Ukraine dùng vũ khí khủng khiếp hơn HIMARS tại Bakhmut

GD&TĐ -Với tầm bắn lên tới 110km, tổ hợp Vilkha-M của Ukraine được đánh giá có sức mạnh lớn hơn nhiều so với HIMARS Mỹ chuyển cho Kiev.

Đạn tên lửa của Vilkha-M được thiết kế tối tân.
Đạn tên lửa của Vilkha-M được thiết kế tối tân.

Phát biểu trong Hội nghị Đối thoại An ninh Mỹ - Ukraine hôm 28/2, ông Ivan Vinnyk, Phó giám đốc thứ nhất của Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng Ukraine cho biết, quân đội nước này đã sử dụng hệ thống pháo phản lực hạng nặng tự phát triển Vilkha-M trong các cuộc giao tranh.

"Hệ thống Vilkha-M đã được sử dụng trong điểm nóng chiến đấu, vũ khí này có tầm bắn hiệu quả lên tới 110km (68 dặm) và đầu đạn có kích thước 300mm. Tạo nên đòn tấn công cực chính xác và nguy hiểm vào đối thủ", ông Ivan Vinnyk phát biểu.

Để biết được kích thước cùng sức mạnh của Vilkha-M, cần so sánh vũ khí này với tổ hợp HIMARS của Mỹ. Trong khi HIMARS chỉ có kích thước 227mm và tầm bắn khoảng 80km thì những thông số này của Vilkha-M lên tới 300mm và tầm bắn đạt 110km.

Để tăng cường độ chính xác cho từng phát bắn, đạn của Vilkha-M được dẫn đường bằng GPS. Phần chiến đấu của từng quả đạn được thiết kế rất nhiều bánh lái không khí để điều chỉnh hướng bay cho quả đạn sao cho chính xác nhất khi lao vào mục tiêu.

Lãnh đạo của Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng Ukraine còn tiết lộ thêm rằng, hiện cơ quan này đang thực hiện chương trình tăng sức mạnh cho Vilkha-M bằng việc nâng tầm bắn lên tới 150km và tăng sức công phá cho đầu đạn. Nếu thành công, Vilkha-M có tầm bắn gần gấp đôi những hệ thống HIMARS Mỹ đã chuyển cho Ukraine.

Dù ông Ivan Vinnyk không nhắc đến địa điểm chính xác Vilkha-M được sử dụng nhưng theo tờ War Zone, điểm nóng chiến sự được nhắc đến chính là Bakhmut - nơi đang diễn ra những cuộc giao tranh khốc liệt giữa quân đội Ukraine và lực lượng Nga.

Như vậy, hệ thống pháo phản lực Vilkha-M là vũ khí mới nhất do Ukraine phát triển được đưa vào chiến đấu trong cuộc xung đột với Nga. Trước đó, tên lửa hành trình chống hạm Neptune cũng đã chứng minh được sức mạnh trong thực chiến.

Neptune được Ukraine đưa vào hoạt động từ tháng 8/2020 và được thiết kế để tấn công nhiều loại tàu mặt nước. Tên lửa có tốc độ 900 km/h, tầm bắn 280 km, trần bay chỉ 3-10 m và có thể tránh được các mồi nhử khi tiếp cận mục tiêu.

Với đầu đạn nặng 150kg, Neptune có thể đánh chìm tàu ​​có lượng choán nước lên tới 5.000 tấn. Tổ hợp Neptune gồm 1 hệ thống chỉ huy di động cùng 6 bệ phóng. Thời gian triển khai tác chiến của Neptune chỉ trong vòng 10 phút.

Và Neptune được cho là đã đánh chìm soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen Nga hồi năm 2022. Cùng với những vũ khí kể trên, tên lửa chống Stugna-P cũng lập tức được Kiev đưa vào tham chiến ngay khi xảy ra xung đột với Nga dù trong tay đang có tên lửa Javelin do Mỹ sản xuất.

Những tên lửa Stugna-P đã từng được sử dụng trong các trận đánh chiếm sân bay chiến lược ở Donetsk và Luhansk, vào năm 2014 – 2015. Theo thông báo của phía Ukraine, ít nhất 2 trực thăng tấn công Ka-52 của Nga bay tầm thấp đã bị bắn rơi khi bởi Stugna-P. Ngoài ra, hàng chục chiếc xe bọc thép Nga cũng là nạn nhân của Stugna-P.

Mặc dù ít được nhắc tới hơn so với tên lửa chống tăng Javelin hay NLAW, nhưng Stugna-P đã thể hiện hiệu suất tác chiến đặc biệt cao, chứng minh nó là vũ khí diệt tăng rất hiệu quả. Hệ thống tên lửa chống tăng này sử dụng phương thức dẫn đường bằng laser, có khả năng xuyên thủng vỏ giáp dày của xe tăng và thiết giáp đối phương.

Tổ hợp Vilkha-M của Ukraine.

Tên lửa Stugna-P được trang bị đầu đạn nặng 8 kg, có tầm bắn hiệu quả lên tới 5,5 km vào ban ngày và 3 km vào ban đêm, được trang bị cho Quân đội Ukraine từ năm 2011.

Chuyên gia quân sự Ukraine Yuriy Butusov, Tổng biên tập của trang tin tức quốc phòng Censor cho rằng: "Cuộc xung đột với Nga cho thấy một số loại vũ khí do Ukraine phát triển đã thể hiện được sức mạnh nhất định trên chiến trường".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ