Nhận định được báo Mỹ dẫn lời binh sĩ Ukraine trên chiến trường khi họ phải đối mặt với bom dẫn đường cực chính xác của Nga.
Olexandr Solonko, binh sĩ Ukraine đang tham chiến tại mặt trận Zaporizhzhia, cho biết: "Bom UMPK là một trong những nỗi sợ lớn nhất trên chiến trường. Lực lượng Nga sử dụng chúng một cách triệt để. Tôi không thể bình luận về độ chính xác, nhưng loại bom này có uy lực rất mạnh".
Một số hình ảnh được truyền thông Mỹ đăng tải hôm 28/8 cho thấy khung cảnh nhóm lính Ukraine thoát chết sau khi phòng tuyến của họ trúng bom dẫn đường Nga. Quả bom rơi cách phân đội Ukraine khá xa, nhưng vẫn tạo ra cột khói bụi khổng lồ và trận mưa đất đá liên tục trút xuống.
Lực lượng Ukraine bắt đầu đối mặt với nguy hiểm lớn từ đầu tháng 3/2022, khi không quân Nga chuyển sang sử dụng bom dẫn đường.
Lực lượng Kiev nói rằng ngay trong ngày đầu sử dụng, tiêm kích Nga đã thả một quả bom lượn thông minh nặng hơn 1 tấn UPAB-1500 nhằm vào mục tiêu ở tỉnh Chernihiv, cách biên giới khoảng 40 km.
Bộ Quốc phòng Ukraine đêm 24/3 thông báo tỉnh miền bắc Sumy cũng phải hứng chịu đòn không kích nghiêm trọng, khi máy bay Nga thả 11 quả bom FAB-500 gắn Mô-đun Dẫn đường và Cánh nâng Hợp nhất (UMPK).
UMPK gồm thiết bị định vị vệ tinh GLONASS và hệ thống điều khiển để tăng đáng kể độ chính xác, kèm theo cánh nâng cho phép bom bay xa hơn nguyên bản.
Một bộ UMPK có giá xuất xưởng khoảng 24.000 USD. Chi phí này rẻ hơn nhiều so với tên lửa dẫn đường Kh-29 có khối thuốc nổ tương đồng và mức giá lên tới 140.000 USD/quả.
Phát ngôn viên không quân Ukraine Yurri Ignat đầu tháng 4 nói rằng chiến đấu cơ Nga thả tới 20 quả bom dẫn đường mỗi ngày nhằm vào các mục tiêu dọc tiền tuyến.
Kể từ khi bắt đầu sử dụng UMPK, chiến đấu cơ Nga liên tục sử dụng bom lượn thông minh UPAB-1500 và bom dẫn đường FAB-500 UMPK để tấn công lực lượng Ukraine. Binh sĩ Ukraine gọi các loại này là "KAB", tên gọi chung của các loại bom dẫn đường ra đời từ thời Liên Xô.
Bom dẫn đường gắn bộ UMPK khi được máy bay thả từ độ cao lớn có thể bay xa tới 50 km, giúp chiến đấu cơ Nga có thể hoạt động từ ngoài tầm bắn của phần lớn hệ thống phòng không Ukraine.
UPAB-1500B mang khối thuốc nổ nặng hơn một tấn cũng có thể tấn công mục tiêu từ khoảng cách 50 km và phù hợp với nhiều mẫu máy bay chiến thuật của Nga. Loại bom này được Nga ra mắt từ năm 2019, sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính và định vị vệ tinh GLONASS, có sai số mục tiêu khoảng 10 m.
Chuyên gia quân sự Mỹ David Axe cho biết: "Bom lượn UPAB-1500 và FAB-500 UMPK có độ chính xác không quá cao, do hệ thống GLONASS của Nga thua kém GPS do Mỹ phát triển.
Tuy nhiên, các quả bom không cần quá chính xác khi chúng mang khối thuốc nổ nặng tới một tấn. Điều nguy hiểm hơn là chúng rất rẻ, cho phép triển khai đại trà trên lượng lớn chiến đấu cơ, gây thêm khó khăn cho lưới phòng không Ukraine".
Binh sĩ Ukraine nói rằng các quả bom dẫn đường của Nga thường nhắm vào sở chỉ huy và trung tâm hậu cần, nhưng máy bay đối phương cũng sẵn sàng tập kích những mục tiêu ít quan trọng hơn, như điểm tập kết binh lực hoặc cứ điểm ở tiền tuyến, nếu có UAV chỉ thị mục tiêu.
Solonko cho biết: "UAV trinh sát như Orlan, Zala và Supercam rất hiệu quả và gây ra nhiều vấn đề cho chúng tôi. Chúng cho phép đối phương nhận diện mục tiêu, sau đó tung đòn đánh hiệp đồng bằng bom KAB và lượng lớn UAV tự sát như Lancet.
Vạt rừng có một đơn vị trấn giữ đã bị san phẳng hoàn toàn, chỉ còn lại hàng rào. Mạng lưới chiến hào kiên cố tại đó hoàn toàn không thể sử dụng được sau khi liên tục bị ném bom.
Nếu quân đội Nga không thể định vị chính xác mục tiêu, họ sẽ ném bom dẫn đường vào những tuyến đường di chuyển của chúng tôi. Lực lượng Nga không tiếc bom dẫn đường".
Phương Tây cho rằng mối đe dọa từ bom dẫn đường Nga là một trong những lý do cản trở đà phản công của Ukraine. Trong vòng 11 tuần chiến đấu ác liệt, các đơn vị Ukraine chỉ tiến được chưa đầy 15 km trên ba trục tác chiến thành công nhất.
Clip bom UMPK Nga đánh trúng phòng tuyến Ukraine hôm 28/8 |