Ukraine sớm nhận hàng trăm xe tăng Leopard 2 của châu Âu?

GD&TĐ - Quân đội Ukraine muốn nhận 10% số xe tăng Leopard 2 của châu Âu, tương đương với 200 chiếc.

Ukraine sớm nhận hàng trăm xe tăng Leopard 2 của châu Âu?

"Có khoảng 2.000 xe tăng Leopard 2 trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu ở châu Âu. Chúng đang phục vụ tại các quốc gia bao gồm Đức, Phần Lan, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Na Uy và Ba Lan. Những quốc gia nói trên có thể đoàn kết và trao tặng 10% trong số đó cho Ukraine". Đề xuất như vậy được đưa ra bởi ông Andrii Melnyk - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng thời là cựu Đại sứ Ukraine tại Đức.

Giới phân tích cho rằng sở dĩ lời đề nghị như vậy được Ukraine đưa ra bắt nguồn từ một cuộc vận động hành lang trong giới chính trị Phần Lan, khi hai nghị sĩ Anders Adlercreutz và Atte Harjanne thuộc Đảng SFP và Grønt Forbund tin rằng châu Âu không thể tiếp tục đưa ra quyết định quá chậm chạp về việc cung cấp phương tiện bọc thép chiến đấu hạng nặng cho Ukraine.

Theo hai chính trị gia Phần Lan, cuộc thảo luận tương tự nên được tổ chức ở Đan Mạch. Những nghị sĩ trên cho rằng việc viện trợ Ukraine các xe thiết giáp lỗi thời của Liên Xô cũng như phương Tây là sai lầm lớn. Theo họ, Leopard 2 là loại xe tăng hiện đại có thể đáp ứng yêu cầu chiến trường.

Các ông Adlercreutz và Harjanne khẳng định rằng xe tăng Leopard 2 không chỉ đủ khả năng áp đảo những dòng chiến xa T-64, T-72 và T-80 đã cũ, mà còn có thể trở thành "vũ khí thay đổi cuộc chơi".

Đã xuất hiện nhiều tiếng nói về việc châu Âu nên viện trợ xe tăng Leopard 2 cho Ukraine.

Đã xuất hiện nhiều tiếng nói về việc châu Âu nên viện trợ xe tăng Leopard 2 cho Ukraine.

Nhưng cần lưu ý, bất cứ ai quyết định tặng xe tăng Leopard 2 cho Ukraine cũng phải xin phép Đức bởi Berlin là nhà sản xuất những cỗ chiến xa nói trên. Trong những tháng gần đây, đã có một cuộc tranh luận sôi nổi giữa các chính trị gia và cả trong xã hội Đức về việc có nên "bật đèn xanh" đối với việc chuyển giao dòng MBT này cho Kyiv hay không.

Mặc dù vậy, cần nhấn mạnh rằng vào cuối năm ngoái, Thủ tướng Olaf Scholz đã tuyên bố rằng Đức không có ý định đơn phương giao xe tăng cho Ukraine.

Một mặt đây là hành động từ chối cung cấp Leopard 2, nhưng mặt khác, đây chính xác là điều mà hai chính trị gia Phần Lan đang thực hiện - sáng kiến ​​các quốc gia châu Âu liên kết lại để viện trợ xe tăng cho Kyiv.

Chuyên gia Jens Wenzel Kristoffersen đến từ Trung tâm Nghiên cứu Quân sự tại Đại học Copenhagen tin rằng vấn đề không phải là số lượng xe tăng Leopard 2 sẵn có để cung cấp cho Ukraine, mà chủ yếu là nỗi sợ về việc cuộc chiến sẽ leo thang đến mức mất kiểm soát, nếu Nga quyết phản ứng mạnh.

Ông Kristoffersen cũng nhấn mạnh, việc Nga tự sản xuất xe tăng mang lại lợi thế cho Moskva trong cuộc chiến này. Ukraine đã nhận hàng trăm MBT Liên Xô, bao gồm cả T-72, nhưng chẳng mấy chốc những phương tiện bọc thép sẵn sàng chiến đấu còn lại sẽ không thể thực hiện chức năng chính của chúng.

Trước thực tế trên, chuyên gia Kristoffersen tin rằng sớm hay muộn, phương Tây (mà cụ thể là châu Âu) sẽ phải viện trợ xe tăng cho Ukraine. Nhưng nếu điều đó xảy ra, vấn đề cực kỳ quan trọng đối với Kyiv là đảm bảo cung cấp phụ tùng và đạn dược thường xuyên.

Ngoài ra ông Kristoffersen tin rằng binh sĩ Ukraine sẽ mất nhiều thời gian để học cách sửa chữa thiết bị phương Tây hơn là khai thác chúng trên chiến trường. Và đây chỉ là một phần của những khó khăn kỹ thuật mà Ukraine cũng như châu Âu sẽ phải đối mặt.

Về phía Copenhagen, ông Fleming Splidsboel - nhà nghiên cứu cấp cao về an ninh toàn cầu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch (DIIS) tin rằng hiện đang có một cuộc tranh luận ngày càng căng thẳng ở châu Âu.

Đáng chú ý là Bộ Quốc phòng Đan Mạch không thảo luận về việc viện trợ xe tăng cho Ukraine vào lúc này. Vấn đề không phải từ chối, mà là không cung cấp thông tin cho công chúng, điều này không loại trừ việc họ thực sự tiến hành một cuộc thảo luận như vậy.

Trong những tuần gần đây, tại cả châu Âu và Mỹ, nhiều chính trị gia và chuyên gia quân sự đều thống nhất rằng không nên cung cấp vũ khí cho Ukraine một cách bừa bãi. Theo ý kiến ​​​​chung, cần phải xem xét cẩn thận những gì đang diễn ra ngoài thực địa để tìm lựa chọn tốt nhất cho hệ thống vũ khí được chuyển giao.

Theo Bulgarian Military

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...