“Ước mơ lớn nhất của tôi là được đứng trên bục giảng”

GD&TĐ - Sau biến cố cuộc đời, thầy giáo trẻ Thái Thành Thuận, giáo viên Trường THCS Tam Bình (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) phải ngồi xe lăn suốt đời. Vượt qua nỗi đau, thầy viết tiếp ước mơ dạy học trên chiếc xe lăn.

Thầy Thuận tâm sự rằng ước mơ lớn nhất của thầy là được dạy học.
Thầy Thuận tâm sự rằng ước mơ lớn nhất của thầy là được dạy học.

Khát vọng trẻ và biến cố cuộc đời

Ngày ngày trên con đường đến Trường THCS Tam Bình (xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, Tiền Giang), có một thầy giáo ngồi trên chiếc xe lăn điện. Thầy giáo đặc biệt này là thầy Thái Thành Thuận. Thầy là tấm gương tinh thần vượt khó được đồng nghiệp, học trò, phụ huynh quý mến.

Tấm gương của thầy đã viết nên câu chuyện đẹp về nghị lực sống, quyết tâm vượt qua nghịch cảnh để tiếp tục gắn bó với nghề giáo.

Sau khi tốt nghiệp Khoa Lịch sử - Địa lý, Trường CĐ Sư phạm Tiền Giang (nay là Trường ĐH Tiền Giang). Năm 2001, thầy Thuận được phân công về giảng dạy tại Trường THCS Tam Bình, ngôi trường mà thầy đã từng học.

“Thầy Thuận sống hiền lành, đúng như ‘ông giáo làng’ nên được đồng nghiệp, học trò, phụ huynh quý mến. Trong giảng dạy, thầy truyền đạt kiến thức theo phương pháp riêng của mình. Khiến học trò rất thích học và bản thân thầy chịu khó tìm tòi các tài liệu, mở rộng kiến thức bộ môn. Giờ học của thầy luôn vui vẻ, cuốn hút và học sinh rất thích học…”.
Thầy Lê Trí Nghi, Hiệu trưởng Trường THCS Tam Bình.

Được thỏa ước mơ dạy học, thầy giáo trẻ Thái Thành Thuận nỗ lực hết mình với bộ môn Lịch sử - Địa lý. Phát huy những kiến thức được học và học hỏi đồng nghiệp, thầy Thuận là “cây sáng kiến” của Trường THCS Tam Bình. Thầy Thuận đạt giải Giáo viên dạy giỏi cấp trường; Giáo viên dạy giỏi cấp huyện đến Giáo viên giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt, học trò thầy Thuận luyện học sinh giỏi môn Sử, Địa năm nào cũng đạt giải cao. Nhiều năm liền thầy Thuận là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và được nâng lương trước thời hạn 2 lần…

Khi sự nghiệp đang phát triển, gia đình ổn định với người vợ cũng là giáo viên dạy chung trường và đứa con trai kháu khỉnh, một tai nạn bất ngờ ập đến làm cho thầy giáo trẻ Thái Thành Thuận trở thành tật nguyền.

Đó là ngày định mệnh, ngày 12/5/2016, khi vừa đi gác thi học kỳ về đến nhà, thấy người hàng xóm lớn tuổi trèo cao tỉa cành cây. Thấy vậy thầy Thuận trèo lên giúp, không may cành cây ngã xuống va vào đường dây điện, thầy Thuận bị điện giật rơi từ độ cao khoảng 6m xuống đất.

Tai nạn làm thầy Thuận gãy 2 đốt sống lưng, giập tủy. Tai nạn kinh hoàng khiến thầy nằm viện điều trị, tập vật lý trị liệu hơn 6 tháng tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM. Di chứng nặng nề sau tai nạn là thầy bị liệt 2 chân và phải chấp nhận ngồi xe lăn vĩnh viễn.

“Sống thêm lần nữa” khi được đi dạy

Thầy Thái Thành Thuận đang giảng bài trên chiếc xe lăn điện.
Thầy Thái Thành Thuận đang giảng bài trên chiếc xe lăn điện.

Thầy giáo trẻ với bao kế hoạch còn dở dang với cả chân trời rộng mở đã ngã quỵ sau tai nạn bất ngờ. Những ngày tháng điều trị là những ngày thầy rơi nước mắt. Phần vì đau đớn, phần vì thương vợ con, gia đình. Phần vì nhớ trường lớp, nhớ học trò.

Hay tin thầy Thuận bị tai nạn, tập thể nhà trường hết lòng thăm hỏi, hỗ trợ. Học trò của thầy dù xa xôi không đến thăm được cũng gửi thư động viên. “Học trò lớp tôi đang dạy và học trò cũ mỗi em viết lá thư, xong rồi bỏ vào cái hộp gửi tôi khi đang điều trị tại TPHCM. Đọc thư học trò, mình không cầm được nước mắt, nhưng đó cũng là những lời động viên vượt qua đau đớn, cố gắng luyện tập để sớm ra viện”, thầy Thuận tâm sự.

Những tháng ngày nằm trên giường bệnh, không biết bao lần thầy gắng gượng đứng lên, rồi lại ngã xuống. Biết bao đớn đau từ thể xác nhưng thầy vẫn cắn răng chịu đựng và quyết tâm vượt qua. Quyết tâm thực hiện ước mơ cháy bỏng là tiếp tục được gắn bó với nghề dạy học.

Sau 1 năm sau bị tai nạn, sức khỏe tạm ổn, thầy Thuận quyết định xin đi dạy trở lại. Dù biết đây là quyết định khó khăn cho bản thân thầy và cả nhà trường, nhưng thầy quyết nộp đơn. Gia đình, đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh cũng ủng hộ thầy đi dạy. Sau khi trình bày nguyện vọng, Ban Giám hiệu Trường THCS Tam Bình, lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Cai Lậy tiếp nhận đơn của thầy Thuận.

Sự việc thầy Thuận được chuyển đến Sở GD&ĐT, lãnh đạo Sở giao cho Phòng GD&ĐT cùng tập thể nhà trường xem xét. Cuối cùng, thầy Thuận cũng nhận được quyết định đi dạy vào tháng 12/2017. Nhớ lại ngày nhận quyết định được dạy học, thầy Thuận chia sẻ rằng đó như “ngày mình được sống lại lần nữa”.

Trong năm học 2018 - 2019, thầy Thuận lại tiếp tục được phân công bồi dưỡng học sinh giỏi. Kết quả là có 3/5 học sinh được thầy bồi dưỡng đạt giải.   

Hằng ngày, thầy Thuận dậy sớm để di chuyển từ nhà đến trường trên chiếc xe lăn điện. Đến trường, thầy dạy tại phòng học được trang bị màn hình kết nối với chiếc laptop. Thầy giảng bày trên chiếc xe lăn, học trò chăm chú lắng nghe và lớp học rộn ràng không kém lúc thầy còn khỏe mạnh…

“Ước mơ lớn nhất của tôi là được đứng trên bục giảng. Vì vậy, dù khó khăn, gian khổ bao nhiêu tôi cũng phải nỗ lực vượt qua để có thể trở lại trường, được gặp lại đồng nghiệp và các em học sinh thân yêu”, thầy Thuận tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mùa Xuân trở lại

GD&TĐ -Mùa Xuân trên bản Sịa thường đến muộn cả tháng trời. Khi nơi nơi đang rộn rã đón mùa Xuân và Tết cổ truyền thì bản Sịa vẫn còn ngủ im trong băng giá.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Đường đến thành công

GD&TĐ - Dưới cái nắng như thiêu đốt mặt đất, đôi vợ chồng trẻ mới cưới Zhou Quan và Meng Lu rời khỏi vùng núi hẻo lánh của huyện Hội Ninh, tỉnh Cam Túc.