Ứng phó, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ tại khu vực miền Trung

GD&TĐ - Đó là chỉ đạo của Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài tại cuộc họp trực tuyến với 7 tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định về ứng phó mưa lũ miền Trung sáng 9/11.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên từ ngày 9-14/11, ở Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết, từ ngày 9-14/11, các tỉnh, thành phố Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, phía Bắc Quảng Nam và Khánh Hòa có mưa phổ biến 200-350mm, có nơi trên 400mm, từ phía Nam Quảng Nam đến Phú Yên có mưa phổ biến 350-650mm, có nơi trên 800mm, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo, từ ngày 15/11, mưa lớn ở khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa còn diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ tại khu vực miền Trung, kịp thời ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo kịp thời, sát thực tế phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, tuyên truyền của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan thông tấn, báo chí.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc xây dựng các kịch bản ứng phó cụ thể, chi tiết, phù hợp để chủ động trong việc phòng tránh mưa lũ.

Các địa phương triển khai lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai kiểm tra khu dân cư hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, ven sông, suối, khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, chú ý việc khơi thông các dòng chảy tắc nghẽn... để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn; rà soát công tác chuẩn bị lương thực, thực phẩm theo phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ) đề phòng ngập lụt.

Phó Trưởng ban Trần Quang Hoài lưu ý, các tỉnh, thành phố tổ chức lực lượng để canh gác tại các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập lụt, chia cắt khi có lũ; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục đảm bảo giao thông; kiểm tra và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, nhất là các công trình xung yếu, đang thi công, các hồ chứa đã đầy nước; chủ động vận hành liên hồ chứa, hồ chứa dành dung tích đón lũ để đảm bảo an toàn công trình và hạ du; nghiêm cấm việc đánh bắt cá, vớt củi trước, trong và sau thời điểm các hồ thủy điện, thủy lợi xả lũ.

Phó Trưởng ban Trần Quang Hoài yêu cầu, các địa phương đảm bảo công tác an toàn tàu, thuyền; việc thu hoạch lúa mùa và an toàn hệ thống chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, lồng bè nuôi trồng thủy sản, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu, để chủ động ứng phó với mưa lũ, tỉnh cũng đã ban hành Công điện chỉ đạo tới các sở, ngành, địa phương, trong đó nhấn mạnh đến việc ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ, đồng thời ứng phó với mưa lũ phải gắn với việc phòng tránh Covid-19 an toàn. Tỉnh Quảng Nam có văn bản chỉ đạo hạ dần mực nước các hồ chứa Sông Tranh 2, Đăk Mi 4, Sông Bung, Sông Bung 4, A Vương để đón lũ và đảm bảo an toàn hạ du.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết, tỉnh đã chỉ đạo việc họp Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để chỉ đạo các biện pháp cụ thể trong ứng phó mưa lũ. Bên cạnh đó, tỉnh chủ động sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm, bố trí lực lượng chức năng tại các hồ, ngầm tràn, khu vực ven sông, ven suối, yêu cầu việc dự trữ đảm bảo lương thực, thực phẩm cho nhân dân.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và Văn phòng thường trực các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên đã ban hành văn bản chủ động ứng phó mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên có kế hoạch sơ tán dân khi lũ trên mức báo động 3 là 65.729 hộ/258.444 khẩu.

Kế hoạch sơ tán dân vùng nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên là 26.743 hộ/110.560 khẩu. Các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng bởi mưa lũ tiếp tục rà soát số ca F0, F1 để có phương án cách ly, sơ tán riêng, cũng như biện pháp y tế phù hợp để bảo đảm an toàn dịch bệnh. Tùy theo diễn biến thực tế tình hình mưa, lũ sẽ tiến hành sơ tán cho phù hợp tình hình dịch Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ