Chiều 24/7, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày trước Quốc hội Tờ trình về việc đề xuất một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đưa vào Nghị quyết kỳ họp của Quốc hội.
Theo đó, một trong những nội dung quang trọng của Tờ trình là, Quốc hội nhất trí với các chính sách, giải pháp của Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 đã áp dụng trong thời gian qua và giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ:
“Ưu tiên ngân sách, huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; quyết định chuyển nguồn kinh phí trong dự toán đã được duyệt cho phòng, chống dịch; thay đổi, điều chuyển nguồn kinh phí trong ngân sách nhưng chưa có trong dự toán cho công tác phòng, chống dịch; tạm ứng ngân sách trong trường hợp vượt dự toán đã phê duyệt; được mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh; Trung ương hỗ trợ địa phương trong trường hợp cần thiết; đồng ý chuyển 1.237 tỷ cho Bộ Y tế để phòng, chống dịch”.
Liên quan đến nội dung này, Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc đề xuất một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đưa vào Nghị quyết kỳ họp của Quốc hội đề nghị sửa lại:
“Ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước và huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; quyết định chuyển nguồn kinh phí chi thường xuyên trong dự toán đã được duyệt cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; thay đổi, điều chỉnh nguồn kinh phí ngân sách nhà nước đối với các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết để chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh; trong trường hợp cấp thiết, ngân sách Trung ương hỗ trợ cho ngân sách địa phương để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19”.
Đối với việc mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế, Ủy ban đề nghị Chính phủ cần có các giải pháp tránh tối đa các tiêu cực, lãng phí có thể xảy ra trong hoạt động này.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung đưa vào Nghị quyết nguyên tắc chính sách đối với các chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội, nhất là các chính sách hỗ trợ cho nông dân, người lao động khu vực phi chính thức, lao động trong các doanh nghiệp bị ngừng, nghỉ việc, mất việc làm, các nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc gia.
Ủy ban Xã hội thấy rằng, đây cũng là nghị quyết hóa thực tiễn đã triển khai trong thời gian vừa qua. Điều này là cần thiết để xử lý các vấn đề cấp bách mà không có điều kiện ban hành các văn bản quy phạm pháp luật khác thuộc thẩm quyền (nghị định, quyết định) nhằm ứng phó kịp thời, có hiệu quả với các diễn biến của tình hình dịch bệnh, chỉ nên thực hiện có thời hạn, có thể đến hết năm 2022 và chỉ phục vụ trực tiếp cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.