Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ đồng hành, giám sát việc xây dựng văn hóa học đường

GD&TĐ - Khẳng định sẽ đồng hành, giám sát việc xây dựng văn hóa học đường, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đồng thời đưa ra những lưu ý để xây dựng, phát triển văn hóa học đường trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại hội nghị.
Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại hội nghị.

Trọng tâm xây dựng văn hóa học đường

Ông Nguyễn Đắc Vinh nhận định: Trong thời gian qua, các cấp, các ngành nói chung, ngành Giáo dục và Đào tạo nói riêng, đã triển khai nhiều giải pháp giáo dục đạo đức, lối sống, thẩm mỹ, ứng xử văn hóa và kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Đồng thời, nỗ lực xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục, điển hình là phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Hai trọng tâm lớn để xây dựng văn hóa học đường được ông Nguyễn Đắc Vinh nhắc tới là xây dựng môi trường trường học lành mạnh, con người chuẩn mực (bao gồm nhà quản lý; nhà giáo; học sinh, sinh viên; người lao động trong cơ sở giáo dục). Môi trường văn hoá được hiểu gồm: Môi trường “cứng” (cảnh quan trường học xanh, sạch, đẹp; kiến trúc phù hợp với văn hoá truyền thống) và môi trường “mềm” (hoạt động, hành vi, văn hoá ứng xử trong nhà trường).

Việc xây dựng môi trường văn hoá trong trường học tiếp tục là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng để cụ thể hoá chủ trương của Đảng, Nhà nước về văn hoá. Đề nghị Bộ GD&ĐT chỉ đạo xây dựng các kế hoạch, chương trình, đề án triển khai Chỉ thị 08 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ đồng hành, giám sát việc xây dựng văn hóa học đường.

Về vai trò của các chủ thể trong nhà trường, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng: Nhà quản lý cần chỉ đạo xây dựng các quy định, quy chế, quy tắc ứng xử, hệ giá trị văn hoá trong trường học; chỉ đạo xây dựng môi trường học đường chuẩn mực từ đạo đức, nền nếp, ứng xử giao tiếp, hình ảnh cá nhân, trang phục đến cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp…; đặc biệt nhà quản lý gương mẫu, đi đầu trong thực hiện.

Đối với giáo viên: Trong truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, người thầy luôn được xã hội ghi nhận, tôn vinh, coi là tấm gương về trí tuệ, đạo đức, lối sống. Ảnh hưởng của người thầy đối với học trò là vô cùng lớn. Do đó, phải yêu cầu, quy định sự chuẩn mực, gương mẫu; đề cao sự tâm huyết, trách nhiệm với nghề và giỏi phương pháp sư phạm. Giáo viên thiếu gương mẫu phải được xử lý nghiêm.

Đối với học sinh, sinh viên: Phải được rèn luyện, bồi dưỡng trong các giờ học, trong các hoạt động của nhà trường, để hình thành các phẩm chất đạo đức, nhân cách (yêu nước, trung thực, chủ động, sáng tạo; năng lực tự học, tự chủ, tự trọng, tự chịu trách nhiệm; bản lĩnh chính trị, tư duy phản biện, phong cách làm việc khoa học…); bắt đầu từ những việc nhỏ, hằng ngày như ứng xử lễ phép, đúng mực, đúng giờ, học tập nghiêm túc…

Đối với người lao động trong cơ sở giáo dục (nhân viên hành chính, văn thư, văn phòng, lao công, bảo vệ,…): Cần được chuẩn hóa theo các chuẩn mực, bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường.

Đại biểu phát biểu tại Hội nghị “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường”.

Đại biểu phát biểu tại Hội nghị “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường”.

Không chủ quan, áp đặt

Nói về việc xây dựng và ban hành các hệ giá trị văn hóa trong trường học, ông Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, cần thực hiện một cách khoa học, biện chứng, không chủ quan, duy ý chí, áp đặt; tôn trọng các quy luật khách quan, nhất là quy luật “cái chung” và “cái riêng”; không cầu toàn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Các giá trị văn hóa được hình thành qua các hoạt động thực tiễn. Giá trị văn hóa trong trường học được hình thành qua quá trình tham gia các hoạt động trong nhà trường. Do đó, xây dựng các hệ giá trị cần gắn với tổ chức thường xuyên các hoạt động, các phong trào thi đua để từng thành viên trong nhà trường được cảm nhận, thẩm thấu, hình thành, gìn giữ, phát huy các giá trị đó. Ví dụ: Việc xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp cần thiết kế theo hướng do chính các thầy cô, các em học sinh tổ chức thực hiện…

Cùng với đó, xác định và xây dựng các giá trị văn hóa trong trường học phải đáp ứng các yêu cầu: Bám sát các chủ trương của Đảng về xây dựng hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam; giữ gìn, phát huy được giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; kế thừa các giá trị đang được ngành giáo dục tập trung xây dựng; tiếp thu các tinh hoa trong quá trình hội nhập.

“Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, những giá trị quan trọng như lòng yêu nước, đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, khiêm tốn, trung thực, chuyên cần trong dạy và học cần được lưu tâm”.

Chia sẻ điều này, ông Nguyễn Đắc Vinh đồng thời nhấn mạnh: Xây dựng văn hóa học đường phải gắn với chất lượng dạy và học trong nhà trường. Xây đi kèm với chống, kiên quyết chống lại các biểu hiện phi văn hóa/phản văn hóa trong nhà trường và ngoài xã hội.

Xây dựng văn hóa nói chung và văn hóa học đường nói riêng đòi hỏi một quá trình lâu dài, sự kiên trì. Để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, theo ông Nguyễn Đắc Vinh, công tác tổ chức thực hiện đóng vai trò quan trọng nhất. Cần chú trọng phát huy dân chủ trong tổ chức thực hiện xây dựng văn hóa học đường.

Việc tổ chức thực hiện nên bắt đầu từ những việc cụ thể, hằng ngày. Cấp uỷ quan tâm chỉ đạo cụ thể hóa chủ trương xây dựng văn hóa học đường thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ hằng năm. Chính quyền các cấp, ban giám hiệu nhà trường cụ thể hóa thành kế hoạch, chương trình công tác thường kỳ; phối hợp với các tổ chức đoàn, hội triển khai thực hiện.

Cần khuyến khích xây dựng các mô hình điểm, từng bước nhân rộng; tuyên dương, khen thưởng, động viên đúng, kịp thời các mô hình, tấm gương tốt. Chú ý tới các mô hình do chính các thầy cô, các em học sinh trực tiếp tổ chức thực hiện.

“Mong Bộ GD&ĐT phát huy vai trò chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra, động viên các nhà trường; chủ trì phối hợp với các cấp, các ngành, gia đình và xã hội để cùng nhà trường xây dựng văn hóa học đường” - ông Nguyễn Đắc Vinh bày tỏ.

Ảnh minh họa/ITN

Ảnh minh họa/ITN

Một số nội dung cần lưu ý

Trong tổ chức thực hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đưa ra một số nội dung cụ thể cần lưu tâm.

Theo đó, đầu tiên là hoàn thiện các quy chế, quy định liên quan đến xây dựng môi trường văn hóa học đường. Xây dựng các tiêu chí, bộ quy tắc dễ hiểu, dễ nhớ để thuận lợi cho triển khai, thực hiện. Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa học đường, hướng tới các mục tiêu xanh, sạch, đẹp, kỷ cương, an toàn, lành mạnh và thân thiện. Rà soát, xây dựng ban hành các bộ quy tắc, chuẩn mực ứng xử: quy tắc ứng xử của nhà giáo, quy tắc ứng xử của cơ sở giáo dục; quy tắc ứng xử của nhà giáo, học sinh, phụ huynh trong nhà trường, ngoài nhà trường, trên không gian mạng. Chú ý tới môi trường văn hóa trên không gian mạng trong bối cảnh chuyển đổi số của ngành giáo dục.

Thứ hai, xây dựng thiết chế văn hóa học đường làm cơ sở cho định hình văn hóa trong trường học, nhất là hệ thống thư viện trong trường học gắn với xây dựng văn hóa đọc, tự học.

Thứ ba, chú trọng giáo dục văn hóa, đặc biệt là yếu tố văn hóa truyền thống của dân tộc trong dạy học và các hoạt động của nhà trường.

“Xây dựng văn hoá học là chủ trương rất đúng đắn của ngành Giáo dục. Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội trong phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền của mình sẽ luôn sát cánh, đồng hành với ngành Giáo dục và ngành Văn hoá, giám sát chặt chẽ việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; thường xuyên phối hợp rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm thực hiện hiệu quả công tác xây dựng văn hoá học đường nói riêng, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung”, ông Nguyễn Đắc Vinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.