Ước mơ giữa tròng trành sóng nước

Ước mơ giữa tròng trành sóng nước

(GD&TĐ) - Đường đến cù lao Thừa Thiên thuộc ấp Kinh Ngây (xã Lục Sĩ Thành, Trà Ôn - Vĩnh Long) qua 2 lần đò thường ngày không dễ đi. Những học sinh trên cù lao ấy đi học hằng ngày  mấy bận chỉ bằng chiếc đò bé tẹo trong sóng nước mênh mang…    

Nặng lòng nơi ngã ba sông

Khoảng 6 giờ sáng, bên phía bờ của “đảo” Thừa Thiên, các em học sinh đợi đò nói cười rôm rả. Cô Chúc đang rửa chân cho con, nói: “Ai ở đây cũng vậy, dắt con đi học từ nhỏ tới lớp 3 thì mới dám cho đi một mình. Nhưng nhiều gia đình có con học cấp 2, cấp 3 cũng nhờ những người lớn coi giùm mỗi khi qua đò”. Cô Chúc rầu rĩ: “Tựu trường đến nó vui còn tui lại hồi hộp rồi. Bình thường đã nguy hiểm, huống chi mưa, lũ kéo về. Tới giờ tan học mà nó về hơi trễ là tui đánh lô tô trong bụng, bỏ công chuyện ra bến đò ngóng con”.

Sống ở miền Tây, trắc trở khi phải sang sông luỵ đò là thường tình, nhưng ông Tư Thành (dân cù lao Thừa Thiên) thật sự bất an khi cảnh hơn chục năm nay từ con đến cháu mình đi học hằng ngày mấy bận vượt sông chỉ bằng con đò nhỏ. Nhớ lại những lần tận mắt thấy những chuyện thót tim, ông kể: “Có một lần vào cuối tháng 8/2010, ở bên doi Thừa Thiên có khoảng 20 học sinh chờ trên bến. Đò cập bến, bỗng chiếc sà lan vuột tay lái hay sao ấy, nó đâm vô làm mấy chiếc ghe đậu buôn bán trái cây và chiếc đò bị chìm, gần lọt xuống lườn sà lan luôn, cũng may, mấy đứa học trò chưa kịp xuống đò. Rồi một lần vào tháng 5/2012, chiếc đò chở 4 phụ huynh với hơn chục em học sinh vừa cặp bến thì chiếc đò  vô nước ào ào, thấy vậy tui nhào xuống đỡ lên, lúc đó tui có trình báo tới chính quyền ấp, xã nhưng rồi cũng cho qua”...

Trước sóng cả, ghe tàu tấp nập, ai dám bảo đảm an toàn cho các em học sinh trên chiếc đò nhỏ này?
Trước sóng cả, ghe tàu tấp nập, ai dám bảo đảm an toàn cho các em học sinh trên chiếc đò nhỏ này?

Theo ông Thành, một ngày lượng ghe, tàu qua lại chỗ ngã ba này không dưới ngàn chuyến, còn sà lan một ngàn tấn thì qua cỡ 200 chuyến. “Mỗi lần tiếp xúc cử tri thì tui đại diện cho 80 hộ dân ở đây nói lên những nguy hiểm, khó khăn, cực khổ để qua sông làm ăn, sinh sống, nhất là lo lắng của phụ huynh nơi đây với đường đi học của con cái mình. Nhưng kêu nhiều năm rồi mà không thấy nhúc nhích!” - ông Thành bức xúc nói.

Bao giờ mới có cây cầu?

Lấy mớ tài liệu, ông Thành cho biết người dân đã bức xúc từ lâu, kiến nghị nhiều lần, thậm chí chúng tôi cũng đã nhờ kỹ sư thiết kế, bản vẽ chi tiết cây cầu bê tông qua kinh chiều dài toàn bộ 65m, tổng kinh phí gần 300 triệu đồng (dự tính từ năm 2009). Ông nói: “Tôi giữ một bản, chính quyền xã giữ một bản để vận động nhân dân, mạnh thường quân. Nhưng từ khi chính quyền nói kinh Xáng Ngây không phải thuộc thẩm quyền của tỉnh (ý nói là thủy lộ quốc gia) thì ngưng luôn tới giờ.”.

Ông Nguyễn Văn Hai (84 tuổi) chống gậy trên con đê sình lầy, chỉ chúng tôi biết hai chỗ bắc cầu dừa hồi xưa, nói con kinh Xáng Ngây hồi đó nhỏ, nước ròng là lội qua chưa tới đầu gối. Dân ở đây nhờ cây cầu dừa qua sông để làm ăn, sinh sống. Sau khi cầu dừa bị gãy mà không cho bắc lại, người dân chỉ còn cách là quá giang hoặc tự sắm ghe đi qua sông. Phà lớn thì không cho phép, nên người dân ở đây lúc đầu đi nhờ chiếc đò nhỏ này không lấy tiền. Cách nay chừng 6 năm, đò nhỏ đó mới được cho chạy, nhưng đò còn thô sơ quá.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lục Sĩ Thành A, thầy Nguyễn Thái Hoà cũng cho biết, hiện có khoảng 30 em học sinh ở cù lao Thừa Thiên hằng ngày phải qua con phà nhỏ. Dù đã hỗ trợ mua cặp áo phao, cũng như dạy bơi cho các em nhưng đó là giải pháp tình thế. Trường cũng khó an tâm cho học sinh hàng ngày đối mặt trước hiểm nguy, nên cũng đã nhiều lần phản ảnh với chính quyền...

Rời con đường sình lầy ở Thừa Thiên vào buổi trưa tan trường, chúng tôi vẫn còn nhớ hơn chục phụ huynh chờ con bên “đảo” Thừa Thiên, họ mơ một cây cầu bắc qua sông để khỏi nhìn thấy con em mình trước nhiều rủi ro sông nước. “Mấy chú chụp hình thì bao giờ mới có cầu để dân bớt khổ đây?”, tiếng í ới bên tai trên con đò nhỏ tròng trành, hòa vào tiếng ghe tàu tấp nập lại qua là giọng của người dân nơi đây cùng sang đò, “nhắn gởi”  tôi. Quả thật tôi chỉ biết cười với câu hỏi quá tầm này giữa dòng sông cuộn chảy.

Ngọc Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.