Mong ước cuối cùng
Chúng tôi trở lại ngôi nhà của Nga 4 năm sau khi cô tình nguyện hiến giác mạc. Quyết định có phần “lạ kỳ” của cô ngày ấy vẫn được bà con kể cho nhau nghe với sự xúc động và lòng khâm phục.
Quan niệm “chết phải toàn thây” đã ăn sâu vào suy nghĩ, tập quán của người dân. Chưa hết, họ thêu dệt câu chuyện rằng hiến giác mạc nghĩa là để bác sĩ đến “khoét mắt” người đã khuất mang đi. Bởi vậy, sự kiện Nguyễn Thị Nga tình nguyện viết đơn hiến giác mạc sau khi qua đời đã làm dậy sóng dư luận.
Bà Vũ Thị Dụ, 54 tuổi, vừa ngắm di ảnh của con vừa sụt sùi kể: “Hồi đó, gia đình tôi kịch liệt phản đối quyết định hiến giác mạc của Nga. Sau này, được nhiều người “khai sáng” chúng tôi mới thấy thực sự tự hào về con gái của mình. Vì bệnh tật mà em nó vĩnh viễn ra đi nhưng sự ra đi ấy vẫn không hề vô ích. Em đã giúp một người mù tìm lại được ánh sáng của mình”.
Ngày con gái mất, búa rìu dư luận đổ dồn đến tổ ấm bé nhỏ của bà. Người ta bảo rằng, gia đình bà đang tâm để con gái về thế giới bên kia mà chẳng được toàn vẹn. Họ nói rằng đó là hành động đi ngược với lương tri, thuần phong mĩ tục của người Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Xuân, bố của Nga ngồi bên cạnh - nói tiếp: “Đó là những ngày chúng tôi phải gồng mình trước sức ép dư luận. Vợ chồng chúng tôi cũng vì thực hiện ước nguyện của đứa con gái, chứ cha mẹ nào mà chả thương con như đứt từng khúc ruột”.
Chia sẻ với Báo GD&TĐ chiều 1/11, ông Nguyễn Hữu Hoàng - Giám đốc Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương nhấn mạnh, hành động hiến giác mạc của Nguyễn Thị Nga là trường hợp tiêu biểu huyện Tứ Kỳ và tỉnh Hải Dương khi đó. Nó đã tạo thành phong trào hiến giác mạc rộng khắp ở tỉnh Hải Dương.
Ngày bắt đầu vào THCS, Nga thường xuyên thấy chân mình bị tê, đôi lúc không đi được. Sức khỏe ngày càng thuyên giảm, đi lại càng trở nên khó khăn. Học đến lớp 9, do bệnh nặng, em đành phải xin nghỉ học. Gia đình đưa đi khám tại Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ kết luận Nga bị u tuỷ sống do 7 đốt sống cổ cùng thắt lại một chỗ.
Sau phẫu thuật, Nga bị liệt hoàn toàn, nằm bất động với những cơn đau và co giật hằng ngày kéo dài trong 10 năm trời. Những người sống gần nhà Nga kể rằng, cứ đêm đến, họ lại nghe thấy những tiếng khóc, rên vẳng ra từ căn nhà của bà Dụ. Nga bảo với mẹ, những lúc như vậy, em thấy như có trăm nghìn mũi kim đâm vào cơ thể mình.
Bà Dụ còn nhớ như in những tháng ngày mẹ con dựa vào nhau mà sống. Có lần, nâng con dậy nhưng do sức yếu, cả bà và con gái cùng ngã. Hai mẹ con chỉ biết ôm nhau mà khóc. Thương con gái chịu nhiều đau đớn, có lần bà Dụ toan tìm đến cái chết để tự giải thoát bản thân. Lúc ấy, chính Nga là người động viên, chia sẻ với bà. Cô bảo tâm nguyện của mình là được nhìn thấy cha, mẹ khỏe mạnh trước khi nhắm mắt.
Năm 2008, tình cờ xem truyền hình khi đang nằm điều trị, Nga biết đến chương trình hiến giác mạc do Ngân hàng Mắt Trung ương khởi xướng. Dù đang mang trọng bệnh nhưng Nga thấy mình may mắn khi vẫn được nhìn thấy ánh sáng. Niềm thương cảm dâng lên, cô nảy ra ý định sẽ hiến giác mạc.
Một năm sau, khi nhìn thấy dòng máu trào ra từ chiếc ống xông, Nga nghĩ mình sẽ chẳng còn sống được bao lâu nữa. Em liền nói hết với mẹ ý định của mình. Nghe lời con, bà Dụ như bầm gan, tím ruột, nghẹn ngào: “Con ơi đừng làm mẹ sợ, trên đời này làm gì có ai đi hiến giác mạc cho người khác bao giờ”.
Nga bình tâm giải thích cho mẹ hiểu những gì cô “giác ngộ” được trong những tháng ngày nằm chữa bệnh. Dù nghe con nói có lí nhưng vợ chồng bà Dụ vẫn một mực phản đối. Ông bà không đành lòng nhìn đứa con gái do mình dứt ruột đẻ ra khi chết đi lại bị khuyết một phần cơ thể được.
Thương con, hai vợ chồng bà Dụ quyết định đưa chuyện “tày trời” này ra bàn bạc với họ mạc. Lần đầu, không ai đồng ý, nhất là ông ngoại của Nga. “Con ơi, xưa nay, dù sống nghèo khó nhưng chết đi thì thế nào cũng phải đầy đủ, tươm tất. Sao con nỡ để người ta đến khoét mắt mình mang đi, như thế thì tang thương lắm”, ông phân tích.
Không nản, Nga tiếp tục chia sẻ ý định của mình và tận dụng mọi cơ hội để thuyết phục gia đình. Cuối cùng thì mọi người cũng chiều theo ý nguyện của Nga. Bà Dụ là người trực tiếp liên lạc với Bệnh viện Mắt Trung ương. Ít ngày sau đó, gia đình nhận được thư cảm ơn của bệnh viện. Nga trở thành người đầu tiên của tỉnh Hải Dương tự nguyện hiến giác mạc.
|
Ánh sáng diệu kỳ
Trong chiếc hòm đựng đầy kỉ vật của con gái, bà Dụ nâng niu từng vạt áo và lau đi lau lại những bức ảnh của Nga. Bà nói trong nghẹn ngào: “Đó là một ngày thật nặng nề với gia đình chúng tôi. Hôm ấy, biết tin Nga mất, giữa đêm khuya thanh vắng, các chuyên gia Ngân hàng Mắt Trung ương đến lấy giác mạc. Họ thực hiện rất nhanh. Quả thực nếu không kịp lấy giác mạc, hoàn thành tâm nguyện của cháu, vợ chồng tôi ân hận cả đời”.
Sau lễ cúng tuần, Ngân hàng Mắt Trung ương đã cử đoàn công tác về gia đình ông bà Xuân - Dụ để tổ chức lễ vinh danh việc làm hiếu nghĩa của Nga. Từ đó, nhiều người mới hiểu ra được sự hy sinh của cô gái trẻ là không hề vô ích.
Ông Xuân lặng lẽ nhìn lên di ảnh của con gái: “Trước khi mất, Nga có ba ý nguyện: Hiến giác mạc cho Ngân hàng Mắt Trung ương; Được hỏa táng và gia đình được gặp người nhận giác mạc. Đến nay, ý nguyện thứ ba của cháu, gia đình chưa thực hiện được vì đó là quy định của Ngân hàng Mắt. Dù sao thì con gái chúng tôi cũng được mỉm cười dưới suối vàng. Đôi mắt của em nó sẽ giúp người khác nhìn thấy ánh sáng”.
Còn bà Dụ khẽ gạt nước mắt: “Tôi không thể gặp lại con gái trong cõi đời này thêm một lần nào nữa. Nó đã ra đi vĩnh viễn. Có đêm, tôi mơ thấy nó về, đặc biệt là đôi mắt trong trẻo và sáng lạ kì ấy cứ nhìn tôi mãi. Tôi thầm cầu mong cho người nào may mắn nhận được giác mạc của Nga sẽ nâng niu đôi mắt như nâng niu cuộc đời mình. Một ngày nào đó, khi ra ngoài đường, có thể tôi sẽ gặp một ai đó, nhìn tôi và mỉm cười. Biết đâu đôi mắt ấy có được ánh sáng nhờ giác mạc của con gái tôi”.