cuối trên 6 tháng. Đối với các trường hợp suy giảm miễn dịch, tiêm liều bổ sung nếu đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 28 ngày.

Các địa phương triển khai xét nghiệm nhanh kháng nguyên đối với những người thuộc nhóm nguy cơ theo danh sách trên địa bàn. Ngành y tế khuyến khích hộ gia đình tự lấy mẫu. Trường hợp không tự làm xét nghiệm được, Trạm y tế, Trạm y tế lưu động, Tổ chăm sóc người nhiễm cho người thuộc nhóm nguy cơ sẽ thực hiện.

Trường hợp phát hiện F0 là người nguy cơ, y tế địa phương sẽ tổ chức cấp ngay thuốc kháng virus (gói thuốc C) và gói thuốc A, B. Thuốc C được sử dụng ngay khi cấp phát. Thuốc B (kháng viêm, kháng đông dạng uống) được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, kể cả của bác sĩ tư vấn qua mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”.

Việc xem xét cho F0 thuộc nhóm nguy cơ được điều trị tại nhà hay bệnh viện bảo đảm các yếu tố: Tình trạng bệnh, điều kiện chăm sóc và cách ly tại nhà, nguyện vọng của người bệnh và gia đình.

Đề phòng triệu chứng cảm cúm

Song song bảo vệ người nguy cơ, ngành y tế TPHCM chủ trương chăm sóc bệnh nền cho nhóm này. Danh sách người thuộc nhóm nguy cơ sẽ được chuyển đến mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”. Nhờ đó, họ sẽ được tư vấn, thăm hỏi sức khỏe định kỳ, bao gồm chăm sóc các bệnh nền.

Chia sẻ về bảo vệ người nguy cơ trước Covid-19, TS.BS Phạm Hùng Vân - Chủ tịch Hội Vi sinh Lâm sàng TPHCM - nhấn mạnh: “Covid-19 là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm cho tuổi già, đặc biệt là có thêm bệnh nền. Chính vì vậy, những người có tuổi (60 tuổi trở lên) phải tránh nguy cơ phơi nhiễm”.

Song, theo chuyên gia này, những nguy cơ đó rất khó để tránh, như tiếp xúc bạn bè hoặc con, cháu. Trong trường hợp nhiễm bệnh, TS Vân khuyến cáo, nhóm nguy cơ cần tuân thủ các nguyên tắc điều trị. Trước hết, phải có oxy tại nhà để kịp bù khi SpO2 giảm dưới 95%. Do vậy, cần đo SpO2 thường xuyên.

Ngoài ra, người bệnh phải uống thuốc chống virus ngay từ đầu, đặc biệt với tuổi trên 60. Đồng thời, bù đắp dinh dưỡng và năng lượng. Bởi, người mắc Covid-19 thường không thèm ăn nên dễ mất năng lượng và điện giải.

Trong trường hợp sốt và nhức đầu, người bệnh có thể uống paracetamol 500mg, thêm kẽm và vitamin D. Nếu SpO2 dưới 95% hoặc ho nhiều và đau ngực, cần dùng thuốc chống đông và corticoide đủ liều.

“Không nên đi cách ly tập trung nếu tại đó không có người chăm sóc và không có phương tiện như oxy và thuốc điều trị, đặc biệt là gói C có molnupiravir”, Chuyên gia khuyến cáo.

TS Phạm Hùng Vân nhấn mạnh, người dân nên cảnh giác và không coi thường Covid-19 ở người lớn tuổi hoặc có bệnh nền. Bởi, thời gian đầu, bệnh có biểu hiện nhẹ như cảm cúm thường. Tuy nhiên, người bệnh có thể diễn tiến nặng rất nhanh trong vòng không quá một ngày.

Do vậy, chuyên gia này khuyến cáo, nếu xuất hiện triệu chứng như cảm cúm thường, người dân cần đề phòng trường hợp mắc Covid-19. Khi đó, cần test nhanh kháng nguyên Covid-19 tại nhà. Nếu dương tính, cần tuân theo các nguyên tắc. Trong trường hợp âm tính, nên xét nghiệm lại thêm lần nữa vào ngày hôm sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ