Ưu tiên của Ngành giáo dục Việt Nam phù hợp với những ưu tiên hỗ trợ của ADB

GD&TĐ - Đó là ý kiến của ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại buổi tiếp bàn về định hướng tài trợ của ADB cho ngành GD Việt Nam

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tiếp Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tai Việt Nam. Ảnh An Nhiên
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tiếp Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tai Việt Nam. Ảnh An Nhiên

Đầu tư tập trung cho vùng khó khăn và giáo dục đại học

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao việc triển khai các dự án của ADB trong lĩnh vực GD Việt Nam. Bộ trưởng hy vọng ADB quan tâm hơn tới việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho các dự án đang thực hiện.

“Tôi đánh giá rất cao 3 dự án của ADB tài trợ cho ngành GD Việt Nam. Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành rà soát để có những kiến nghị tới Chính phủ và đề nghị ADB tập trung vào những hỗ trợ thật sự cần thiết cho ngành GD Việt Nam”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ với Giám đốc Ngân hàng ADB Việt Nam: “Trong GD Việt Nam, chúng tôi đang tập trung đầu tư vào vùng trũng, miền núi và dân tộc thiểu số. GD phổ thông của Việt Nam về cơ bản chất lượng tốt. Ở khu vực đô thị, những thành phố lớn có sự phát triển GD phổ thông rất tốt so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, ở khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số GD đã được cải thiện, nhưng khoảng cách so với vùng thuận lợi vẫn còn cách xa”.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, quan điểm hiện nay của Việt Nam, ở những vùng thuận lợi sẽ đẩy mạnh xã hội hoá trong GD, cho tư nhân và khuyến khích nước ngoài đầu tư vào. Còn những vùng miền núi khó khăn Nhà nước phải tập trung hỗ trợ; ngân sách chưa đủ, chưa có, tài chính còn khó khăn thì Bộ GD&ĐT tiếp tục đề nghị Chính phủ có những khoản vay để đầu tư cho khu vực này.

“Mục tiêu của chúng tôi là tất cả trẻ em phải được tiếp cận GD trong điều kiện tốt nhất có thể. Cố gắng hạn chế khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền. Trong 5 năm tới, khu vực khó khăn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số dự kiến cần đầu tư khoảng 10 nghìn tỷ đồng”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ tại buổi tiếp. Ảnh: An Nhiên
“Mục tiêu của chúng tôi là tất cả trẻ em phải được tiếp cận GD trong điều kiện tốt nhất có thể. Cố gắng hạn chế khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền. Trong 5 năm tới, khu vực khó khăn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số dự kiến cần đầu tư khoảng 10 nghìn tỷ đồng”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ tại buổi tiếp. Ảnh: An Nhiên

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ADB có đóng góp lớn và kinh nghiệm đối với việc hỗ trợ GD phổ thông ở Việt Nam. Tuy nhiên, GD ĐH là một lĩnh vực rất đáng chú ý, khi mà hiện nay các trường ĐH đang cố gắng tập trung thay đổi về tự chủ, quản trị, nhân lực, nâng cao chất lượng, đặc biệt là gắn kết giữa ĐH và doanh nghiệp.

Nhưng khó khăn của các trường ĐH còn rất nhiều, nhất là về cơ sở vật chất (phòng học, phòng thí nghiệm, thư viện…) - những yếu tố rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của các nhà trường. Trong khi đó GV không phải vấn đề đáng lo ngại, số lượng GV ĐH được đào tạo ở nước ngoài ngày càng nhiều, sự năng động của GV Việt Nam rất cao.

Bên cạnh đó, đầu vào của GD ĐH Việt Nam vẫn rất tiềm năng với dân số đông, số người đến tuổi vào ĐH hàng năm đến con số hàng triệu, trong khi số lượng các trường ĐH ở Việt Nam không nhiều, khoảng hơn 200 trường và phần lớn quy mô nhỏ.

“Mong muốn hiện nay của ngành GD Việt Nam là nâng cao năng lực của các trường ĐH, một mặt mở rộng cơ hội tiếp cận ĐH của thanh niên Việt Nam, một mặt nhằm nâng cao chất lượng của các trường ĐH. Chất lượng ĐH của Việt Nam chưa cao. Nếu không nâng cao chất lượng ĐH thì GD phổ thông có chất lượng cũng lãng phí. Do vậy, trong 5 năm tới chúng tôi tiếp tục đầu tư cho GD ĐH”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ với ông Andrew Jeffries.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng cần phải tạo cơ hội cho những trường ĐH vay vốn để phát triển, kể cả các trường ĐH ngoài công lập. Đây là cơ hội rất tốt cho ADB đầu tư. Những trường ĐH cần vay vốn và có khả năng trả nợ cần được khuyến khích.

Bộ GD&ĐT cũng đang khuyến khích các trường ĐH xây dựng những khu giảng đường hiện đại để giữ chân người học, thay vì để người học phải ra nước ngoài du học nhiều như hiện nay. Xu hướng du học tại chỗ đang được quan tâm. Hiện có những trường ĐH chất lượng giảng dạy tốt nhưng không có được môi trường học tập thu hút HS.

“Việt Nam là một thị trường ĐH rất lý tưởng, nhưng thiếu điều kiện về cơ sở vật chất. Vì vậy, tôi hy vọng trong nhiệm kỳ của Giám đốc ADB tại Việt Nam sẽ có những bàn thảo về tiềm năng ADB tiếp cận thị trường ĐH”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi với ông Andrew Jeffries.

ADB quan tâm việc tiếp cận vốn dựa trên kết quả đầu ra

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc ngân hàng ADB tại Việt Nam bày tỏ cũng đã tìm hiểu và biết rằng Chính phủ Việt Nam đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội trong 5 năm và chiến lược phát triển trong nhiều năm tới. Ngân hàng ADB cũng đang có những định hướng xây dựng kế hoạch và đối tác quốc gia, nhằm xác định những hỗ trợ của ADB cho Việt Nam trong 5 năm tới.

“ADB mong muốn những hỗ trợ và ưu tiên của chúng tôi phù hợp với những ưu tiên mà Việt Nam đang hướng tới. Tôi rất vui mừng vì được nghe chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về những ưu tiên của Ngành GD Việt Nam, qua đó ADB có thể cân nhắc để hỗ trợ”- Giám đốc ADB tại Việt Nam khẳng định.

Giám đốc ADB Việt Nam cũng giới thiệu với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về ông Nguyễn Minh Cường- Chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam- người trực tiếp xây dựng các chương trình, bao gồm các dự án ADB hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam, làm việc với các cơ quan, bộ, ngành trung ương như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

Ông Nguyễn Minh Cường- Chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam của ADB (ngoài cùng bên trái) và ông Andrew Jeffries- Giám đốc ADB Việt Nam (thứ 3 từ trái sang) cùng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và các cán bộ Bộ GD&ĐT tại buổi làm việc. Ảnh: An Nhiên
Ông Nguyễn Minh Cường- Chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam của ADB (ngoài cùng bên trái) và ông Andrew Jeffries- Giám đốc ADB Việt Nam (thứ 3 từ trái sang) cùng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và các cán bộ Bộ GD&ĐT tại buổi làm việc. Ảnh: An Nhiên

“Tôi hy vọng thời gian tới phía ADB cùng Bộ GD&ĐT có thể xây dựng cùng nhau những dự án mới, phù hợp với nhu cầu của GD Việt Nam đồng thời có thể đưa vào danh mục đầu tư của ADB cho Việt Nam”- Ông Andrew Jeffries nói.

Trong 10 năm qua, ADB đã hỗ trợ Bộ GD&ĐT triển khai 8 dự án, có 3 dự án đang được tiến hành. Ông Andrew Jeffries cho biết:

“Hai nội dung ưu tiên đầu tư trong GD được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề cập đến cũng là nội dung mà ADB mong muốn hỗ trợ thời gian tới. Thứ nhất, hỗ trợ cho GD vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, để phát triển GD và thu hẹp dần khoảng cách với vùng thuận lợi, khu vực thành phố lớn.

Thứ hai, hỗ trợ cho GD ĐH, theo Giám đốc ADB Việt Nam, đây là lĩnh vực rất quan trọng khi mà Việt Nam muốn phát triển hơn về công nghiệp, cần đẩy mạnh hơn về năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh. GD ĐH cần quan tâm cả đầu vào và đầu ra, chất lượng đào tạo cần được đảm bảo”.

“Những năm gần đây, quan điểm của Bộ Tài chính Việt Nam là mong muốn ADB hướng vào những hoạt động đầu tư, tài trợ vốn, những khoản cho vay tập trung vào những ngành nghề, lĩnh vực có khả năng hoàn trả nợ. Chúng tôi cho rằng với chủ trương đó, những hỗ trợ của ADB với các trường ĐH sẽ có những thuận lợi trong phê duyệt.

Còn việc hỗ trợ cho khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số cũng không kém phần quan trọng, khu vực này khó thu hút vốn đầu tư tư nhân và nước ngoài, do đó cần được hỗ trợ từ ngân sách. Quan trọng là cần phải có cách tiếp cận như thế nào để những dự án được phê duyệt từ các cơ quan có thẩm quyền ở cấp trung ương như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. ADB quan tâm phương pháp tiếp cận vốn dựa trên kết quả đầu ra”- Giám đốc ADB Việt Nam nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cảm ơn ADB và các đối tác của ADB tại Việt Nam đã hợp tác hiệu quả với Bộ GD&ĐT, đặc biệt là trong các dự án đã triển khai. Hiệu quả của các dự án đã đóng góp trong phát triển chất lượng GD phổ thông, hỗ trợ vùng khó khăn. Hy vọng tới đây với sự ủng hộ trực tiếp của ông Andrew Jeffries - Giám đốc ADB tại Việt Nam - ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ cho GD Việt Nam với những trọng tâm và chọn lựa hiệu quả hơn nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.