Bất ngờ trước mẹ
Giữa khu vườn “Mặt nạ”, một người đàn ông tên Joel(*) đến từ Thụy Điển đã chia sẻ câu chuyện “bỏ mặt nạ” của mình đầy… hạnh phúc.
Hạnh phúc vì anh đã từng biết mình là người song tính khi mới 9, 10 tuổi. Nhưng anh đã không chia sẻ với bất kỳ ai cho đến tận năm 28 tuổi. Và người đầu tiên anh nói chính là với mẹ.
Anh bảo rằng, anh từng tưởng tượng, bà sẽ tức giận mà la lên. Bà sẽ truy vấn, thắc mắc. Thậm chí bà sẽ khóc lóc kêu than...
“Thế nhưng, tôi đã bất ngờ khi bà không hề đáng sợ như tôi đã từng nghĩ. Bạn có biết khi nghe tôi nói, bà đã phản ứng như thế nào không? Bà nhìn tôi với ánh mắt đượm buồn nhưng tin tưởng rồi nói: “Mẹ biết”. Câu nói của mẹ làm tôi vỡ òa biết bao niềm hạnh phúc. Với tôi, chỉ cần như thế là đủ” - anh Joel nói.
Những chia sẻ của Joel đã khiến nhiều người “ồ”, “à” và thốt lên: “Joel thật may mắn”. Thế nhưng, rõ ràng, là người Thụy Điển, sinh ra và lớn lên ở trời Tây – phương trời có những quan niệm cởi mở về giới vậy mà Joel vẫn phải “giấu mình” với xã hội suốt mười mấy năm và mang một tâm lý đầy lo lắng như thế khi bộc bạch với mẹ mình.
Điều đó chứng tỏ rằng, những người trong cộng đồng LGBT dù là người Tây hay ta luôn mang những gánh nặng tâm lý khi muốn được là chính mình, ngay cả với gia đình, với những người thân.
“Bố mẹ kệ thì tôi cũng… kệ”
Quân (Hà Nội) lại bảo rằng lúc Quân chia sẻ với phụ huynh về giới tính thật của mình thì thay vì những bực dọc, bức xúc, ngỡ ngàng... thường thấy, phụ huynh của anh đã... kệ.
Nhận được tín hiệu “kệ” ấy, Quân cũng liền: “Bố mẹ kệ thì tôi cũng… kệ thôi”. Rồi Quân cười rất thoải mái phỏng đoán: “Nhà tôi có 4 anh em trai nên tôi nghĩ bố mẹ không quan tâm đến chuyện đó lắm chăng?”. Và, chính nhờ điều đó mà Quân thấy mình “khỏe re chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, bao giờ chuyện gì đến cần nghĩ thì tôi nghĩ thôi…”.
Câu chuyện của Quân đã gợi nhắc đến quan niệm về con trai, con gái vốn đã ăn sâu trong đời sống gia đình Việt. Đấy là, nếu Quân là con trai duy nhất trong gia đình thì chắc chắn rằng câu trả lời của bố mẹ sẽ khác.
Chẳng hạn như Tuấn (Đà Nẵng) đã kể, phụ huynh của Tuấn gần như “sốc” khi khó khăn lắm anh mới có thể nói thật giới tính của mình với bố mẹ. Đấy là thời điểm đặc biệt - Tuấn ly hôn vợ - người vợ Tuấn nhắm mắt lấy theo ý muốn của cha mẹ để có con nối dõi tông đường nhưng cuối cùng anh thấy mình đã sai nên cần phải “giải phóng” cho người phụ nữ ấy.
Thế nhưng, trong hoàn cảnh đặc biệt đó, bố mẹ Tuấn vẫn không chấp nhận sự thật, vẫn một mực khăng khăng đấy là Tuấn tưởng tượng ra. Dẫn chứng họ đưa ra rất... xác thực: Rõ ràng Tuấn có dáng mạo bên ngoài cao to, đẹp trai, chuẩn “men” đấy thôi? Vậy nên làm gì có chuyện đó và nếu cô vợ kia không hợp thì họ sẽ kiếm cho Tuấn cô vợ khác xinh đẹp hơn, trẻ trung hơn…
“Tôi đã nói thật với bố mẹ nhưng bố mẹ tôi không chấp nhận sự thật ấy trong một thời gian dài. Bao nhiêu mối lái được tiếp tục. Tôi đã rất mệt, rất buồn và rất thương bố mẹ… mà không biết mình phải làm thế nào nữa” - Tuấn nói.
Sự thật là thế sao?
Ở Việt Nam, dường như rào cản về xã hội để cộng đồng LGBT “được là chính mình” ngày càng rộng mở. Thế nhưng, điều rất “ngược đời” là người LGBT có thể công khai ngoài xã hội song vô cùng khó khăn để nói thật với cha mẹ, họ hàng.
Với Thu, một du học sinh ở Singapore, cô đã chọn cách nói thật về giới tính của mình với mẹ qua… email khi đang ở Singapore. “Lúc trả lời email mẹ đã không nói quá nhiều nhưng mà đến khi về nhà, nghe mẹ tâm sự tôi mới biết rằng đó đã là một trong hai khoảnh khắc tồi tệ nhất mà mẹ từng trải qua. Nhưng tớ vẫn luôn tin vào việc mình cố gắng thì sẽ được thôi” - Thu giữ vững niềm lạc quan.
Vì sao đây? Theo các chuyên gia về giới thì đây là rào cản về quan niệm nhất nhất rằng: Đã được cha mẹ sinh ra mang hình hài nam hoặc nữ thì ắt sẽ là nam hoặc nữ chứ không thể khác được.
Và đặc biệt là rào cản đạo đức gia đình, dòng họ, có khi bậc làm cha, làm mẹ biết rõ đấy là mười mươi sự thực nhưng họ không thể chấp nhận vì sợ tiếng người đời cười chê, chế diễu, coi thường…
“Giục cô con gái lấy chồng mà nó không chịu lấy. Cuối cùng, nó nói với tôi nó là pê đê. Tôi nghe như tiếng sét đánh ngang tai. Quả là, tôi thấy lúc mười lăm, mười sáu nó có những biểu hiện rất khác: Không để tóc dài mà cắt tém, toàn mặc đồ con trai. Nhưng tôi lại nghĩ nó cá tính, nó mạnh mẽ… Ai ngờ.
Vì vậy, tôi đã tức giận, buồn tủi than trời trách đất. Tôi lo lắng ngó nhìn sang dòng họ, ra ngoài làng ngoài xóm để tưởng tượng nếu mọi người biết chuyện này thì sao đây? Tôi chẳng còn mặt mũi nào mà nhìn mọi người nữa.
Khi bị gia đình phản đối, nó đã bỏ nhà ra thành phố, hiếm lắm nó mới về… Chẳng lẽ sự thật là như thế sao, chúng tôi phải chấp nhận sự thật đó sao?” - Bà Bình (Thanh Hóa) chia sẻ câu chuyện về đứa “con gái” của mình trong nước mắt.
Ngày mỗi ngày có biết bao đứa trẻ được sinh ra. Và trong số đó sẽ có những đứa trẻ mang giới tính thứ ba mà những bậc sinh thành không biết, không hay. Vậy nên đời này tiếp đời sau cộng đồng LGBT luôn tồn tại.
Chỉ có điều, với sự cởi mở của xã hội, những người LGBT càng ngày càng khát khao “được là chính mình”. Có thể, đấy là một việc vẫn rất khó của họ trước gia đình nên họ thường lựa chọn cách: Gia đình biết cuối cùng.
Ở mỗi góc độ, các bậc làm cha, làm mẹ sẽ có những cách ứng xử khác nhau. Người cấp tiến thì lặng lẽ gạt nước mắt mà chấp nhận, người cổ hủ thì lắc đầu nhất định là không.
Tháng 8, tháng 9 này, từ các hoạt động triển lãm, chiếu phim về cộng đồng LGBT diễn ra rất sôi nổi thì hẳn rằng đấy cũng là cách không chỉ để xã hội hiểu mà các bậc phụ huynh thấu hiểu những khát khao, những mong ước nhỏ nhoi của người LGBT.
Và, thật nhớ sao người mẹ - bà Hạnh trong bộ phim điện ảnh về đề tài này – “Thưa mẹ con đi” sau biết bao dằn vặt, đau khổ khi vô tình nghe được sự thật về đứa con trai duy nhất của mình, bà đã có những vòng tay ôm từ biệt cậu con trai Văn cùng “bạn gái” Ian – những vòng tay yêu thương mà chấp nhận, những vòng tay còn lớn hơn cả cái gật đầu…
(*) Các nhân vật trong bài viết đã được đổi tên.