Báo GD&TĐ đã trao đổi với PGS.TS. Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục CNTT, Phó trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ Bắc Ninh trong phòng, chống dịch Covid-19 để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
- Thưa ông! Tại phiên họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chuyển tải thông điệp phòng, chống dịch “5K cộng vắc xin và công nghệ”. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về thông điệp này?
PGS.TS. Trần Quý Tường: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo phải tổng tiến công toàn lực, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn để dập dịch.
Trước những diễn biến mới của dịch, đòi hỏi giải pháp tích cực hơn, toàn diện hơn, phù hợp hơn, hiệu quả hơn theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Chúng ta phải phòng, chống từ sớm, từ xa, từ trước khi có dịch với phương châm “5K + vaccine và kết hợp giải pháp công nghệ”.
Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ có 3 nhóm nội dung chính: Một là, toàn dân chúng ta phải tiếp tục thực hiện 5K (Khẩu trang, Khử khuẩn, khoảng cách, Không tập trung đông người, Khai báo y tế) theo khuyến cáo của Bộ Y tế để chung sống an toàn với dịch bệnh, giữ an toàn cho bạn và chúng ta trước đại dịch Covid-19.
Hai là, để phòng chống dịch bền vững, chúng ta phải có được miễn dịch cộng đồng. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam phải tiêm vắc xin cho tối thiểu là 70% dân số (gần 70 triệu người) trong năm 2021. Đây cũng là một thách thức đối ngành y tế nước nhà, vì tình trạng khan hiếm vắc xin ở trên thế giới trong khi chúng ta chưa sản xuất được vắc xin trong nước.
Ba là, chúng ta phải tăng cường áp dụng công nghệ vào công tác truy vết, kiểm soát nguồn lây Covid-19.
Về các giải pháp công nghệ thông tin hỗ trợ phòng chống dịch bệnh Covid-19 gồm: Khai báo y tế tự nguyện NCOVI dành cho người dân; Khai báo y tế khi di chuyển bao gồm trong nước và di chuyển nội địa: tokhaiyte.vn (Vietnam Health Declaration).
Ứng dụng Bluezone phát hiện tiếp xúc gần với người bệnh, người nghi nhiễm thông qua Bluetooth của điện thoại thông minh (hiện đã có hơn 37 triệu người dùng); Hệ thống bản đồ chống dịch An toàn Covid (antoancovid.vn) để các cơ sở đông người. Trước mắt là trường học, cơ sở khám chữa bệnh khai báo và công bố an toàn Covid-19 hằng ngày.
Hệ thống ghi nhận người đến và đi các địa điểm công cộng bằng quét QR Code thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh: NCOVI, Vietnam Health Declaration và Bluezone. Tất cả các địa điểm công cộng đều phải thực hiện kiểm soát y tế đối với khách đến, đi bằng QR Code.
Triển khai phần mềm quản lý xét nghiệm Covid-19, rô bốt hỗ trợ chăm sóc người bệnh nhằm giảm tải cho nhân viên y tế trong chăm sóc và phòng bệnh.
Các phần mềm tổng hợp, phân tích, dự báo dịch bệnh cung cấp thông tin kịp thời cho Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế chỉ đạo kịp thời truy vết, ngăn chặn, khoanh vùng, cách ly, dập dịch, điều trị bệnh Covid-19 có hiệu quả
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ chẩn đoán bệnh. Cụ thể, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) đã phối hợp với tỉnh Bắc Ninh triển khai thử nghiệm tổng đài tư vấn viên ảo Callbot thực hiện các cuộc gọi đến hơn 1.000 người dân Bắc Ninh để ghi nhận thông tin liên quan đến khai báo y tế và phản ánh về dịch bệnh Covid-19.
Đối với giải pháp Công nghệ sinh học, Việt Nam chúng ta đã thực hiện: Phân lập, nuôi cấy thành công vi rút Corona, mở đường cho sản xuất kit test chẩn đoán và nghiên cứu sản xuất vắc xin. Từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, Việt Nam là quốc gia thứ 3 nuôi cấy và phân lập thành công virus nCoV.
Việt Nam có 2 đơn vị nghiên cứu sản xuất vắc xin đã qua 2 giai đoạn thử nghiệm, đang thử nghiệm giai đoạn 3, quy mô rộng. Nếu thành công sẽ sản xuất hàng loạt.
Hai trụ cột chiến lược vắc xin là mua và nghiên cứu sản xuất trong nước. Bộ Y tế đã đàm phát mua được khoảng 150-170 triệu liều.
Ngày 7/6/2021, Thủ tướng làm việc với các nhà khoa học trong nước đã chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc xin trong nước, tiến hành bảo quản, tiêm vắc xin nhanh nhất, an toàn nhất, hiệu quả nhất cho người dân.
Tất cả những công việc này phải tiến hành khẩn trương, “vừa chạy vừa xếp hàng”.
- Đến nay, Bắc Ninh đã đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT phục vụ cho phòng, chống dịch như phát động và yêu cầu toàn dân cài đặt Bluezone, khai báo y tế điện tử, chỉ đạo Sở TT&TT xây dựng bản đồ Covid-19, lắp đặt hệ thống camera giám sát ở khu vực cách ly, phong tỏa... Ông đánh giá thế nào về những công việc đã triển khai tại Bắc Ninh?
PGS.TS. Trần Quý Tường: Bắc Ninh đã thành lập Tổ phân tích thông tin để phân tích các nguồn dữ liệu, đề xuất việc truy vết, xét nghiệm và đánh giá nguy cơ lây lan, khuyến nghị kịp thời trong phòng chống dịch bệnh.
Hệ thống tin nhắn qua nền tảng Zalo được xây dựng nhằm triển khai nhanh chóng, kịp thời các chỉ đạo của Ban chỉ đạo tỉnh tới tận các thành viên Tổ Covid-19 cộng đồng.
Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn tỉnh cài đặt, sử dụng và khai báo y tế điện tử.
Theo thống kê từ Hệ thống thông tin quản lý khai báo y tế thì tổng số lượt khai báo y tế tại Bắc Ninh đến ngày 15/6/2021 là 1,2 triệu lượt tờ khai báo y tế điện tử.
Tỉnh Bắc Ninh có trên 600 nghìn người cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone trên điện thoại thông minh, chiếm hơn 42% dân số tỉnh, đứng thứ 2 trong 63 tỉnh, thành trên cả nước. Ngoài ra, toàn tỉnh có 10.519 cơ sở lập QR Code từ hệ thống tờ khai y tế để người dân quét mã bằng ứng dụng Bluezone.
Đối với đối tượng công nhân, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông xây dựng phần mềm quản lý thông tin của toàn bộ công nhân tại các khu công nghiệp. Từ đó, việc quản lý, giám sát, truy vết được thực hiện nhanh chóng khi có ca bệnh tại khu công nghiệp đồng thời cung cấp dữ liệu kịp thời cho công tác chỉ đạo, điều hành.
Xây dựng được bản đồ an toàn Covid-19 trong tỉnh nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch hiệu quả. Đồng thời, người dân có thể tham khảo để chủ động tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch của cá nhân.
- Bên cạnh các kết quả đã được chứng minh, theo ông, trong thời gian tới, Bắc Ninh cần tiếp tục nâng cao và quan tâm ứng dụng CNTT phục vụ phòng dịch nói riêng và lĩnh vực y tế nói chung như thế nào?
PGS.TS. Trần Quý Tường: Sở Y tế tăng cường phối hợp Sở Thông tin và truyền thông duy trì các hoạt động ứng dụng CNTT trong phòng chống dịch bệnh. Hằng ngày, có nhân viên y tế thực hiện việc theo dõi tờ khai y tế điện tử để kịp thời xác minh, truy vết người bệnh sớm nhất. Từ đó, giảm thiểu lây lan trong cộng đồng (nếu có).
Triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý xét nghiệm, giúp cho việc lấy mẫu xét nghiệm nhanh, chính xác, giảm nhân lực. Đồng thời, hỗ trợ việc trả kết quả nhanh và tổng hợp báo cáo kịp thời hơn.
Sở Y tế cùng với Cục CNTT tiếp tục hoàn thiện duy trì phần mềm tổng hợp, phân tích báo cáo tình hình dịch bệnh theo thời gian thực.
Tiếp cận và triển khai các ứng dụng mới như ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ chẩn đoán bệnh, ứng dụng rô bốt trong các bệnh viện dã chiến…
Tăng cường UDCNTT trong quản lý các khu cách ly tập trung. Đề nghị Sở Y tế Bắc Ninh khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số y tế theo Chương trình chuyển đổi số của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 5316/QĐ-BYT ngày 22/12/2020. Trong đó, tập trung ứng dụng CNTT trong quản trị y tế, phòng bệnh và khám chữa bệnh.
Đối với người dân, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh khuyến cáo nhân dân không chủ quan, lơ là với việc phòng chống dịch bệnh. Mỗi người phải chủ động phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế, thực hiện tốt khuyến cáo 5K. Tự nguyện khai báo y tế đầy đủ khi có thay đổi sức khỏe và khi có di chuyển sang xóm, thôn… khác.
Dưới sự chỉ đạo của quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phối hợp của Bộ Y tế cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, tích cực tham gia của nhân dân trong tỉnh, chúng tôi tin tưởng rằng dịch bệnh Covid-19 ở Bắc Ninh sẽ được khống chế trong vòng 1 tuần tới.
- Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS. Trần Quý Tường.