Con trai học lớp 1 rất ngoan và học giỏi. Duy chỉ có điều khiến chị Trà vô cùng lo lắng là con mít ướt, nhạy cảm quá. Chỉ cần bố mẹ mắng nhẹ hay trách móc, cu cậu cũng khóc thổn thức. Nghe bài hát xúc động, nước mắt cậu không ngừng rơi. Va chạm với bạn, cậu cũng sụt sùi.
Chị Trà lo, với tính cách yếu đuối như thế, sau này con sẽ là người không quyết đoán trong mọi việc và không làm được việc gì lớn. Không chỉ có vậy, khi là cậu bé hay khóc, con sẽ bị bạn bè chê cười, chế giễu, việc đó ảnh hưởng đến tâm lý của con rất nhiều.
Thấy con “động một chút là khóc”, chồng chị Trà rất “ngứa mắt” và thường xuyên quát mắng, cằn nhằn: "Suốt ngày khóc lóc, sao lại yếu đuối như vậy". Anh nghĩ, sự chế giễu của mình sẽ khiến con xấu hổ và ngừng khóc. Thế nhưng, trước sự chế giễu của bố, con trai lại càng ấm ức, buồn bực, cậu khóc đến mức nước mắt, nước mũi chảy ròng ròng.
Đến gặp chuyên gia tâm lý, chị Trà biết rằng, con trai chị là đứa trẻ nhạy cảm, cha mẹ cần chấp nhận tính cách đó của con và tìm cách để con không thể hiện sự nhạy cảm quá mức, giúp khả năng điều chỉnh cảm xúc trong con sớm hoàn thiện. Nếu bố mẹ giận dữ, quát mắng thì con sẽ không thể tiến bộ.
Thay vì nổi nóng như chồng, chị Trà nhẹ nhàng, kiên trì khuyên nhủ con: “Nào, con ngừng khóc và nói chuyện với mẹ nhé!”. Ban đầu, cậu bé vẫn giữ thói quen “chỉ biết khóc mà không nói gì”, sau nhiều lần mẹ thủ thỉ, cậu đã bắt đầu nói ra những ấm ức của mình.
Chị cũng thường động viên con bằng sự đồng cảm: “Giống như bạn con, có người cao, người thấp thì cũng có những bạn hay tủi thân, có bạn ít tủi thân hơn. Bạn có chiều cao khiêm tốn phải ăn nhiều hơn, chơi trò vận động nhiều hơn để cao lên thì bạn nào hay tủi thân cũng phải luyện tập nhiều hơn để nhắc nhở mình rằng: Không sao đâu, mình không sao đâu".
Chị Trà còn yêu cầu chồng không được nói những lời gây tổn thương khi tâm trạng con đang không tốt và cần chia sẻ với con khi bé đã dừng khóc và cảm thấy thoải mái. Chị còn hướng dẫn và khích lệ con làm thế nào để dù cảm xúc có dâng trào thì bản thân vẫn kìm nén được và không gây chú ý cho người khác, ví dụ chuyển sang suy nghĩ việc khác trước khi cảm xúc bùng phát hoặc tạm thời rời chỗ và đi bộ một chút…
Để có thể tiết chế cảm xúc của con, chị Trà luôn cố gắng ở bên khi con gặp khó khăn, luôn động viên, khích lệ bé và không đặt ra những yêu cầu quá cao với con.