Ứng phó với sự hung hăng

GD&TĐ - Theo các chuyên gia về quan hệ quốc tế, nhóm nước Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Australia đang xem Trung Quốc là thách thức chung. 

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Hôm 6/10, trong cuộc gặp với ngoại trưởng Nhật, Ấn Độ và Australia tại Tokyo, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã kêu gọi các quốc gia này đối phó với cái mà ông gọi là “sự khai thác, tham nhũng và chèn ép của Trung Quốc”.  

Trong bối cảnh Mỹ đang tìm cách chính thức thiết lập liên minh 4 nước có tên gọi nhóm Bộ Tứ (QUAD) để đối phó với ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc, thì cuộc gặp này được cho là dấu hiệu Mỹ mong muốn củng cố khối QUAD từ một nhóm lỏng lẻo trở thành một liên minh an ninh kiểu NATO - tờ South China Morning Post phân tích.

Bắc Kinh chưa chính thức hồi đáp những phát biểu từ cuộc họp trên, song Đại sứ quán Mỹ tại Tokyo ra tuyên bố ngày 7/10 nói rằng, các nhóm đa phương không nên trở thành “những bè phái độc quyền” đe dọa lợi ích của các bên thứ ba. 

“Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhóm Bộ Tứ đã phát triển từ một nhóm lỏng lẻo dựa trên nguyên tắc mờ nhạt, giờ đây nổi lên thành một khối quân sự chính trị coi Trung Quốc là thách thức chung” - Pang Zhongying, chuyên gia quan hệ quốc tế Đại học Hải Dương Trung Quốc ở tỉnh Sơn Đông nói – “Nhóm này vẫn chưa là NATO, nhưng đó là sự phát triển đặt ra thách thức nghiêm trọng với lợi ích an ninh của Trung Quốc trong khu vực”. 

Mặc dù, những phát ngôn chống Trung Quốc của ông Pompeo không được hưởng ứng hoàn toàn bởi tất cả thành viên Bộ Tứ, song cuộc gặp diễn ra khi Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật đều có những xung đột riêng với Trung Quốc. Các bộ trưởng 3 nước đều nói đến lòng tin vào một khu vực được quản lý bởi luật lệ chứ không phải cường quyền, duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. 

4 ngoại trưởng cũng đồng ý thúc đẩy hợp tác về an ninh hàng hải, không gian mạng và việc xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng trong khu vực, tiến hành cuộc họp bộ trưởng 4 bên thường xuyên - phía Nhật   cho biết. 

Li Mingjiang, Giáo sư Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam ở Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore nhận định, việc củng cố nhóm Bộ Tứ có thể xem là phản ứng với hành động của Bắc Kinh trong khu vực, liên quan đến chính sách an ninh của Trung Quốc và sự hung hăng của Trung Quốc những năm gần đây. 

“Ngoài ra có thể thấy tác động loang ra từ sự hợp tác đang tăng lên giữa các nước trong khu vực để cấu trúc lại chuỗi cung cấp của họ, nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và hạn chế việc tiếp cận thị trường đối với các công ty công nghệ của Trung Quốc, cũng như lợi ích đang gia tăng từ các nước ngoài khu vực như Đức, để hưởng ứng chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ” - ông nói.  

Các quan chức Mỹ như ông Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper gần đây lên tiếng về việc cần thiết thành lập một liên minh an ninh tập thể ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mỹ đã mời các nước như Hàn Quốc, New Zealand... tham gia cuộc gặp mà Mỹ gọi là nhóm Bộ Tứ cộng. 

Theo giới phân tích, các nước này không có khả năng chính thức gia nhập nhóm Bộ Tứ vì họ muốn duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc và thực hiện chính sách đối ngoại cân bằng. Song nếu Trung Quốc xử lý các vấn đề an ninh khu vực với giọng điệu ít hung hăng hơn, thì các nước trong khu vực ít khả năng tập hợp với nhau và củng cố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.   

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ