Ứng phó tình trạng thiếu giáo viên dạy Chương trình mới

GD&TĐ - Thiếu giáo viên giảng dạy chương trình mới là nội dung được quan tâm hơn bao giờ hết, dù đây không phải là câu chuyện mới.

Thầy và trò Trường Tiểu học - THCS xã Pom Lót trong giờ Tin học.
Thầy và trò Trường Tiểu học - THCS xã Pom Lót trong giờ Tin học.

Trước vấn đề đặt ra, ngành giáo dục các địa phương tại Điện Biên đã đưa ra nhiều giải pháp tình thế để ứng phó, đảm bảo phương châm “có học sinh là phải có người dạy”.

“Liệu cơm gắp mắm”

Năm học này, Trường PTDTBT Tiểu học Trần Văn Thọ, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) có 32 lớp, với 940 học sinh. Trong đó, có 9 lớp 1, 7 lớp 2 và 6 lớp 3 theo học Chương trình GDPT năm 2018. Tuy nhiên, theo chia sẻ của cô Đồng Thị Thúy, Hiệu trưởng nhà trường, hiện nay đơn vị chỉ có 1 giáo viên giảng dạy môn Mỹ thuật, 2 giáo viên tiếng Anh, 1 Tin học, 1 Thể dục và 1 Âm nhạc. Số giáo viên môn chuyên hiện có chưa thể đáp ứng yêu cầu giảng dạy thực tế.

“Để đáp ứng được yêu cầu giảng dạy cho số lớp, học sinh như trên, nhà trường cần ít nhất 2 giáo viên đối với mỗi môn chuyên. Còn thực tế đòi hỏi phải có 1,5 giáo viên/lớp, kể cả giáo viên chuyên. Song đến thời điểm này đơn vị mới đạt được 1,28 giáo viên/lớp. Khi triển khai dạy theo chương trình mới thực sự rất vất vả cho công tác quản lý, chỉ đạo của nhà trường và giáo viên trực tiếp đứng lớp”, cô Thúy cho hay.

Cũng theo cô Thúy, vì xác định đây là khó khăn chung của toàn ngành nên Ban giám hiệu nhà trường phải nhiều lần họp bàn để tìm giải pháp tháo gỡ, dựa trên điều kiện thực tế hiện có để cân đối. “Trước mắt, chúng tôi khắc phục bằng cách sắp xếp tăng tiết đối với một số giáo viên môn chuyên để đáp ứng nhu cầu học tập cho các em. Điều này đồng nghĩa với việc các thầy, cô giáo gần như không có tiết hay buổi nào được nghỉ. Theo quy định chỉ có 7 tiết/ngày, song ở đây các thầy cô đều dạy cả sáng và chiều”, cô Thúy nói.

Tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là bộ môn chuyên khiến việc triển khai dạy học theo Chương trình mới gặp nhiều khó khăn.

Tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là bộ môn chuyên khiến việc triển khai dạy học theo Chương trình mới gặp nhiều khó khăn.

Tại Trường Tiểu học Chua Ta, xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông năm học này có 1 giáo viên tiếng Anh. Theo bà Lê Thị Hạnh, Hiệu trưởng nhà trường, đơn vị có 3 lớp bắt buộc phải học tiếng Anh (khối 3). Mỗi tuần giáo viên tiếng Anh sẽ phải giảng dạy 12 tiết (4 tiết/lớp).

“Do tình trạng thiếu giáo viên nên từ đầu năm học, giáo viên tiếng Anh của nhà trường được phân công phụ trách giảng dạy thêm 8 tiết/tuần tại Trường Tiểu học Mường Tỉnh, xã Xa Dung. Để đảm bảo nhiệm vụ giáo dục chung, 2 nhà trường đã phối hợp để sắp xếp lịch dạy của giáo viên sao cho phù hợp nhất. Cứ vào thứ 2, 3 chúng tôi bố trí giáo viên này tăng cường tại Xa Dung, các ngày còn lại trở về giảng dạy tại trường”, cô Hạnh chia sẻ.

Đối với huyện Tuần Giáo, theo ông Đỗ Văn Sơn, Trưởng Phòng GD&ĐT, mặc dù tình trạng thiếu giáo viên không trầm trọng, song việc thiếu hụt nhân lực giảng dạy các môn chuyên cũng gây ra nhiều khó khăn trong triển khai Chương trình mới. Để khắc phục tình trạng này, ngành đã chỉ đạo các cơ sở nhà trường dựa trên tình hình thực tế của đơn vị để phân công nhiệm vụ, kế hoạch giảng dạy phù hợp.

“Hiện nay các giáo viên chuyên tại địa bàn chỉ tập trung dạy chuyên môn, không phân công dạy kiêm nhiệm. Với những trường có quy mô học sinh ít, chúng tôi cũng sắp xếp giáo viên dạy liên trường, đặc biệt là tập trung giảng dạy cho khối lớp 3. Còn các trường đã dạy chuyên đề tự chọn từ trước thì phòng sẽ yêu cầu xác định lại các chủ đề, không tổ chức dàn trải”, ông Sơn cho hay.

Cũng theo ông Sơn, nếu như trước đây, nhiều cơ sở giáo dục dạy tự chọn từ lớp 3 đến lớp 5 đối với môn tiếng Anh, thì năm học này đã tập trung rà soát lại để cân đối chọn lựa những chủ đề tự chọn sao cho phù hợp. Mục tiêu là đảm bảo từ lớp 3 trở lên có 100% học sinh được học. Ngành cũng tính toán đưa hết học sinh lớp 3 từ các điểm bản về trung tâm để tăng tỷ lệ học sinh trên mỗi lớp.

Một giờ học của cô và trò Trường PTDTBT Tiểu học Ta Ma, huyện Tuần Giáo.

Một giờ học của cô và trò Trường PTDTBT Tiểu học Ta Ma, huyện Tuần Giáo.

Điền vào chỗ trống”

Huyện biên giới Mường Nhé hiện là một trong những địa phương có tỷ lệ bình quân giáo viên/lớp thấp nhất tỉnh Điện Biên. Trong khi đó, số giáo viên chuyển vùng và nghỉ việc chiếm số lượng khá lớn. Theo thống kê toàn ngành, so với biên chế được giao là 1.152 giáo viên thì thời gian vừa qua có 80 biên chế đã chuyển vùng, nghỉ việc hoặc không còn công tác trong ngành.

“Để lấp đầy những khoảng trống, ngành đã tham mưu UBND huyện trình, xin chủ trương tuyển dụng. Chúng tôi đang triển khai linh hoạt các giải pháp để khắc phục khó khăn. Trong đó ưu tiên lựa chọn, ký hợp đồng với các giáo viên giảng dạy môn chuyên, đáp ứng yêu cầu giảng dạy Chương trình mới”, ông Phạm Thiết Chùy - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé chia sẻ.

Cũng theo ông Chùy, đối với môn Tiếng Anh, trước khi bước vào năm học mới, toàn huyện thiếu gần 20 giáo viên. Tuy nhiên, ngành đã chủ động xây dựng kịch bản và sắp xếp đảm bảo mỗi trường tiểu học phải có 1 giáo viên bộ môn này trở lên. Riêng môn Tin học, dịp hè vừa qua, phòng đã cử mỗi trường 1 giáo viên tham gia bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn. Đồng thời chủ động liên lạc, ký hợp đồng với một số giáo viên đã có bằng đại học công nghệ thông tin để tham gia giảng dạy chương trình SGK lớp 3 và lớp 7.

“Vẫn biết còn nhiều khó khăn nên chúng tôi cũng thường xuyên động viên cán bộ, giáo viên giảng dạy các môn chuyên tổ chức dạy thêm, tăng giờ, tăng buổi đối với các trường thiếu nhiều giáo viên. Tuy nhiên, việc dạy thêm này không được vượt quá định mức quy định. Ngành cũng yêu cầu các đơn vị tập trung phân công giáo viên dạy môn chuyên chú trọng nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ khác sẽ phân công thầy cô khác”, ông Chùy cho biết thêm.

Học sinh Trường Tiểu học - THCS Pom Lót, huyện Điện Biên thực hành môn Tin học.

Học sinh Trường Tiểu học - THCS Pom Lót, huyện Điện Biên thực hành môn Tin học.

Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên cho biết: Mặc dù tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là môn chuyên trong dạy học Chương trình mới là vấn đề lớn đặt ra đối với ngành. Song, với sự chủ động từ trước, các phương án, kịch bản bố trí, sắp xếp giáo viên đã được xây dựng hợp lý, đảm bảo không thiếu giáo viên bộ môn chuyên ở tất cả cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Trong đó, nhiều phương án đang được triển khai hiệu quả. Cụ thể, như: Bố trí 1 giáo viên dạy 2, 3 trường cùng 1 thời điểm, tùy vào tình hình từng địa bàn. Để thực hiện được nhiệm vụ này thì giáo viên sẽ triển khai dạy theo hình thức cuốn chiếu (tức là dạy xong chương trình của trường này rồi sang dạy tại trường tiếp theo). Một số cơ sở xây dựng phương án cho giáo viên dạy trực tuyến, một thầy cô có thể dạy một lúc nhiều lớp học, nhiều học sinh.

“Đó là các giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, ngành đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyển dụng giáo viên. Trong đó ưu tiên tuyển dụng các giáo viên môn chuyên biệt giảng dạy lớp 3, lớp 7 và đối với lớp 10. Sở cũng sẽ ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn: Tin học, Tiếng Anh, Âm nhạc và Mỹ thuật ở cấp THPT…”, ông Đoạt cho hay.

Năm học 2022 - 2023, tỉnh Điện Biên có 481 trường, 7.436 lớp, với trên 207.600 học sinh, sinh viên. Để chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho năm học mới, ngành Giáo dục đã tổ chức tuyển dụng bổ sung 383 giáo viên trong tổng chỉ tiêu biên chế được giao năm 2022. Mới đây, HĐND tỉnh này cũng thông qua chủ trương tuyển dụng bổ sung 459 giáo viên theo Quyết định số 72-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Trong đó ưu tiên tuyển giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.