U90 đi học Hán Nôm

GD&TĐ - Hơn 10 năm nay, cứ vào ngày rằm và mồng Một âm lịch hằng tháng, lớp học Hán Nôm thuộc Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng diễn ra đều đặn. 

U90 đi học Hán Nôm

Những người tham gia lớp học là cựu chiến binh, cán bộ hưu trí có tuổi đời trên dưới 90. Họ có chung niềm trăn trở trước thực trạng ngày càng ít người theo học chữ Hán Nôm, một kho tàng văn học – sử Hán Nôm do cha ông ta để lại thật phong phú nhưng chưa được khai thác, nghiên cứu, dịch thuật. 

Trăn trở với chữ Hán Nôm

Chúng tôi tìm đến nhà văn hóa phường Hòa Thuận Tây nằm sâu trong một con ngõ trên đường Nguyễn Tri Phương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đúng vào ngày khai mạc buổi học Hán Nôm đầu xuân 2016. Lớp học diễn ra ngay sau khi lễ khai mạc kết thúc với không khí hết sức nghiêm túc. Điều khiến chúng tôi khá bất ngờ là ngoài thành viên là các cụ ông, thì còn có các cụ bà và các giảng viên dạy Hán Nôm và Trung văn tại các trường đại học, nhà nghiên cứu Hán cổ Nguyễn Đức Thắng cùng đến tham dự.

Đại tá Huỳnh Phương Bá - nguyên Phó Cục Trưởng chính trị, Cục Kinh tế Quân khu V, Giám đốc Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng là người sáng lập lớp học Hán Nôm tiền thân của Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng – cho biết: Năm 1988, là một đại tá quân đội trở về với cuộc đời thường, sau mỗi lần trở về quê viếng mộ hay thắp hương các nhà thờ tộc, nhà thờ họ đều thấy đâu đâu cũng đề chữ Hán, chữ Nôm. Ngày ngày ngồi đọc những cuốn sách cũ thì cũng thấy toàn nhắc tới các tác phẩm văn học, sử học Hán Nôm. Vốn có sẵn ít vốn liếng về chữ Hán Nôm nên nghĩ ra ý tưởng thành lập câu lạc bộ để quy tụ những người có chung niềm trăn trở.

Ông chia sẻ: “Hơn 1.000 năm Bắc thuộc, dân tộc ta vẫn trường tồn, không bị đồng hóa. Ta đã tiếp thu, sử dụng chữ Hán theo cách của ta. Đọc chữ Hán theo âm Hán Việt, tạo ra những từ mới, làm giàu tiếng Việt và biết dựa vào chữ Hán để tạo ra chữ Nôm nhằm ghi âm tiếng Việt. Kho tàng văn học chữ Hán, chữ Nôm do cha ông ta để lại thật phong phú, không một dòng họ nào mà không có văn bản Hán Nôm.

Hiện nay vẫn còn một nguồn tư liệu là hoành phi, câu đối, sắc phong hay các bản ghi gia phả, bia mộ, bài vị đều là chữ Hán mà ta chưa khám phá ra hết. Hơn nữa các tác phẩm văn học, cùng nhiều loại văn tự khác mà ông cha để lại cũng đều ghi bằng chữ Hán Nôm. Vì vậy, việc tìm hiểu, nghiên cứu về những nội dung này không chỉ có ý nghĩa về giá trị văn hóa - lịch sử, mà còn có tác dụng giáo dục lòng yêu nước, đạo lý dân tộc”.

Lớp học ban đầu chỉ có 4 thành viên, nhưng đến nay, qua 10 năm tồn tại và phát triển, nhóm đã quy tụ gần 100 thành viên và vượt ra khỏi khuôn khổ của câu lạc bộ Hán Nôm, trở thành Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng (trực thuộc Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng). 10 năm qua, trung tâm đã có đóng góp rất lớn vào việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa và thẩm định giá trị của các nguồn tư liệu cổ, quý hiếm của đất nước... khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Góp sức khẳng định các giá trị văn hóa, lịch sử

Theo ông Nguyễn Đình Ngật – Phó Giám đốc Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng, chương trình học tập không chỉ dựa vào nội dung chỉ dẫn của các sách giáo khoa chuyên ngành Hán Nôm đang được chọn làm giáo trình, tài liệu giảng dạy tại các trường đại học; mà còn được các giảng viên, nhà nghiên cứu chuyên ngành Hán Nôm hướng dẫn phương pháp học, nghiên cứu, dịch thuật các loại văn bản Hán Nôm.

Bên cạnh đó còn thường xuyên tổ chức các cuộc giao lưu, trao đổi với các giảng viên Nguyễn Hoàng Thân, Nguyễn Phong Nam (Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng), nhà nghiên cứu di sản Hán Nôm Phạm Hồng Phúc ở Hội An (Quảng Nam), ThS Phạm Văn Tuấn - Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nhà nghiên cứu Hán tự cổ Nguyễn Đức Thắng...

Song song việc học, các thành viên đã biết gắn kết giữa kết quả học được với hoạt động nghiên cứu, dịch thuật các câu đối, hoành phi, viết gia phả cho nhiều nơi và giúp các tộc, họ trên địa bàn nắm bắt được nội dung, ý nghĩa các văn tự Hán Nôm của tổ tiên để lại. Dần dần, khi vững vàng kiến thức, các thành viên tiến hành khảo sát, nghiên cứu các bia mộ, sắc phong. "

Đại tá Huỳnh Phương Bá cho hay: Uy tín của Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng tiếp tục được khẳng định khi cuối năm 2012, UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo Sở VH,TT&DL mời tham gia thẩm định giá trị của nguồn tư liệu tuồng cổ của gia đình cố nhà văn Nguyễn Văn Xuân, ký hợp đồng với Bảo tàng Đà Nẵng để dịch các văn bản Hán Nôm liên quan đến cụ Phạm Phú Thứ và gia đình...

Công việc được các thành viên trung tâm tích cực triển khai và hoàn thành, được lãnh đạo thành phố ghi nhận, đánh giá cao. Đặc biệt khi phát hiện một số sai sót về những trích dẫn, dịch thuật, thẩm định văn bản chữ Hán Nôm trong cuốn Kỷ yếu Hoàng Sa do UBND H. Hoàng Sa (Đà Nẵng) phát hành vào năm 2012, Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng đã báo cáo cho UBND huyện và Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng.

Ngay sau đó, UBND huyện Hoàng Sa và Hội Khoa học lịch sử đã tổ chức buổi làm việc với Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng và đi đến kết luận: Những nội dung mà trung tâm đưa ra đều có cơ sở và đã được sửa chữa, thay đổi trong lần tái bản Kỷ yếu vào năm 2014.

Trong 10 năm thành lập đến nay, trung tâm đã tham gia dịch miễn phí hàng trăm gia phả, chúc thư, sắc phong, chiếu dụ của các gia tộc ở khắp các tỉnh, thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi mà dòng tộc có nguồn gốc từ các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Qua đó phát hiện ra nhiều điều lý thú về nguồn gốc gia tộc mà con cháu đời sau không ai đọc, hiểu được. Tuy nhiên, điều mà các thành viên Trung tâm Hán Nôm cảm thấy hài lòng, có ý nghĩa, lợi ích thiết thực nhất vẫn là những hoạt động gắn với các trường học trên địa bàn.

Ông Nguyễn Đình Ngật cho biết thêm: “Trong thời gian qua, vừa triển khai học tập và hoạt động nghiên cứu, vừa làm được một số việc như viết (bằng chữ Hán) bài Nam quốc sơn hà tặng Trường Lý Thường Kiệt, Thiên đô chiếu tặng Trường TH Lý Công Uẩn, viết bài Dụ chư tỳ tướng hịch văn tặng Trường THCS Trần Hưng Đạo… Đồng thời, tìm hiểu và bổ sung thêm những thông tin về các danh nhân mà các trường học đang mang tên, giúp nhà trường và học sinh hiểu thêm về truyền thống, lịch sử địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.