UAE bị nghi dùng máy bay không người lái tấn công Libya

GD&TĐ - Các thanh sát viên Liên hợp quốc được cho là đang điều tra việc Các tiểu vương quốc Ả rập (UAE) dùng máy bay không người lái để tấn công nhằm vào thủ đô Tripoli của Libya bằng tên lửa.  

Lực lượng trung thành với Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) được quốc tế công nhận.
Lực lượng trung thành với Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) được quốc tế công nhận.

Trong một báo cáo bí mật gửi đến Hội đồng Bảo an, một hội đồng các chuyên gia Liên hợp quốc nói rằng họ đã xem xét ảnh các mảnh vỡ của tên lửa và xác định vũ khí này là tên lửa không đối đất Blue Arrow chưa từng được sử dụng ở Libya trước đây – hãng tin AFP cho biết hôm nay (7/5) khi trích dẫn một tài liệu bí mật bị rò rỉ.

Cuộc tấn công nhằm vào ngoại ô Tripoli được Lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar – người được UAE, Ả rập xê út, Ai Cập và Mỹ ủng hộ - thực hiện vào ngày 19-20/4. Mục đích của cuộc tấn công này là giành thủ đô Tripoli từ tay Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) được quốc tế công nhận.

Theo Nhà trắng, trong một cuộc điện đàm với ông Haftar vào tháng trước, TT Mỹ Donald Trump “đã công nhận vai trò ý nghĩa của Nguyên soái Haftar trong cuộc chiến chống khủng bố và đảm bảo an ninh cho các nguồn dầu mỏ ở Libya”. UAE và Ai Cập cũng khen ngợi chiến thắng của ông Haftar đối với các lực lượng dân quân khác trong nước.

Trong khi đó, tên lửa Bue Arrow không đối đất được LNA sử dụng trong cuộc tấn công chỉ có ở 3 quốc gia: Trung Quốc (nhà sản xuất), Kazakhstan và UAE. Theo các báo cáo, tên lửa này được dùng với máy bay không người lái Wing Loong do Trung Quốc sản xuất.

Báo cáo được nộp cho Hội đồng Bảo an nói rằng hội đồng của Liên hợp quốc đang điều tra “khả năng các biến thể máy bay không người lái Wing Loong được LNA hoặc bên thứ 3 ủng hộ LNA sử dụng”.

Tuy nhiên, ủy ban trên nói rằng họ đã “gần như chắc chắn” những tên lửa trên không được nhà sản xuất hay chính phủ Trung Quốc cung cấp trực tiếp. Ủy ban cũng đã liên lạc với các nhà chức trách Trung Quốc để có thông tin hỗ trợ xác định nước cung cấp vũ khí đó.

Các thanh tra của Liên hợp quốc cũng chỉ ra rằng việc sử dụng máy bay không người lái trên “có thể vi phạm lệnh cấm vận vũ khí vì hệ thống vũ khí này chưa được xác định ở Libya trước đây”.

Hơn nữa, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã tiếp tục kêu gọi ngừng bắn và chấm dứt “sự can thiệp nước ngoài, để người Libya có thể một lần nữa đoàn kết” và tìm một giải pháp chính trị.

Theo Liên hợp quốc, kể từ 4/4, giao tranh giữa các lực lượng LNA và GNA đã làm chết ít nhất 432 người, làm bị thương 2.069 người và khiến 50.000 người phải đi sơ tán.

Theo Press TV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

EU trên đường 'cai' khí đốt Nga

GD&TĐ - Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra hơn 3 năm trước, khối EU đã thực hiện lộ trình 'cai dần' nguồn khí đốt Nga.