Vụ cướp tiệm vàng hy hữu
Khoảng 6 giờ sáng 1/8/2014, Lê Thị Cương (SN 1986, Thành Đông, Bình Tân, Vĩnh Long) tìm ra chợ Tân Lược rồi đi quanh một vòng. Tới khi đứng trước của hiệu vàng Thanh Thủy, Cương hơi tần ngần nhưng rồi cũng quyết định ra tay.
Vào tiệm, Cương hỏi mua 1 sợi dây chuyền 3 chỉ cùng với mặt dây chuyền hình trái tim (tổng trọng lượng 3,5 chỉ vàng 24k). Lợi dụng khi gia chủ quay đi tính tiền, Cương bất ngờ giật vàng, bỏ chạy.
Trước hành vi quá đường đột của Cương, chủ cửa hàng sau vài giây bất thần vội vàng tri hô. Không may cho thủ phạm, chỉ vài phút sau, trước sự truy hô của chủ nhà, đông đảo người dân xung quanh đã lao tới khống chế được đối tượng và giao cho cơ quan chức năng.
Tại cơ quan điều tra, Cương khai nhận nhiều ngày trước khi đi cướp, Cương tình cờ gặp và nói chuyện với một phụ nữ hành nghề “thầy bói dạo”.
Qua tiếp xúc, bà này không những thể hiện tài năng “xem thấu quá khứ, dự đoán tương lai” khiến Cương tin “sái cổ”. Khi “thầy bói” “quảng cáo” mình có một loại bùa chú có sức mạnh “tàng hình”, khi đốt lấy tro uống và có khả năng thôi miên, sai khiến được bất kỳ người nào dù chỉ gặp lần đầu, Cương vội vớ lấy.
Trước đó đã từng nghe nhiều vụ việc dùng bùa chú thôi miên tương tự xảy ra nên Cương tin lời bà thầy bói là thật và dùng số tiền 150 nghìn đồng mua một lá bùa, đồng thời không quên cảm ơn bà thầy bói đã tận tình giúp đỡ. Cương mang lá bùa về nhà cất giữ, chưa vội dùng.
Đến lúc túng quẫn, lại thêm buồn chuyện gia đình, không biết xoay xở đâu ra tiền, Cương đốt bùa lấy tro pha với nước uống theo lời căn dặn rồi tìm đến tiệm vàng để… thử nghiệm “độ linh” rồi bị bắt.
Túng thiếu hóa làm liều
Sau khi sự việc xảy ra, nhiều người dân biết mặt Cương không khỏi bất ngờ bởi cô ta trước đây hiền lành, sống chan hòa với xóm giềng, tuy gia đình nghèo nhưng không tham lam của ai.
|
Cương tại cơ quan điều tra. |
Lúc bị bắt giam, Cương khóc lóc, tỏ ra hối lỗi và khai rành rõ sự việc. Từ nhỏ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Cương học chưa hết lớp 1, không biết đọc và chỉ biết viết mỗi tên của mình.
Lớn lên, Cương lấy chồng. Không có đất canh tác, vợ chồng Cương đi trồng khoai lang thuê cho những hộ dân khác tại địa phương cũng chỉ đủ ăn.
Sau khi có 2 người con nhỏ, chi tiêu ngày càng nhiều hơn khiến kinh tế của vợ chồng Cương càng thêm bế tắc.
Cuối năm 2013, gia đình Cương được chính quyền địa phương xét hỗ trợ 30 triệu đồng xây nhà tình thương, niềm vui chưa được bao lâu thì người chồng trở chứng không chịu đi làm, sa đà vào nhậu nhẹt. Trước những mâu thuẫn trong gia đình, nhiều lần Cương đe dọa sẽ ly thân, về nhà cha mẹ ruột mình để sống.
Tưởng đó chỉ là lời nói miệng nhưng cuối tháng 7/2014, Cương bị chồng hành hung nên đã tức giận uống một lượng lớn thuốc ngừa thai nhằm quyên sinh nhưng không chết.
Sau lần tự tử không thành, Cương quyết định bỏ chồng con về nhà mẹ ruột. Gia đình đang tính chuyện làm lành cho hai vợ chồng đứa con gái thì không may xảy ra cơ sự. Theo lời người mẹ, việc Cương đi cướp vàng này cũng có thể là do hoàn cảnh quá túng thiếu nên làm liều.
“Nó lấy chồng được khoảng chục năm nay nhưng cuộc sống nghèo khổ lắm. Suốt ngày hai vợ chồng phải đi làm thuê, làm mướn cho người ta.
Cảnh sống đã cực, nay ốm mai đau lại có hai đứa con nhỏ, đứa đầu lòng sắp vào học lớp 1, cùng với đó là những bệnh tật, vết thương do bị chồng bạo hành, có lẽ vì vậy mà con tôi nghĩ quẩn rồi làm bậy” - Mẹ Cương chua xót kể.
Những người của Cương cũng cho biết đã nhiều lần Cương tâm sự chuyện hỏi mượn tiền mua sách vở, áo quần cho con đi học, rồi đi khám vùng đầu bị đau nhức. Nhưng lúc đó, gia đình cũng rất khó khăn, không có tiền cho con mượn, bản thân Cương lại không có việc làm tạo thu nhập.
“Chắc vì thế nên cháu tôi mới đi cướp của người ta là vậy, chứ bình thường nó hiền lành, không dám làm chuyện gì thất đức cả” - Bà nội của Cương nghẹn ngào.
Từ ngày Cương xảy ra cơ sự, gia đình cô không dám đi ra ngoài vì sợ bị nhìn ngó, bàn tán. Phía nhà chồng của Cương cũng vậy, cả ngày đóng cửa im lìm, chồng của thị cũng xin nghỉ việc suốt mấy ngày để ở nhà trông con.
“Nhiều lúc, mấy đứa con khóc lóc đòi mẹ, gia đình chỉ dám nói là nó đi làm xa chưa về chứ nào dám bảo mẹ chúng đang bị công an giữ. Sau này không biết nó sẽ bị xử ra sao, ai sẽ lo cho các cháu của tôi” - Bà nội Cương bộc bạch.
Tháng 11/2014, TAND huyện Bình Tân đã đưa vụ án ra xét xử lưu động tại UBND xã Thành Đông và tuyên phạt bị cáo Lê Thị Cương một năm tù tội “Cướp giật tài sản”.
Vụ án khá hi hữu nên phiên tòa có nhiều người “hiếu kỳ” đến xem để tận mắt nhìn “người tàng hình” đi cướp tiệm vàng. Sự việc cũng là lời răn đe chung cho những người dân mê tín, tin điều xằng bậy...
Theo baophapluat.vn