Ước mơ tương lai với đôi chân 14 lần phẫu thuật

GD&TĐ - Với đặc thù đào tạo ngành nghề, Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông (CNTT&TT) có tỷ lệ SV khuyết tật theo học khá cao so với những trường thành viên khác của ĐH Thái Nguyên. Trong số những SV khuyết tật đang theo học tại trường, nữ sinh Nguyễn Hồng Hạnh được nhiều thầy cô và bạn bè nhắc tới với sự khâm phục ý chí vươn lên, vượt khó học giỏi của em.

Nguyễn Hồng Hạnh và bà ngoại. Ảnh: Gia Hân
Nguyễn Hồng Hạnh và bà ngoại. Ảnh: Gia Hân

Đi học cùng ông bà ngoại

Nữ sinh Nguyễn Hồng Hạnh sinh năm 1999, quê ở huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Khuôn mặt trăng rằm dịu dàng, ánh mắt thông minh, nữ sinh Nguyễn Hồng Hạnh rụt rè chia sẻ về tuổi thơ khó khăn của mình.

Sinh ra với đôi chân không được bình thường như mọi người do di chứng chất độc da cam từ ông ngoại - một người tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, Hạnh đã trải qua 14 lần phẫu thuật để chữa dị tật bẩm sinh cứng 2 khớp gối, 2 bàn chân vặn vỏ đỗ quay ra sau. Đã không may mắn về sức khỏe, hoàn cảnh gia đình của Hạnh cũng rất éo le, mẹ em thường xuyên đau ốm, Hạnh sống dựa vào ông bà ngoại. “Ông bà đưa đón em đi học, chỉ mong em học giỏi, dựng tương lai bằng con đường tri thức” - Hồng Hạnh xúc động nói.

Nhớ lại thời đi học phổ thông, trong vô vàn khó khăn do hoàn cảnh, điều khiến Hạnh cảm thấy thách thức nhất là sự tự ti về ngoại hình. Một số bạn bè vô tâm đã trêu đùa Hạnh, có những câu nói tổn thương khiến em buồn rơi nước mắt. Sợ ông bà lo lắng, Hạnh thường giấu chuyện không vui, khi về nhà chỉ kể cho ông bà nghe những chuyện vui vẻ ở trường, về những người bạn tốt giúp em lên xuống bậc cầu thang, các thầy cô luôn động viên Hạnh cố gắng học tập, thực hiện ước mơ học ĐH. Cô bé Hồng Hạnh luôn có suy nghĩ già trước tuổi, không lo mình bị tổn thương mà chỉ lo người thân lo lắng, buồn lòng vì mình.

“Em thấy mình sống có ý nghĩa hơn”!

Với điều kiện sức khỏe bản thân cùng những tìm hiểu thông tin về cơ hội của người khuyết tật, năm học 2017 - 2018, Hồng Hạnh quyết định đăng ký nguyện vọng vào ngành Quản trị văn phòng, Trường ĐH CNTT&TT Thái Nguyên, trúng tuyển với tổng số điểm rất cao: 22,5 điểm. Biết được hoàn cảnh đặc biệt của Nguyễn Hồng Hạnh, BGH Trường ĐH CNTT&TT đã dành tặng em một suất học bổng bằng mức học phí năm học đầu tiên. Những năm học tiếp theo, nếu giữ vững thành tích học tập, nhà trường sẽ dành những đãi ngộ, tạo điều kiện tốt nhất để Hồng Hạnh có thể theo học tại trường.

Hiện tại, mỗi ngày với em đều là những háo hức với kiến thức mới, hạnh phúc trong sự quan tâm, hỗ trợ của bạn bè, thầy cô. Em sẽ cố gắng hoàn thành chương trình học để lấy tấm bằng ĐH, tìm một công việc phù hợp để có thể trang trải cuộc sống, giúp đỡ ông bà.

 
SV Nguyễn Hồng Hạnh

Hồng Hạnh kể ngày đầu đến trường ĐH, em rất hồi hộp và lo lắng, không biết thầy cô, bạn bè sẽ đối xử như thế nào với mình. Nhưng sự quan tâm của mọi người đã dần xóa đi sự tự ti của em. Hạnh dần cởi mở hơn, năng động hơn và em cười nhiều hơn. Em tham gia CLB tuyên truyền và vận động hiến máu, CLB thuyết trình của trường để học hỏi, giao lưu, thỏa sức thể hiện khả năng sở thích và tích lũy kiến thức kinh nghiệm liên quan đến ngành học. Trong môi trường sinh hoạt CLB, Hạnh còn được rèn luyện kỹ năng mềm, học cách giao tiếp, xử lý tình huống. “Em không thấy mình cô đơn nữa! Em thấy mình sống có ý nghĩa hơn” - Hạnh tự tin bày tỏ.

Theo lãnh đạo Trường ĐH CNTT&TT, hiện tỷ lệ sinh viên khuyết tật đến học tại trường khá cao so với những trường thành viên khác của ĐH Thái Nguyên. Tính từ khóa đào tạo thứ 5 đến khóa 17, Trường ĐH CNTT&TT đã và đang đào tạo 22 SV khuyết tật, trong đó có cả SV khuyết tật của nước bạn Lào. Hạnh đã hỏi ý kiến của thầy cô và các anh chị khóa trêntrong trường về ý tưởng thành lập CLB sinh viên người khuyết tật đang học trong trường, tạo một diễn đàn để SV khuyết tật có thể trao đổi những suy nghĩ, trăn trở, mong muốn để tất cả mọi người cùng thấu hiểu, có thể giúp đỡ nhau học tập, chung tay tạo nên môi trường học tập thân thiện với những người có hoàn cảnh khó khăn. Ý tưởng này được mọi người rất ủng hộ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ