Sáng tạo chữ viết cho đồng bào thiểu số
Với công trình nghiên cứu: “Từ điển Việt - Mnông, Mnông - Việt trên điện thoại Android”, thầy Văn Thành Đạt - giáo viên Trường THPT Đăk Glong đã xuất sắc đoạt giải cao nhất tại Cuộc thi Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2019.
Thầy Đạt cho biết: Người Mnông là một trong số 54 dân tộc anh em tại Việt Nam với địa bàn cư trú trải dài qua các tỉnh Quảng Nam, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Bình Phước và tập trung đông nhất tại Đắk Nông. Việc gìn giữ bản sắc văn hóa và bảo tồn chữ viết của người dân tộc tại chỗ là một công việc luôn được Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và Việt Nam, công nghệ thông tin chính là "chìa khóa" của sự thay đổi, là đòn bẩy giúp chúng ta phát triển trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt khi mà điện thoại thông minh đã dần trở nên phổ biến. Đây là cơ hội để người dùng có thể tra cứu thông tin mọi lúc mọi nơi.
“Với ý tưởng lồng ghép việc bảo tồn giá trị chữ viết của người dân tộc Mnông phục vụ nhu cầu học tập của mọi đối tượng, chúng tôi đã lập trình phần mềm "Từ điển Việt - Mnông, Mnông - Việt trên điện thoại hệ điều hành Android", phần mềm có thể giúp cho mọi người không phải tốn nhiều thời gian tìm kiếm, hỗ trợ học tập, tra cứu mọi lúc mọi nơi.
Trên cơ sở xây dựng tiến trình phần mềm, thu thập và xử lý thông tin, xác định nội dung kiến thức cần trình bày trên phần mềm, lựa chọn phương pháp học tập phù hợp với phần mềm, xác định công nghệ và các tính năng tương tác cần thiết để đáp ứng được mục tiêu đề ra. Chúng tôi cần phải nắm vững chương trình, nghiên cứu sách giáo khoa, kết hợp với các tài liệu tham khảo khác để đưa ra nội dung kiến thức nào cần đạt được trong quá trình học tập” – thầy Đạt nói.
Áp dụng vào năm 2018, phần mềm đã được giới thiệu cho các giáo viên giảng dạy tiếng Mnông tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Đắk Nông. Phần mềm được tải lên kho ứng dụng và được sử dụng miễn phí ai cũng có thể tải về. Phần mềm có thể phục vụ nhu cầu tra cứu của một lượng lớn người dân tại địa phương. Phần mềm giúp tra cứu từ vựng mọi lúc mọi nơi, hỗ trợ đắc lực cho việc học tập tiếng Mnông tại địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Người học tiếng Mnông có thể sử dụng rất nhiều chức năng phù hợp với mình như: Tra từ, luyện tập, ghi chú... để hỗ trợ. Xây dựng bộ câu hỏi, mục từ phong phú, đa dạng có thể phù hợp và áp dụng cho tất cả mọi người có nhu cầu, đặc biệt là cán bộ làm trong các cơ quan Nhà nước muốn giao tiếp với người Mnông.
Thầy Đạt cho biết: Mục đích xây dựng từ điển tiếng Việt - Mnông là để tạo điều kiện học tập mọi lúc mọi nơi, dành cho mọi người. Phần mềm có dung lượng 13MB, không chiếm nhiều bộ nhớ của điện thoại. Trên kho ứng dụng, người dùng đánh giá tốt với số điểm tương đối cao, rất thích hợp cho cán bộ giảng dạy tiếng Mnông.
Từ điển Việt – Mnông trên Google Play |
Soạn sách bằng công nghệ thực tế ảo
Sách Sinh học lớp 10 ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường của các tác giả Võ Nguyễn Đình Trí, Nguyễn Quang Đức (Đà Nẵng) cũng là công trình đoạt giải cao nhất tại Cuộc thi Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2019. Bộ sách bao gồm 1 quyển sách tóm tắt toàn bộ nội dung sách giáo khoa môn Sinh học lớp 10.
Sách Rebo có rất nhiều đồ họa, sơ đồ tư duy, hình vẽ và tối giản số chữ nên khi sử dụng kết hợp với sách giáo khoa, học sinh sẽ dễ dàng tìm ra các mối liên kết kiến thức, từ đó nhớ bài nhanh và lâu hơn. Rebo còn bao gồm bộ công cụ kính hiển vi giấy Foldscope được gấp gọn trên một mặt phẳng cùng 30 tiêu bản động - thực vật, ống nghiệm, dụng cụ làm tiêu bản.
Khi giảng dạy, giáo viên và học sinh còn có thể tự thu thập các mẫu sinh vật cỡ nhỏ khác, tự làm tiêu bản để nghiên cứu, phát triển tư duy. Đặc biệt nhất, bộ sách này còn đi kèm với bộ thẻ thực tế ảo tăng cường (AR) cùng ứng dụng di động quan sát hình ảnh AR. Mỗi tấm thẻ in hình các chuỗi phân tử, tế bào, dãy ADN…
Khi quan sát chúng qua ứng dụng di động, những hình ảnh này sẽ lập tức hiển thị 3D sống động, cho phép người dùng chạm vào, di chuyển hình ảnh lên trang giấy, xoay ngang dọc để quan sát các phía. Nhờ vậy, những nội dung kiến thức tưởng chừng “khô khan”, nay lại hóa thành một trò chơi kích thích trí tò mò, sáng tạo.
Ngoài ra, Rebo còn có một chatbot (robot trò chuyện) trên nền tảng tin nhắn của Facebook. Sau mỗi bài học, học sinh có thể vào trò chuyện với chú robot này để được kiểm tra bài, ôn lại kiến thức đã học.
Nguyễn Đình Trí cho biết: “Học trong lớp khối A (Toán, Lý, Hóa), em nhận thấy rất nhiều bạn cùng lớp có tâm lý xem nhẹ các môn Sinh học, Địa lý, Lịch sử... vì coi đó là môn phụ. Các bạn học để cho qua môn chứ không phải vì niềm yêu thích nên việc học rất khổ sở, lại dễ chán. Lúc này, em và Đức đã với nhau phải làm điều gì đó để giúp giải quyết tình trạng này”.
Suốt 3 tháng, hai cậu học trò tự tìm tòi, nghiên cứu để xây dựng phiên bản đầu tiên của bộ sách thực tế ảo. Theo Nguyễn Quang Đức, cái khó nhất là phải biên soạn nội dung quyển sách thế nào cho hay, ngoài ra phải cập nhật thêm các kiến thức mới. Trong khi đó, ứng dụng AR cũng phải được thiết kế sao cho người dùng không nhanh chán.