UBND quận Tây Hồ (Hà Nội): Đất nông nghiệp hay đất... chùa?

GD&TĐ - Một gia đình tại quận Tây Hồ (Hà Nội) bất ngờ nhận được quyết định thu hồi đất đang ở để phục vụ việc mở rộng chùa. Tuy nhiên, theo các văn bản pháp luật gia đình trên cung cấp, thửa đất trên là đất nông nghiệp chứ không phải đất của... chùa.

Khu đất của gia đình cụ Chu Thị Khang nằm ngoài vùng bảo vệ phía ngoài tiếp giáp chùa Tảo Sách
Khu đất của gia đình cụ Chu Thị Khang nằm ngoài vùng bảo vệ phía ngoài tiếp giáp chùa Tảo Sách

Nguồn gốc đất

Báo GD&TĐ nhận được đơn của cụ Chu Thị Khang, trú tại số 21 ngõ 416 Lạc Long Quân (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP Hà Nội). Theo đó, gia đình cụ sử dụng hợp pháp thửa đất khoảng 700m2 là đất nông nghiệp thuộc tổ 42 cụm 3 phường Nhật Tân. Thửa đất này từ nhiều chục năm trước gia đình cụ Khang “đầu tư đắp bờ, đổ đất trồng cây chắn sóng hồ Tây” để trồng rau và chăn nuôi.

Năm 2001, Chính quyền địa phương đã cấp 2 số nhà 5A/394 và 5B/394 Lạc Long Quân và có hợp đồng mua bán điện, nước tại 2 số nhà trên cho gia đình cụ Khang. Năm 2005, thực hiện Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật quanh hồ Tây, Nhà nước đã lấy một phần thửa đất. Năm 2009, Nhà nước lấy tiếp một phần nữa cho Dự án mở rộng đường Nguyễn Hoàng Tôn. Hiện thửa đất còn khoảng 175m2, tiếp giáp với đường ven hồ Tây và vườn hoa cuối đường Nguyễn Hoàng Tôn.

Theo luật sư Nguyễn Thu Hường (Đoàn luật sư TP Hà Nội), thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch cũng như điều chỉnh quy hoạch đối với Di tích lịch sử - văn hóa phải tuân thủ Nghị định 70/2012/NĐ-CP, và mới đây là Nghị định 166/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, việc điều chỉnh quy hoạch di tích phải tuân thủ đầy đủ các bước như xin chủ trương, lập nhiệm vụ, lập đồ án, thẩm định - phê duyệt đồ án, trong đó không thể bỏ qua bước lấy ý kiến của tổ chức, công dân có liên quan. “Thực hiện đúng quy định pháp luật là biện pháp duy nhất để bảo vệ Di tích đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức, công dân liên quan” - luật sư Nguyễn Thu Hường nói. 

Ngày 9/4/2019, Chính quyền quận Tây Hồ đã tống đạt cho gia đình cụ Quyết định thu hồi nốt thửa đất 175m2 (Quyết định được ban hành từ ngày 24/1/2019) với lý do “thực hiện Dự án di chuyển các hộ dân ra khỏi khu vực 1 chùa Tảo Sách”. Ngày 10/5/2019, cụ Khang nộp đơn khiếu nại tới UBND quận Tây Hồ. Ngày 27/5/2019, cụ Khang nhận được Thông báo “thụ lý giải quyết khiếu nại lần đầu” của UBND quận Tây Hồ.

Trong đơn gửi Báo GD&TĐ, cụ Khang cho rằng chính quyền quận Tây Hồ đã vi phạm các quy định của Luật Di sản văn hóa và Luật Đất đai khi thu hồi đất của gia đình cụ. Cụ thể, theo Luật Di sản văn hóa, thửa đất của gia đình cụ hoàn toàn nằm ngoài vùng bảo vệ I và vùng bảo vệ II của Di tích lịch sử - văn hóa chùa Tảo Sách, không có căn cứ để “điều chỉnh quy hoạch” lấy đất của cụ giao lại cho chùa. Về Luật Đất đai, đất của cụ Khang là đất nông nghiệp, không phải đất của tổ chức tôn giáo; không có căn cứ quy kết gia đình cụ “lấn chiếm đất chùa” nên không thể thu hồi để chuyển thành đất của tổ chức tôn giáo. Vì vậy, cụ Khang mong muốn được chính quyền quận Tây Hồ “giải quyết khiếu nại theo đúng các quy định pháp luật”.

Thiếu nhiều thủ tục thu hồi đất

Theo tìm hiểu, chùa Tảo Sách (nằm trên đường Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội) được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1993. Theo hồ sơ, diện tích vùng I (vùng có các yếu tố gốc của di tích, được bảo vệ nghiêm ngặt) của chùa Tảo Sách là 3.822m2. Diện tích vùng II (vùng bảo vệ phía ngoài) mở rộng thêm 20m đều ra bốn phía của chùa. Theo đó, diện tích 175,1m2 đất của gia đình cụ Khang hiện đang bị thu hồi hoàn toàn nằm ngoài vùng bảo vệ II của chùa Tảo Sách.

Theo hồ sơ Chính quyền quận Tây Hồ cung cấp, ngày 12/11/2012, UBND TP Hà Nội có Công văn số 9057 gửi Bộ VH,TT&DL, đề nghị chấp thuận điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ 3 di tích ở quận Tây Hồ, trong đó có chùa Tảo Sách. Ngày 6/3/2013, Bộ VH,TT&DL có Văn bản số 700 “thống nhất với việc điều chỉnh khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích” do UBND TP Hà Nội đề nghị. Theo đó, chùa Tảo Sách có diện tích vùng bảo vệ I tăng từ 3.822m2 lên thành 7.260m2. Việc mở rộng diện tích di tích dẫn đến thu hồi đất của gia đình cụ Khang và một số hộ dân khác liền kề. Tuy nhiên, hồ sơ chính quyền quận cung cấp cho thấy việc điều chỉnh quy hoạch chùa Tảo Sách còn thiếu rất nhiều thủ tục đã được quy định chặt chẽ tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa, như: Lấy ý kiến của các tổ chức, công dân có liên quan; phê duyệt đồ án của Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Về nguồn gốc thửa đất của gia đình cụ Khang, theo các văn bản của chính quyền quận Tây Hồ thì thửa đất này là “đất nông nghiệp”, không phải đất của tổ chức tôn giáo. Luật Đất đai không quy định việc thu hồi đất sản xuất nông nghiệp để chuyển sang đất của tổ chức tôn giáo, đây là một trong nhiều vấn đề cần được làm rõ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.