Hơn 8 năm qua, lớp piano miễn phí của Trung tâm âm nhạc Upponia (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) trở thành điểm hẹn của các cụ già yêu âm nhạc. Từ đây, ước mơ chơi đàn piano từ nhỏ của nhiều người trở thành hiện thực khi bước sang ngưỡng U80.
Thanh âm của hạnh phúc
Quá tuổi “thất thập cổ lai hy”, cuộc sống của bà Lê Thị Phúc (84 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) có thêm thanh âm hạnh phúc đến từ những phím đàn piano.
Gần 4 năm qua, đều đặn sáng thứ Ba và thứ Sáu hằng tuần, bà đi xe ôm, di chuyển hơn 10 cây số từ nhà đến lớp dạy piano miễn phí cho người già tại Trung tâm âm nhạc Upponia (phường Linh Đông, TP Thủ Đức). Ngồi bên chiếc đàn piano, gương mặt hằn sâu vết thời gian vẫn thảnh thơi “phiêu” theo từng nốt nhạc.
Giai điệu dẫu có chút vụng về nhưng đủ mang đến niềm vui cho tuổi già. “Từ nhỏ, tôi đã thích piano nhưng không có cơ hội học.”, bà Phúc vừa nói, vừa run run xoa đôi bàn tay lốm đốm vết nám lên những phím đàn. “Cảm giác như giấc mơ thành sự thật vậy…”
Không chỉ riêng bà Phúc, lớp còn hơn 20 học viên cao tuổi khác. Người trẻ tuổi nhất năm nay ngót nghét 66, hầu như mái tóc của ai cũng pha sương. Họ từ nhiều tỉnh thành, người Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận hoặc ở huyện xa xôi của TP Hồ Chí Minh như Hóc Môn, Củ Chi. Trừ khi sức khỏe không cho phép, còn lại không gì có thể cản bước “những mái đầu bạc” lặn lội đường sá xa xôi để đến với những phím đàn.
Nhớ lại thời gian đầu đến lớp, bà Phạm Thị Lài (72 tuổi, TP Thủ Đức) kể phải giấu con cái vì xấu hổ. Thế nhưng, khi biết chuyện, con cháu đã tặng bà đàn piano thay lời động viên. Nhờ thế, việc học tiến bộ hơn hẳn.
Giờ đây, bà có thể chơi thành thạo một vài bản nhạc: “Diễm xưa”, “Anh còn nợ em”, “Mặt trời bé con”,... dù mới học một năm. Mỗi khi ai đó trong lớp gọi bà là “học viên sáng giá nhất”, bà chỉ cười ngại ngùng.
Bà tâm sự: “Tôi sinh năm 1952, giữa lúc chiến tranh nên cực kỳ vất vả. Tới khi hòa bình, tôi vừa ra chợ kiếm tiền, vừa đi học nên không chuyên cần. Nhưng bây giờ tôi lại thấy mình siêng hơn hẳn. Chắc vì đam mê được chơi những bản nhạc tôi yêu thích”.
Với bà Lài, âm nhạc còn là “liều thuốc” xoa dịu tâm hồn, giúp bà vượt qua nỗi đau và mất mát. “Sau khi chồng mất, tôi từ quê vào Sài Gòn ở cùng các con. Hai năm đầu chỉ ở nhà chăm cháu, cũng khuây khỏa nhưng không vui bằng bây giờ. Đàn những bản nhạc yêu thích, tôi có thể quên điều cần quên”, bà Lài nói.
Các học viên tập đàn tại Trung tâm âm nhạc Upponia, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Bùi Vân |
Để điều không thể thành có thể
Trung tâm âm nhạc Upponia được cô giáo Trần Thị Thọ (39 tuổi) thành lập cách đây 8 năm. Ban đầu, trung tâm chủ yếu dạy nhạc cho các em nhỏ. Sau đó, không ít lần cô Thọ nghe tâm sự về niềm yêu thích âm nhạc của ông, bà khi đưa con cháu đến lớp. Cô quyết định mở thêm lớp dạy piano miễn phí cho người cao tuổi.
Để các cụ ông, bà có thể chơi thuần thục một bản nhạc đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực của cả người dạy lẫn người học. Cũng vì thế, hiếm trung tâm như Upponia nhận dạy đàn cho người cao tuổi.
“Một giáo trình dạy cho các em nhỏ chỉ mất 3 - 4 tháng. Thế nhưng, với các cụ, thời gian có khi phải tính bằng năm. Vì các cô chú lớn tuổi, việc tiếp thu kiến thức không còn nhanh nhẹn, chưa kể sức khỏe không ổn định nên đi học không đều”, cô Thọ cho hay.
Lớp có 1 giáo viên và 4 trợ giảng, cứ thế luân phiên hướng dẫn, chỉnh sửa động tác người này rồi kiểm tra bài cũ người kia. Ngoài ra, học viên lâu năm cũng tận tình hướng dẫn người học mới. Cứ thế, chỉ sau thời gian ngắn, ai cũng có thể đàn. “Sướng lắm! Học được bài nào là tôi về chơi cho con cháu nghe. Tuổi già không bệnh này thì bệnh kia. Người bị cứng khớp, người tiểu đường. Nhờ có đàn mà chúng tôi sống vui, sống khỏe hơn”, cụ ông Bùi Tuấn Kiệt chia sẻ.
Mở lớp piano với tiêu chí: “Học là phải chơi được” nên cô Thọ dày công nghiên cứu, chuẩn bị giáo trình rồi đúc kết phương pháp phù hợp nhất với người lớn tuổi. “Dạy chung thì dễ cho tôi nhưng khó cho các cô chú. Vì họ đi học không đều. Thực tế, danh sách lớp có hơn 50 học viên, mỗi buổi có khoảng 20 người đến lớp. Chưa kể người mới - cũ, học chậm - nhanh. Nếu dạy chung, người học không theo kịp, dễ áp lực, tự ti”, cô Thọ nói.
Tiếng lành đồn xa, số người biết đến và đăng ký học tại Upponia tăng dần. Với người ở xa, không có điều kiện đến lớp, cô Thọ soạn giáo trình online để họ có thể theo học. Tính đến nay, trung tâm có hơn 200 người cao tuổi là người Việt đang sinh sống ở nước ngoài.
“Tôi chỉ là giáo viên dạy nhạc bình thường, mở trung tâm để kiếm thu nhập trang trải cuộc sống. Nhìn thấy cô chú lớn tuổi nhưng vẫn đam mê nên muốn tạo điều kiện để họ thực hiện giấc mơ.
Họ đã đi qua thời chiến tranh nên rất tiết kiệm. Ở tuổi này họ không làm được gì để kiếm ra tiền, nếu phải đóng học phí thì chắc chắn sẽ không học. Tôi không đành để ước mơ của họ dang dở”, cô Thọ nói.
Lớp học mang đến cho người cao tuổi niềm hạnh phúc lúc xế chiều. Nhưng ở chiều ngược lại, chính những cụ ông, bà cũng tạo nên năng lượng sống tích cực cho người trẻ là giáo viên, trợ giảng và các em nhỏ ở trung tâm.
“Tôi không bao giờ quên hình ảnh bà cụ tóc bạc trắng, mặc áo bà ba ngồi bên piano. Kỳ diệu lắm. Cô từ Bình Thuận vào đây ở với con gái bên Hóc Môn, rồi bắt 2 - 3 chuyến xe buýt để đến học. Được vài tuần, cô lại về quê để coi nhà cửa, vườn tược, sau lại lên học. Ở tuổi đó, cô vẫn đam mê, nhiệt huyết khiến tôi có động lực phấn đấu, nỗ lực trong cuộc sống”, cô Thọ xúc động nói.
“Điều tôi trân trọng và muốn gắn bó với lớp học là sự tích cực, tinh thần lạc quan, yêu thương của các cô chú. Người nào có miếng bánh, hộp sữa, trái cây cũng mang lên chia sẻ cho cả lớp. Qua những buổi trò chuyện với cô chú, tôi đúc kết được nhiều kinh nghiệm sống cho bản thân”.
Anh Lê Đinh Hoàng Tài, trợ giảng lớp học piano miễn phí cho người già tại Trung tâm âm nhạc Upponia