UAE: Nhìn lại nửa thế kỷ cải cách giáo dục

GD&TĐ - Từ những lớp học dựng nên bởi bùn đất đến các phòng thí nghiệm tiên tiến, UAE đã trải qua một hành trình dài cải cách giáo dục.

Đến nay, UAE là một trong những quốc gia có nền giáo dục đi đầu trong khu vực, sở hữu nhiều ngôi trường giảng dạy theo chương trình quốc tế.

Xây nền móng từ bùn đất

Vào những năm 1920, giữa sa mạc Trung Đông, một ngôi trường nhỏ bé, đơn sơ được hình thành, đặt tên là Trường Al Eslah. Dù được đắp bằng bùn đất, đây là ngôi trường danh tiếng thời điểm bấy giờ vì nó là nơi duy nhất trao truyền tri thức.

Chính vì vậy, chỉ những phụ huynh giàu có mới đủ khả năng đăng ký cho con cái theo học tại Al Eslah. Mỗi tháng, họ phải trả 2 Rupee Ấn Độ, con số khá lớn vào thời điểm bấy giờ.

Một thời gian sau, Trường Al Eslah mở thêm chi nhánh ở Dubai, Ras Al Khaimah, hình thành hệ thống trường học đầu tiên tại quốc gia. Cho đến năm 1967, Al Eslah vẫn mượn giáo trình của quốc gia Kuwait mà chưa xây dựng được hệ thống giáo dục riêng. Học sinh UAE muốn tốt nghiệp phải tham gia các kỳ thi tại Kuwait do trường chưa đủ khả năng tổ chức thi riêng.

Qua thời gian, số lượng người nước ngoài di cư đến UAE tăng vọt, thúc đẩy phát triển kinh tế và thu hút người lao động, nhân tài từ khắp nơi trên thế giới. Các trường phổ thông dành cho con em người nước ngoài bắt đầu được thành lập từ những năm 1960 như Trường nói tiếng Anh Dubai, Trường Trung học Anh ngữ GEMS Our Own.

Năm 1971, sau khi giành độc lập từ tay Vương quốc Anh, chính phủ UAE đặt mục tiêu thay đổi và phát triển giáo dục bền vững. Các trường công lập do chính phủ tài trợ được xây dựng trên khắp đất nước, miễn học phí cho mọi công dân. Một trong những cơ quan chính phủ đầu tiên được thành lập là Bộ Giáo dục và Thanh niên (nay đổi tên thành Bộ Giáo dục).

Các trường đại học do nhà nước quản lý cũng bắt đầu được thành lập như Trường Đại học Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, trụ sở tại Al Ain. Thành lập năm 1976, đây cũng là trường đại học đầu tiên của quốc gia này. Nối tiếp đó là Trường Cao đẳng Công nghệ, Trường Đại học Zayed. Đến nay, UAE có khoảng 1.230 trường học với khoảng 1,16 triệu học sinh, sinh viên.

“Thay áo” hệ thống giáo dục quốc gia

Giáo dục UAE hướng đến tính toàn cầu hóa.
Giáo dục UAE hướng đến tính toàn cầu hóa.

Năm 1985, Bộ Giáo dục (MoE) thiết kế chương trình giảng dạy đầu tiên bằng tiếng Ả Rập, dành riêng cho quốc gia. Học sinh trung học được chia theo ban Nghệ thuật hoặc Khoa học.

Đến đầu những năm 1990, các trường công lập bắt đầu giảng dạy môn Toán và Khoa học bằng tiếng Anh. Đặc biệt, từ năm học 1994 - 1995, Khoa học Máy tính được đưa vào chương trình phổ thông nhằm tạo cơ hội để học sinh tiếp cận công nghệ.

Chương trình giảng dạy phổ thông liên tục được thay đổi để phù hợp với từng tỉnh, thành phố. Năm 2010, Cơ quan Quản lý giáo dục thủ đô Abu Dhabi đã xây dựng chương trình giảng dạy mới cho các trường công lập.

Trong đó, tập trung vào các môn Khoa học, Công nghệ, Toán học và Kỹ thuật. Ngoại trừ Khoa học và Toán chỉ dành bằng tiếng Anh, các môn khác được dạy bằng tiếng Ả Rập và tiếng Anh.

Một sáng kiến khác tại thành phố Dubai được giới thiệu vào năm 2012, gọi là Chương trình Học tập Thông minh Mohammad Bin Rashid. Học sinh từ lớp 6 sẽ được phát máy tính bảng. Hai chương trình học này đều hướng tới đào tạo người học thông minh, bắt nhịp nhanh với các hệ thống giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Đến năm 2017, chương trình giảng dạy tại Dubai và Abu Dhabi được phổ biến đến các trường công lập trên khắp đất nước. Các môn Khoa học, Toán học vẫn được giảng dạy bằng tiếng Anh trong khi Lịch sử, Khoa học Xã hội, Địa lý và Kinh tế được kết hợp thành môn học duy nhất.

Học sinh phổ thông sẽ tiếp cận một số môn học mới như Thiết kế Sáng tạo, Khoa học Sức khoẻ, Hướng nghiệp, Kỹ năng sống và Quản lý kinh doanh. Chương trình học cũng dành sự quan tâm cho học sinh năng khiếu bởi những em này sẽ học các môn cụ thể phù hợp với sở thích cá nhân.

Là một phần trong chương trình phổ thông 2017, UAE đã tiêu chuẩn hóa hoạt động thanh kiểm tra trường học. Bộ Giáo dục phân loại các cơ sở giáo dục thành 6 nhóm. Mỗi năm, Bộ sẽ kiểm tra chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất và trình độ trung bình của từng trường để cấp phép hoạt động cho năm sau.

Bên cạnh đó, các trường phổ thông bắt đầu giảng dạy bắt buộc môn Giáo dục đạo đức nhằm xây dựng lòng khoan dung, lối sống có đạo đức, hướng đến cộng đồng cho thanh   thiếu niên.

Tại thủ đô Abu Dhabi, sự thay đổi về tiêu chuẩn giáo dục được nhìn nhận đặc biệt rõ ràng trong thập kỷ qua. Từ năm 2008, Cơ quan Quản lý giáo dục đã đóng cửa nhiều cơ sở tư nhân kém chất lượng. Chính quyền tập trung cải thiện thành tích của học sinh qua các kỳ đánh giá quốc tế như Chương trình Đánh giá Học sinh quốc tế, Xu hướng Nghiên cứu Khoa học và Toán học quốc tế.

Giáo dục hướng đến toàn cầu hóa

Sự đổi mới nhanh chóng trong lĩnh vực giáo dục phù hợp với mục tiêu quốc gia là chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức. Đồng thời, UAE đang và sẽ thúc đẩy chương trình đào tạo kỹ sư không gian, chuyên gia kỹ thuật nhưng vẫn không làm mất đi những giá trị đạo đức của học sinh.

Khi đất nước phát triển, nhu cầu về trường học, mô hình học tập dành cho người nước ngoài, chiếm khoảng 90% dân số, cũng tăng theo. Nhiều trường phổ thông liên cấp, trường tư thục chủ yếu giảng dạy theo chương trình học của Anh, Ấn Độ và Mỹ. Các cơ sở giáo dục hợp tác với nước ngoài cũng tăng vọt như ĐH New York - Abu Dhabi, ĐH Sorbonne - Abu Dhabi, ĐH Khalifa.

Hiện nay, UAE sở hữu nhiều trường quốc tế hơn bất kỳ quốc gia nào khác với 17 chương trình giảng dạy khác nhau, đáp ứng nhu cầu học tập của người nước ngoài. Bên cạnh đó, UAE đã thu hút nhiều cơ sở giáo dục phương Tây hợp tác và đặt cơ sở tại đây.

Trước sự bùng nổ trong lĩnh vực giáo dục hợp tác quốc tế, UAE đã thành lập cơ sở quản lý lĩnh vực này. Ví dụ, tại Abu Dahi là Cơ quan Giáo dục và Kiến thức, tại Dubai là Cơ quan Phát triển Tri thức và Con người, trong khi Sharjah có Cơ quan Giáo dục Tư nhân. Các trường liên kết quốc tế có thể độc lập tài chính nhưng vẫn nằm trong sự quản lý của chính quyền địa phương.

Theo Gulf News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Loài khỉ Jigokudani ngâm mình trong nước nóng vào mùa Đông.

Động vật tránh rét như thế nào?

GD&TĐ - Đào hang, tắm suối nước nóng, 'sống chậm' là những cách giúp các loài động vật chống chọi với cái rét khắc nghiệt trong tự nhiên.

Công ty TNHH DIGI TEXX Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ với các Trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ảnh: CTV

Trung tâm GDTX - GDNN: Vực dậy cách nào?

GD&TĐ - Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo… là những giải pháp căn cơ để các trung tâm GD nghề nghiệp - GD thường xuyên tồn tại và phát triển bền vững.

Rashford công khai đòi rời Man Utd

Rashford công khai đòi rời Man Utd

GD&TĐ - Marcus Rashford tuyên bố "sẵn sàng cho thử thách mới" sau khi bị gạch tên khỏi trận Man Utd thắng Man City 2-1 ở vòng 16 Ngoại hạng Anh.