Quá nhiều ưu đãi
Theo Giấy chứng nhận đầu tư số 5755278826 ngày 25/9/2015 của Ban QLCKCN Đắk Nông (chứng nhận thay đổi lần 01), Cty TNHH luyện kim Trần Hồng Quân được Sở KH&ĐT Đắk Nông đăng ký cấp mã số doanh nghiệp lần đầu vào ngày 22/4/2013 và thay đổi lần thứ 2 vào ngày 9/10/2014. Được đăng ký điều chỉnh quy mô, diện tích sử dụng, tăng vốn đầu tư và bổ sung ưu đãi đầu tư của dự án.
Theo đó, dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông có mục tiêu: sản xuất kim loại màu và kim loại quý; sản xuất nhôm từ Alumin; sản xuất nhôm từ tinh chế điện phân chất thải nhôm và kim loại vụn; sản xuất hợp kim nhôm; sản xuất o xít nhôm; sơ chế nhôm. Công suất dự án 450.000 tấn sản phẩm/năm; Xưởng luyện nhôm 73.600 m2; xưởng gia công thiết bị là 18.000 m2…. Diện tích sử dụng đất là 128 ha (đã bao gồm hồ nước 27 ha).
Tổng vốn đầu tư dự án là 15.480 tỉ đồng, tương đương với 688 triệu USD mỹ. Trong đó vốn tự có là 3.096 tỉ đồng chiếm 20% tổng mức đầu tư dự án, vốn vay là 12.384 tỉ đồng chiếm 80% tổng mức đầu tư dự án. Thời gian hoạt động dự án là 69 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Tiến độ thực hiện xây dựng nhà máy được thực hiện 3 phân kỳ đầu tư trong 4 năm. Phân kỳ 1 thời gian thực hiện trong 2 năm 2015 và 2016 với công suất 150.000 tấn sản phẩm/năm; phân kỳ 2 có thời gian thực hiện trong năm 2017 với công suất tổng cộng 300.000 tấn sản phẩm/năm; phân kỳ 3 thời gian thực hiện trong năm 2018 hoàn thiện tổng công suất thiết kế 450.000 tấn sản phẩm/năm.
Theo Giấy chứng nhận đầu tư nêu trên, dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư. Theo đó thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế; Giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; Áp dụng mức thuế suất 10% trong 30 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế.
Về thuế nhập khẩu, dự án được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; Được miễn tiền thuê đất, sử dụng đất có hạ tầng trong suốt thời gian được giao và cho thuê đất; Được miễn tiền thuê mặt nước sử dụng mặt nước để phục vụ giai đoạn thi công xây dựng và giai đoạn vận hành dự án.
Được đầu tư xây dựng các hạng mục trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp; Nhà nước hỗ trợ từ ngân sách Trung ương đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào, đường giao thông từ quốc lộ vào nhà máy. Tỉnh Đắk Nông hỗ trợ đầu tư các hạng mục trong hàng rào nhà máy theo chính sách hiện hành của tỉnh và khả năng hỗ trợ của địa phương (bao gồm nhà ở công nhân viên, nhà ăn, trạm y tế, khu thể thao cho công nhân).
Đặc biệt về đầu tư điện và giá điện thì EVN chịu trách nhiệm đầu tư đồng bộ lưới điện mạch vòng 220 KV đến điểm đấu nối trạm biến áp của nhà máy. Được áp dụng giá điện là 1.052 đồng/kw (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 5,0 cen /kwh) trong 10 năm đầu kể từ thời điểm nhà máy điện phân nhôm đưa vào hoạt động. Giá bán điện được điều chỉnh theo biến động của tỉ giá đồng/USD. Sau giai đoạn trên, giá điện sẽ áp dụng theo nguyên tắc giá thị trường có tính đến đặc thù của công nghiệp điện phân nhôm.
Về công nghệ cao, công nghệ mới dự án được hưởng các ưu đãi theo quyết định 2457 của Chính phủ về việc phê duyệt chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020. Trong đó có ưu đãi được vay tối đa 85% vốn tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, được chương trình hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong thời hạn 5 năm.
Và câu chuyện chậm tiến độ
Như trên đã phân tích, tiến độ thực hiện xây dựng nhà máy điện phân nhôm này được thực hiện 3 phân kỳ đầu tư trong 4 năm. Phân kỳ 1 thời gian thực hiện trong 2 năm 2015 và 2016 với công suất 150.000 tấn sản phẩm/năm; phân kỳ 2 có thời gian thực hiện trong năm 2017 với công suất tổng cộng 300.000 tấn sản phẩm/năm; phân kỳ 3 thời gian thực hiện trong năm 2018 hoàn thiện tổng công suất thiết kế 450.000 tấn sản phẩm/năm. Nhưng thực tế đến nay dự án này chậm tiến độ, chưa thể đi vào hoạt động.
Những cột điện cao thế liệu có mang lại nguồn hỗ trợ "quá khủng" cho nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông |
Làm việc với phóng viên (ngày 12/10/2017), ông Lê Văn Thị - Chủ tịch UBND huyện Đắk R” Lấp, tỉnh Đắk Nông cho biết chính quyền cơ sở rất kỳ vọng vào dự án này. Khi đi vào hoạt động nó sẽ tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, nâng cao đời sống xã hội.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND huyện Đắk R” Lấp thì dự án này đang bị chậm tiến độ, mới đạt khoảng hơn 60% khối lượng, dự kiến phải đến cuối năm 2018 mới đưa lò điện phân đầu tiên vào hoạt động, cuối năm 2019 sẽ hoạt động chính thức.
Khi được hỏi về mức đóng góp dự kiến cho thu ngân sách địa phương, về dự kiến việc sử dụng lao động lao động địa phương khi nhà máy này hoạt động như thế nào, Chủ tịch UBND huyện Đắk R” Lấp ông Lê Văn Thị cho biết: Do nhà máy chưa đi vào vận hành nên chưa có con số cụ thể.
Về việc vì sao dự án này của doanh nghiệp tư nhân nhận được ưu đãi khủng về đầu tư, tiêu chí như thế nào thì được nhận ưu đãi đầu tư đặc biệt? Chủ tịch UBND huyện Đắk R” Lấp nói rằng cái này có những tiêu chí cụ thể, và trên tỉnh nắm.
Còn theo ông Lê Hoàng - Phó Ban QLCKCN tỉnh Đắk Nông cho biết, dự án cuối năm 2018 đưa vào vận hành là khó khả thi bởi việc đầu tư đường vào dự án đang thiếu vốn và do thời tiết thất thường làm chậm tiến độ.
Được biết, để tạo “điều kiện” cho dự án Nhà máy điện phân nhôm Trần Hồng Quân, UBND tỉnh Đắk Nông giao cho Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh này làm chủ đầu tư dự án xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ cho dự án. Tổng kinh phí thực hiện dự án ban đầu là gần 1.658 tỉ đồng, sau điều chỉnh xuống còn 993 tỉ đồng, vốn trung ương hỗ trợ 875 tỉ, còn lại là ngân sách địa phương.
Liên quan đến việc hỗ trợ giá điện cho dự án này, thông tin trên tờ dantri.com.vn ngày 5/3/2016 cho biết đã viện dẫn nguồn tin từ cán bộ giấu tên tại Bộ Công thương cho biết do dự án chế biến alumin Nhân Cơ (Lâm Đồng) vẫn lỗ theo kế hoạch dự kiến là từ 4-5 năm, thời gian thu hồi vốn kéo dài từ 11-12 năm nên Bộ Công thương tính toán, đề nghị Chính phủ hỗ trợ bù lỗ giá điện cho dự án Nhà máy điện phân nhôm của Cty TNHH Trần Hồng Quân khoảng 490 tỉ đồng/năm.
“Bộ tính toán đề nghị Chính phủ hỗ trợ giá điện cho nhà máy này là 5 cent (Mỹ)/kWh nhưng với mức giá điện như hiện nay (khoảng 7 cent/kWh) và còn có thể tăng đến 9 cent/kWh theo lộ trình và Quy hoạch phát triển điện VII tính trên mức tiêu hao điện của nhà máy này thì mức hỗ trợ có thể lên tới 120 triệu USD/năm. Và trong 10 năm dự kiến được trợ cấp (2016-2025), số tiền hỗ trợ là rất lớn. Số tiền hỗ trợ có thể lên đến 1,2 tỉ USD trong giai đoạn này”- báo dantri.com.vn thông tin. Đây quả là một khoản hỗ trợ “quá khủng” cho một dự án của doanh nghiệp tư nhân (?)