'Uốn cong' sông để ngừa lũ

GD&TĐ - Trong nhiều thế kỉ, những dòng sông quanh co đã được 'nắn thẳng' để dành chỗ cho các công trình của loài người.

Một khúc sông Swindale Beck, Vương quốc Anh.
Một khúc sông Swindale Beck, Vương quốc Anh.

Trong nhiều thế kỉ, những dòng sông quanh co đã được “nắn thẳng” để dành chỗ cho các công trình của loài người. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo đường cong của sông có thể giúp ngăn ngừa lũ lụt và xây dựng môi trường sống lành mạnh cho động vật hoang dã.

Biến sông thẳng thành cong

Một dòng sông “khỏe mạnh” cần phải khúc khuỷu, chảy tự do và có đầy động vật hoang dã. Tuy nhiên, ở Anh, 97% các con sông bị chia cắt bởi những rào chắn nhân tạo như đập nước. Ước tính hiện nay, cứ 1,5 km suối thì có ít nhất một rào chắn. Qua nhiều thập kỉ, sông ngòi dần trở thành dòng kênh, bị nắn thẳng bởi các hoạt động nhân tạo để ngăn ngập lụt cho đất nông nghiệp, trang trại và nhà dân.

Loại bỏ những khúc quanh tự nhiên của sông trái ngược với tính toán của con người đã mang lại hiệu ứng tiêu cực. Các đường thẳng làm gián đoạn dòng chảy của sông và làm suy thoái môi trường sống dưới nước, chất lượng nước và tăng nguy cơ xảy ra lũ lụt.

Hiện nay, “sức khỏe” của các con sông ở Anh nói riêng và châu Âu ngày càng kém đi do động vật hoang dã suy giảm, ô nhiễm nước thải và dòng chảy nông nghiệp. Vì vậy, nhiều cộng đồng đang tìm kiếm giải pháp tự nhiên để khôi phục hình dạng sông.

Một số con sông được cải tạo bằng các kĩ thuật quản lý lũ lụt tự nhiên (NFM) như xây đập gỗ, trồng cây và dựng chuồng hải ly. Ý tưởng khác là thêm những khúc cong vào hệ thống sông ngòi và phụ lưu.

Trên khắp thế giới, từ Hà Lan, Mỹ và Anh, các con sông đang được uốn cong trở lại để quay về dòng chảy ban đầu. Tại Anh, nhà chức trách bắt đầu thu về thành quả khi chim, cá và động vật không xương sống quay lại những con sông ở Cumbria và Tây Sussex.

Đơn cử, Swindale Beck, con sông nằm ở Cumbria, nằm ở trung tâm Quận Hồ (Anh) uốn lượn qua các cánh đồng, đất nông nghiệp và thung lũng. Tuy nhiên, trước đây dòng chảy của sông có hình dạng thẳng hơn nhiều.

Cách đây 200 năm, Swindale Beck được nắn thẳng để tạo thêm không gian cho đất nông nghiệp nhưng kể từ năm 2016, Hội Bảo vệ Chim Hoàng gia (RSPB) đã tiến hành hoàn tác và khôi phục dòng sông về trạng thái tự nhiên. Mục tiêu của chương trình là tạo ra nhiều môi trường sống, cấu trúc và hình thái đa dạng hơn.

Ông Glen Swainsn, quản lý khu vực Wild Haweswater, RSPB, cho biết: “Dòng sông lý tưởng có hình dạng rất hỗn loạn, lộn xộn, có những ghềnh nước chảy qua”.

Sau khi nghiên cứu thung lũng để xác định vị trí dòng chảy ban đầu, RSBP đã thành lập một đội đào đất để tái định hình và tạo ra lòng sông mới. Dự án là kết quả phối hợp giữa RSBP, Cơ quan Môi trường, Natural England và Công ty nước United Utilities với chi phí hơn 260 nghìn USD để làm lại đoạn sông dài một km.

Đầu tiên, các nhà khoa học nghiên cứu khu vực để lập bản đồ dòng chảy ban đầu của dòng sông, sau đó thuê một đội thợ đào đất sao cho giống nhất với mô hình cũ. Hiện nay, Swindale Beck dài hơn khoảng 180m so với phiên bản bị nắn thẳng bởi các hoạt động nhân tạo trong hơn 2 thập kỷ qua.

Khi dòng chảy chậm lại, sông Swindale Beck xuất hiện những xoáy nước sâu, là môi trường sống lí tưởng cho nhiều loài cá như cá hồi. Ngoài ra, sông có khả năng tự làm sạch vì các khúc quanh giúp lắng đọng phù sa ở hai bên bờ, tạo điều kiện sống lí tưởng cho nhiều loài sinh vật.

uon-cong-song-de-ngua-lu-6270.jpg
Các khúc quanh giúp giảm tốc độ dòng chảy và lưu lượng nước sông.

Giải quyết bài toán lũ lụt

Theo Tom Hayek, chuyên gia quản lý lũ lụt tự nhiên tại tổ chức thiên nhiên Wildfowl and Wetlands Trust (WWT), việc bổ sung các khúc quanh vào sông có hai tác dụng là thay đổi tốc độ dòng chảy và lưu lượng nước. Đầu tiên, nó làm giảm lượng nước sông di chuyển từ thượng nguồn xuống hạ lưu.

“Khi chiều dài con sông tăng lên, nước trải đều trên khu vực rộng hơn, cho phép nhiều nước nằm ở thượng nguồn hơn thay vì dồn vào thành thị ở hạ lưu sông”, ông Tom giải thích.

Tác động thứ hai là về tốc độ. Nói một cách đơn giản, khi hình thái của một con sông có nhiều dạng cấu trúc thì nước sẽ chảy chậm hơn. Nếu dòng sông là một đường thẳng, nước sẽ chảy ào qua.

“Tốc độ và lưu lượng tăng dần khi các nhánh sông đổ vào có nghĩa là tại một thời điểm nào đó, con sông không có khả năng chứa hết nước và gây ra ngập lụt”, ông Tom nói.

Trước đây, người ta thường nạo vét sông để tăng khả năng ứng phó lũ lụt nhưng theo ông Tom, điều này không giúp ngăn chặn được gốc rễ của vấn đề. Thay vào đó, các chuyên gia đang chuyển sang các kỹ thuật quản lý lũ lụt tự nhiên để giải cứu những khu vực đồng bằng có nguy cơ ngập lụt cao.

Các nhà khoa học cảnh báo, tình trạng độ ẩm trong không khí cao hơn vì biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến lượng mưa tăng và lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn ở một số khu vực tại châu Âu. Đơn cử, hồi tháng 9, nhiều nước châu Âu như Áo, Ba Lan, Cộng hòa Séc và Romania phải đối mặt với những trận lũ lụt để lại hậu quả tàn khốc. Hơn 20 người chết và hàng nghìn người phải sơ tán.

Theo các chuyên gia, việc khôi phục các con sông về hình thái tự nhiên, dỡ bỏ các con đập và quản lý vùng đồng bằng ngập lụt có thể giúp con người đối phó với nguy cơ lũ lụt cao hơn. Nhiều dự án khôi phục đang được lên kế hoạch hoặc đang tiến hành khắp châu Âu.

Nhu cầu phục hồi hình thái sông bắt nguồn từ tình trạng biến đổi khí hậu gây thay đổi thời tiết, trong đó lũ lụt xảy ra nhiều và gây thiệt hại nghiêm trọng hơn.

Việc khôi phục hình thái sông giúp giảm tác động của những trận lũ lụt nhỏ nhưng các chuyên gia lo ngại nó chưa đủ hiệu quả để ngăn chặn những trận lũ cực đoan, như trận lũ quét qua Ba Lan hồi tháng 9 khiến 40 nghìn người phải di tản. Vì vậy, chúng ta cần kết hợp bổ sung nhiều giải pháp, trong đó cần làm chậm quá trình biến đổi khí hậu đang ngày một khắc nghiệt.

Theo BBC

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ