Theo trang mạng HollywoodLife, tất cả các luật sư mà hãng này phỏng vấn đều khẳng định rằng, hãng hàng không United Airlines không có quyền dùng vũ lực để đuổi bác sĩ gốc Việt David Dao ra khỏi chuyến bay một cách thô bạo.
"Tôi không cho rằng, họ có quyền cư xử thô bạo và dùng vũ lực để loại bỏ một người nào đó (khỏi máy bay)", ông Michael Wildes, một cựu công tố viên liên bang nay là Giám đốc điều hành của hãng luật Wildes & Weinberg P.C bình luận.
Đồng tình với ông Wildes, luật sư Ylber Albert Dauti thuộc hãng luật The Dauti ở New York nhấn mạnh: "Về mặt kỹ thuật, hãng hàng không có quyền buộc một hành khách rời khỏi máy bay, nhưng phải có lý do chính đáng, như hành khách có các hành vi bạo lực hoặc những hành vi gây nguy hiểm cho các hành khách khác trên chuyến bay. Trong trường hợp của bác sĩ David Dao, với những gì hãng hàng không đã làm, họ rõ ràng đã phạm sai lầm".
Luật sư Randy Zelin ở New York, thuộc hãng luật Randy Scott Zelin P.C. cho biết, nhiều khả năng bác sĩ gốc Việt David Dao sẽ thắng kiện và được bồi thường hàng triệu USD nếu đưa vụ việc ra tòa. Luật sư Ylber Albert Dauti cũng đồng tình với nhận định trên và nói thêm rằng, khoản bồi thường bao nhiêu triệu USD sẽ tùy thuộc vào khả năng mặc cả và biện hộ của luật sư bảo vệ cho vị bác sĩ.
Luật sư Wildes cho biết thêm rằng, bác sĩ David Dao có thể "kiện hãng hàng không và cảnh sát Chicago vì tấn công thể chất và bạo hành đối với ông". Thậm chí, bác sĩ người Việt cũng có thể kiện những người khác vì "các hành vi không tôn trọng ông".
Luật sư Wildes cho rằng, bác sĩ David đã phải chịu đựng những hậu quả nghiêm trọng bao gồm, những tổn thương về thể chất, trạng thái căng thẳng tinh thần, danh tiếng bị hủy hoại, nguy cơ mất việc làm (do lỡ hẹn với bệnh nhân), những hậu quả tiềm tàng cho bệnh nhân của bác sĩ David và những thiệt hại về mặt tinh thần cho cả vị bác sĩ lẫn gia đình ông.
Theo ông Randy Zelin, nếu vụ việc được đưa ra tòa, đây sẽ là "đường tử" đối với hãng hàng không. Các chuyên gia cho rằng, United Airlines đã mắc lỗi cả trước và sau khi vị khách gốc Việt bị đuổi khỏi chuyến bay. Trước hết, việc yêu cầu hành khách không lên chuyến bay thông thường phải diễn ra tại cửa ra vào, trước khi họ đi lên máy bay chứ không phải khi họ đã ngồi vào chỗ. Tuy nhiên, việc đánh mất niềm tin của khách hàng mới là thiệt hại lớn nhất và cái sai lớn nhất của hãng này.
"Hãng hàng không đã để nhân viên của họ thế chỗ vào chỗ của khách hàng và đây là điều không thể chấp nhận được, ngay cả khi hành khách có thể lên một chiếc máy bay khác. Đơn giản là họ cần phải tôn trọng khách hàng trước tiên. Sự tin tưởng của khách hàng đối với hãng hàng không này đã bị phá vỡ từ buổi tối hôm đó (9.4 khi bác sĩ David bị đuổi khỏi máy bay).
Trong khi đó, phóng viên Simon Calder, phụ trách mảng Du lịch của báo Anh Independent cho biết, theo lý thuyết thì hàng không có quyền buộc hành khách rời khỏi máy bay khi họ đã mua vé. Theo số liệu từ Bộ Giao thông Mỹ, 46.000 hành khách đã bị ép rời khỏi các chuyến bay trong năm 2015.
Điều này xảy ra do các hãng hàng không cho phép đặt thừa chỗ (overbooking) nhằm đảm bảo số hành khách tối đa trên mỗi chuyến bay. Thông qua đó, nếu có trường hợp hành khách đặt vé trước nhưng hủy vé, chính sách này sẽ giúp những chỗ bị hủy được lấp đầy.
Ngoài ra, cơ trưởng chịu trách nhiệm cho chuyến bay, và nếu cơ trưởng quyết định cho ai đó rời đi thì mệnh lệnh này phải được thi hành. Kể từ lúc hành khách không may này nói "Tôi không đi đâu hết", đã bị coi là hành khách gây phiền nhiễu - tức không tuân mệnh lệnh của cơ trưởng. Nhân viên an ninh được phép đưa người này ra khỏi máy bay một cách hợp pháp.
Theo đó, lời khuyên của chuyên gia là, nếu được yêu cầu rời khỏi máy bay và kháng nghị của bạn không thành, hãy lặng lẽ rời đi.