Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo tập trung ưu tiên nguồn lực cho giáo dục – đào tạo tại Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh – Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì hội nghị giao ban 3 Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. - Ảnh: VGP |
Chiều 6/12, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh – Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã chủ trì hội nghị giao ban 3 Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ được tổ chức tại Cần Thơ. Hoạt động thường niên này được duy trì từ năm 2007 đến nay.
Tại hội nghị, bên cạnh việc tổng kết, đánh giá lại hiệu quả phối hợp công tác thời gian qua, các đại biểu đặc biệt quan tâm tới nâng cao chất lượng giáo dục, dạy nghề và đào tạo nguồn nhân lực tại 3 vùng.
Cần thiết có các cơ chế đặc thù
Ghi nhận những kết quả quan trọng đã đạt được trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng cho rằng công tác giáo dục – đào tạo tại 3 vùng vẫn còn rất nhiều hạn chế so với yêu cầu, so với mặt bằng chung.
Hiện mạng lưới trường học từ mầm non đến các bậc phổ thông tại 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ còn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Công tác đào tạo nghề mới chỉ đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu học nghề của các vùng, chưa đóng góp đáng kể vào việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên. Chưa có chính sách phù hợp để khuyến khích các cơ sở dạy nghề mở rộng quy mô tuyển sinh, công tác xã hội hóa giáo dục chưa được đẩy mạnh, chưa huy động được nguồn lực từ doanh nghiệp và nhân dân. Có nơi công tác đào tạo nghề chưa phù hợp với thực tế nhu cầu địa phương.
Chính phủ quyết tâm rất cao trong việc ưu tiên đầu tư cho giáo dục và y tế. Do điều kiện khó khăn chung, Chính phủ đã cắt giảm đầu tư từ nguồn ngân sách, nhưng không cắt giảm các khoản đầu tư cho giáo dục và y tế. Hiện nguồn trái phiếu Chính phủ đang được ưu tiên cao nhất cho các lĩnh vực này.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo cần tập trung ưu tiên nguồn lực vào 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với 3 Ban Chỉ đạo, các địa phương trong khu vực đánh giá khách quan, chính xác thực trạng chất lượng nguồn nhân lực ở 3 khu vực hiện nay. Trên cơ sở đó, đưa ra những nhận định, chỉ ra được nguyên nhân của những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém.
Bên cạnh đó, cần tổng kết các cơ chế, chính sách, đặc biệt là các cơ chế chính sách đặc thù hiện đang áp dụng đối với khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ để đề xuất những cơ chế mới phù hợp với điều kiện của từng vùng.
“Cần nghiên cứu cơ chế riêng với mục tiêu nâng chất lượng giáo dục, đào tạo của các khu vực này lên ngang với mặt bằng chung, đặc biệt là khu vực Tây Bắc”, Phó Thủ tướng đề nghị.
Liên kết thiết thực hơn
Về cơ chế phối hợp, thường trực các Ban Chỉ đạo cho rằng công tác này ngày càng được tiến hành chặt chẽ, đồng bộ. Các Ban Chỉ đạo đã ký kết và thực hiện Chương trình phối hợp công tác. Tùy điều kiện và yêu cầu công việc cụ thể, các Ban đã ký kết và triển khai thực hiện chương trình hợp tác toàn diện, chương trình phối hợp công tác hàng năm với các Bộ, Ban, ngành Trung ương.
Các Ban Chỉ đạo luôn bám sát chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, vận dụng sáng tạo trong quan hệ phối hợp; chủ động xây dựng các chương trình phối hợp với các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng chính phủ về phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, công tác dân tộc tôn giáo, công tác xây dựng hệ thống chính trị trong vùng.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao việc các Ban Chỉ đạo đã phối hợp triển khai nhiệm vụ một cách tích cực, hiệu quả, góp phần quan trọng thực hiện được nhiều chỉ tiêu kinh tế – xã hội ở từng địa phương, ở cả khu vực trong bối cảnh khó khăn chung.
Các Ban Chỉ đạo đã kiến nghị với Trung ương về những cơ chế chính sách để phát triển kinh tế – xã hội ở các địa phương, sửa đổi những cơ chế chính sách lạc hậu.
Phó Thủ tướng cho rằng, giữa 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và ngay giữa các địa phương trong từng vùng đã bước đầu thực hiện được liên kết vùng, tuy nhiên vẫn cần tiếp tục tập trung thực hiện một cách thiết thực, hiệu quả hơn nữa.
“Liên kết vùng trong bối cảnh hiện nay là hết sức quan trọng, liên kết để thực hiện những nhiệm vụ mà từng địa phương không thực hiện được. Ba Ban Chỉ đạo có những đặc thù riêng, nhưng cũng có nhiều điểm chung. Những sáng tạo của vùng này có thể vận dụng ở vùng khác, những khiếm khuyết ở vùng này có thể được rút kinh nghiệm ở vùng khác”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Chinhphu.vn