Ngay trong những ngày giáp Tết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ của Quốc hội hỗ trợ thực hiện Chương trình.
Để đạt được tăng trưởng GDP bình quân 6,5 – 7%/năm trong cả giai đoạn 2021 – 2025, Chính phủ đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Năm nhóm giải pháp hết sức hợp lý. Trong đó, sự tập trung cao độ cho hạ tầng “cứng” - là các dự án giao thông quan trọng, cấp thiết và có tác động lan tỏa lớn mang lại rất nhiều kỳ vọng. Đặc biệt, hạ tầng “mềm” – là cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng sẽ được đẩy mạnh để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp.
Theo đó, Chính phủ sẽ rà soát, tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh lộ trình thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường xử lý thủ tục hành chính trên nền tảng trực tuyến…
Thực tế cho thấy, nỗ lực dồn sức chống dịch phần nào làm cho công cuộc cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trầm lắng xuống trong thời gian qua và nay Chính phủ quyết tâm “xốc lại”.
Ngay trong Nghị quyết đề ra các giải pháp quyết liệt triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chính phủ xác định một trong những trọng tâm chỉ đạo điều hành là “đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi”. Tiếp đó, như thông lệ, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nếu làm tốt sẽ là gói hỗ trợ quý nhất cho cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp sớm phục hồi thì nền kinh tế sẽ nhanh chóng khỏe mạnh trở lại và đủ sức chống chịu với những rủi ro.
Vấn đề là các cải cách phải thực chất và triệt để! Chẳng hạn, tất cả cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương cần chấp thuận các hồ sơ, văn bản scan, các hình thức gửi trực tuyến (online) trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.
Hiện nay, một số loại hình thủ tục vẫn chưa chấp nhận nộp hồ sơ trực tuyến hay sử dụng chữ ký điện tử, chữ ký số trong quá trình đăng ký và phê duyệt; một số thủ tục nộp hồ sơ đăng ký và xin phê duyệt vẫn đòi hỏi phải nộp bản gốc bằng văn bản… gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Các điều kiện kinh doanh không cần thiết phải được cắt bỏ “tận gốc” và chất lượng, tránh cắt chỗ này lại cài cắm vào chỗ khác.
Mọi thay đổi trong khâu quản lý Nhà nước theo hướng số hóa, hiện đại hơn phải có lộ trình cụ thể và thời điểm thích hợp, không đẩy doanh nghiệp và người dân vào cảnh “trở tay không kịp” như chuyện hóa đơn điện tử mới đây…
Nếu như dồn sức cho “hạ tầng cứng” sẽ mang lại điểm phầm trăm tăng trưởng trong ngắn hạn thì ưu tiên cho “hạ tầng mềm” sẽ giúp đất nước có được tăng trưởng bền vững. Vấn đề là chúng ta có tận dụng được cơ hội này hay không, đặc biệt khi ở thời điểm hiện tại chúng ta không còn thời gian để lãng phí!